Sự cố đau lòng ba trẻ sơ sinh tử vong sau tiêm chủng vắcxin phòng viêm gan B tại Bệnh viện đa khoa huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) vừa qua khiến cho người dân hết sức bàng hoàng.
Khi sự việc trên xảy ra, nhiều câu hỏi của người dân hoài nghi tới khả năng liệu có phải chất lượng vắcxin này là nguyên nhân gây tử vong ba cháu bé này?
Tuy nhiên, có một thực tế rằng, khi bàn về bản chất của vắcxin viêm gan B, hầu hết các chuyên gia đầu ngành của ngành y tế cho rằng đây là loại vắcxin lành tính, an toàn, ít gây ra những phản ứng nặng.
Vắcxin viêm gan B lành tính
Trước những thắc mắc, băn khoăn của nhiều người dân về chất lượng của vắcxin viêm gan B, giáo sư Nguyễn Thị Thu Vân - Chuyên gia cao cấp về vắcxin và sinh phẩm y tế, Nguyên giám đốc Công ty vắcxin và sinh phẩm số 1 đã có những phân tích về bản chất của loại vắcxin này đang sử dụng trong chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia.
Chương trình tiêm chủng mở rộng của chúng ta bắt đầu từ năm 1989. Cho đến năm 1997, vắcxin viêm gan B được Chính phủ đưa vào triển khai trong tiêm chủng mở rộng từ năm 1997.
Bà Vân cho hay, lịch sử phát triển vắcxin viêm gan B của Việt Nam cũng như trên thế giới trải qua rất nhiều giai đoạn khác nhau. Đầu những năm 1980 và 1990, những vắcxin thế hệ đầu tiên là vắcxin làm từ huyết tương của người được sản xuất và Việt Nam đã thành công trong sản xuất vắcxin từ huyết tương người và đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng cho trẻ nhỏ từ năm 1997.
“Bản chất của vắcxin này là những kháng nguyên đã được tách chiết từ huyết tương của người, mang tính chất rất lành tính và vắcxin hoàn toàn rất tinh khiết đạt tới gần 100% độ tinh khiết. Nguyên nhân là do vắcxin này được làm từ huyết tương của người nên ít gây ra những phản ứng không mong muốn. Đó là tính chất của vắcxin thế hệ thứ nhất mà chúng ta đã sử dụng từ năm 1997.”
Tuy nhiên, theo giáo sư Nguyễn Thị Thu Vân, cùng với sự phát triển của khoa học công nghệ trên thế giới thì những năm 1990, Công ty vắcxin và sinh phẩm số 1 cũng đã tiếp cận đề tài phát triển nguồn vắcxin viêm gan B mới thế hệ thứ hai là vắcxin viêm gan B tái tổ hợp.
Vắcxin viêm gan B tái tổ hợp là vắcxin đã được mã hóa loại gen sản xuất ra protein để phòng chống lại viêm gan B trong các nấm men. Các nhà sản xuất khác nhau có thể sử dụng các dòng các nhau, các loại nấm men khác nhau để có thể tiết chất ra các kháng nguyên khác nhau để sản xuất ra vắcxin.
Giáo sư Vân khẳng định: “Vắcxin viêm gan B tái tổ hợp mà chúng tôi cung cấp cho Chương trình tiêm chủng mở rộng hoàn toàn tinh khiết và được sản xuất từ nấm men. Hiện loại vắcxin này vẫn được sử dụng trên toàn cầu. Trong quá trình sản xuất, nó qua rất nhiều công đoạn từ tách chiết tinh khiết đến pha chế và độ tinh khiết của nó rất cao. Bản chất của kháng nguyên này là vắcxin tiểu đơn vị, nó chỉ tách kháng nguyên bề mặt của virus viêm gan B, bản thân kháng nguyên này nó không có khả năng gây bệnh, nó có tính kháng nguyên cao.”
Khi được hỏi về những phản ứng có thể xảy ra cho trẻ sau khi tiêm loại vắcxin này, bà Vân nêu rõ, thực ra vắcxin viêm gan B được sử dụng rất nhiều và những phản ứng không mong muốn đưa lại rất ít, chủ yếu chỉ là đau tại chỗ, nếu so sánh với các vắcxin khác. Nguyên nhân là do bất luận kháng nguyên nào khi đưa vào cơ thể người cũng xảy ra những phản ứng miễn dịch của cơ thể có thể làm cháu bé bị sốt. Những cháu bé bị sốt cao có biểu hiện lâm sàng trên thế giới và Việt Nam hầu như không có, chỉ có những phản ứng sốt nhẹ, và thường thường diễn ra trong vòng 24 giờ đầu sau tiêm.
Chính vì sự “lành tính” và an toàn cao như vậy, nên vị chuyên gia cao cấp về vắcxin này khuyến cáo người dân nên tranh thủ tiêm sớm theo khuyến cáo và đặc biệt là những trẻ sinh ra từ những bà mẹ bị viêm gan B dương tính.
10 triệu người Việt mang virus viêm gan B
Theo Viện vệ sinh dịch tễ Trung ương, vắcxin viêm gan B được triển khai trong tiêm chủng mở rộng từ năm 1997. Những năm đầu, loại vắcxin này chỉ triển khai ở những vùng nguy cơ cao của bệnh. Từ năm 2003, được sự hỗ trợ của Liên minh toàn cầu về vắcxin và tiêm chủng (GAVI), vắcxin viêm gan B được triển khai trên toàn quốc cho trẻ dưới 1 tuổi.
Cùng với những nỗ lực tiêm chủng đủ 3 mũi vắcxin viêm gan B cho trẻ em, từ năm 2003 Việt Nam đã thực hiện việc tiêm vắcxin viêm gan B liều sơ sinh trong 24 giờ đầu sau sinh để phòng lây truyền virus viêm gan B từ mẹ sang con.
Theo ông Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam là nước thuộc vùng có tỷ lệ lưu hành bệnh viêm gan B cao (khoảng 10-20%) đặc biệt tỷ lệ mang virus viêm gan B ở phụ nữ có thai từ 10-16% và ở trẻ em là 2-6%. Vì vậy, việc tiêm phòng vắc xin này càng cần thiết, bởi hiệu quả bảo vệ của việc tiêm vắcxin viêm gan B trong việc phòng lây truyền từ mẹ sang con trong 24 giờ đầu dao động từ 80% đến 95%.
Viện trưởng Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh cảnh báo, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng có 90% trẻ bị nhiễm lúc dưới 1 tuổi sẽ phát triển thành viêm gan B mạn tính và là nguồn lây chủ yếu của cộng đồng, trong khi trẻ nhiễm bệnh này khi từ 1-4 tuổi thì 40% trở thành mắc bệnh mạn tính. Vì vậy, ngay cả các quốc gia đã phát triển cũng thực hiện tiêm vắcxin viêm gan B lúc sơ sinh.
Trước những thông tin cho rằng vừa qua việc Bộ Y tế cho tạm dừng hai lô vắcxin viêm gan B sẽ gây ra tình trạng thiếu vắcxin này trong công tác tiêm chủng, ông Nguyễn Văn Bình - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) - cho biết việc dừng 2 lô liên quan đến các ca tử vong vừa qua chỉ có khoảng 200.000 liều và không có chuyện thiếu vắcxin trên phạm vi toàn quốc.
Ông Bình giải thích, hiện tại ngành y tế dự phòng còn trên 5 lô đang dự trữ cho cuối năm và kế tiếp cho năm sau, nên những lô đó có thể bù lấp cho các lô tạm dừng, nên không có chuyện thiếu vắcxin.
Theo thống kê của Bộ Y tế, hiện nay tại Việt Nam có tới 10 triệu người đang mang virus viêm gan B hiện nay. Vì vậy, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng đề nghị không chỉ các phụ huynh, mà cả các cán bộ y tế, vì lợi ích của trẻ và cộng đồng (trong đó có 150.000 trẻ có nguy cơ nhiễm viêm gan B và 5-6% trong số đó thực sự sau này sẽ bị xơ gan, ung thư gan) tiếp tục duy trì việc tiêm phòng vắcxin cho trẻ.
Có lẽ, xung quanh câu chuyện về nguyên nhân cái chết của ba cháu bé tại tỉnh Quảng Trị vẫn chưa xác định được căn nguyên rõ ràng vẫn là mối quan tâm lớn nhất đối với người dân và những người làm công tác quản lý.
Mới đây, một chuyên gia cao cấp của Bộ Y tế phân tích hiện nay công tác điều tra vụ việc ba cháu bé tử vong ở Quảng Trị sẽ chỉ tập trung vào hai nguyên nhân là do vắcxin hoặc là do những sai sót trong quy trình tiêm chủng.
Đề cập đến việc phân tích những nguyên nhân gây ra sự việc tử vong cho ba cháu bé tại Quảng Trị, ông Bình khẳng định: “Hiện tại, chúng tôi rất ít nghĩ đến chất lượng vắcxin không an toàn, vì nếu do vắcxin, cơ địa phản ứng của trẻ sẽ khác nhau chứ không phải giống nhau một cách ngẫu nhiên như vừa qua. Nhưng về nguyên tắc là không bỏ sót gì nên chúng tôi vẫn đưa chất lượng vắcxin vào tầm ngắm. Do đó, vắcxin sẽ được đưa đi kiểm định tại nước ngoài về tính an toàn.”
Về khả năng những tai biến trên có thể xảy ra là do những sai sót trong quy trình tiêm chủng, ông Bình cho hay, việc nhầm lẫn cũng đã được nghĩ đến, bởi theo quy định vắcxin phải được để riêng nhằm chống nhầm lẫn, tất nhiên người tiêm phải thực hiện việc đối chiếu, kiểm tra trước khi tiêm. Ông Bình nói cũng không loại trừ nguyên nhân nhầm lẫn này, do vậy Bộ Y tế đã đề nghị công an vào cuộc để làm rõ nguyên nhân đến cùng.