Đây là những ý kiến được đưa ra tại cuộc Hội thảo về “Chính sách Bảo hiểm hưu trí và các phương án cải cách khi xây dựng Dự án Luật BHXH (sửa đổi)”. Do Ủy ban các vấn đề xã hội Quốc hội đã tổ chức ngày 6.9 với sự tham dự của đại diện Bộ LĐTBXH, Tổng LĐLĐVN, BHXHVN, VCCI và tổ chức lao động quốc tế ILO...
Nguồn chi đang cạn kiệt
Theo thống kê, tính đến hết năm 2012, cả nước mới có khoảng 10,5 triệu người tham gia BHXH bắt buộc (tăng 3,3% so với năm 2011, nhưng chỉ đạt khoảng 78% so với số LĐ thực tế phải tham gia BHXH bắt buộc theo quy định của Luật BHXH). Nguyên nhân, do diện bao phủ BHXH còn thấp, mới đạt khoảng 20% lực lượng LĐ, số người tham gia BHYT mới đạt khoảng 65% dân số. Trong khi đó, quản lý nhà nước về BHXH, BHYT chưa đáp ứng yêu cầu...
Phó Tổng Giám đốc BHXHVN - Đỗ Thị Xuân Phương cho biết: Nếu không điều chỉnh chính sách hoặc không phát triển mạnh đối tượng, tăng thu hoặc giảm chi thì số thu BHXH trong năm và số tồn tích bắt đầu không đảm bảo khả năng chi trả vào năm 2037. Theo ông Carlos Gallian, chuyên gia về BHXH, ILO tại Việt Nam, nếu Việt Nam không có những thay đổi kịp thời thì Quỹ bảo hiểm hưu trí có thể thâm hụt vào năm 2021 và cạn kiệt vào năm 2034. Do vậy, để đảm bảo sự bền vững tài chính lâu dài (trong 50 hoặc 100 năm tới) thì việc nâng tuổi nghỉ hưu cho cả nam lẫn nữ lên 65 và mức chi cho lương hưu giảm là không thể tránh khỏi.
Phải đảm bảo quyền lợi của người tham gia
Theo Phó chủ tịch Tổng LĐLĐVN - Mai Đức Chính thì chính sách BHXH nói chung và chế độ hưu trí nói riêng có một vị trí quan trọng trong hệ thống an sinh xã hội, là vấn đề có liên quan trực tiếp đến quyền lợi của hàng triệu NLĐ ở VN. Việc thực hiện ngay lập tức tất cả các khuyến nghị của ILO về BHXH là điều không thể đối với Việt Nam và việc thay đổi cùng lúc nhiều nội dung của chế độ hưu trí như dự thảo Luật BHXH sẽ có ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi của người lao động nên cần phải được nghiên cứu, cân nhắc thấu đáo và có bước đi thích hợp.
Theo đó, Tổng LĐLĐVN đề nghị trước mắt thực hiện theo hướng dẫn Điều 187 Bộ luật LĐ 2012 ; giữ quy định BHXH một lần như hiện nay và bổ sung thêm đối tượng người tham gia BHXH trên 20 năm, chưa đủ tuổi về hưu, bị bệnh nặng (ung thư hoặc bệnh nan y) thì được hưởng BHXH 1 lần. Đồng thời, không khống chế tuổi trần tham gia BHXH tự nguyện và có chính sách hỗ trợ đối tượng tham gia BHXH tự nguyện để người lao động được hưởng chế độ hưu trí khi hết tuổi lao động.
Ngoài ra, Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) cần tập trung khắc phục kịp thời những bất cập, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện luật như những vấn đề nêu trên. Nhất là phải bảo đảm quyền lợi của NLĐ tham gia BHXH ở các DN. Phó Chủ nhiệm ủy ban các vấn đề xã hội Quốc hội - Bùi Sỹ Lợi cho rằng cải cách BHXH đã khó, nhưng cải cách hệ thống hưu trí còn khó hơn nhiều do hệ thống hưu trí phụ thuộc rất nhiều nhân tố đầu vào.
Hiện VN là đang là nước có tốc độ già hóa cao nhất khu vực Châu Á do vậy đỏi hỏi việc cải cách chế độ bảo hiểm hưu trí phải có lộ trình phù hợp, để hướng tới mục tiêu đảm bảo cân đối quỹ trong dài hạn trên cơ sở đồng thuận xã hội. Rõ ràng đây là một bài toán khó đặt ra về phương diện hoạch định chính sách và đòi hỏi phải có những phương án khác nhau, để từ đó có thể lựa chọn con đường phù hợp nhất.
Cùng quan điểm đó, ông Phạm Đỗ Nhật Tân - Nguyên Vụ trưởng Vụ BHXH (Bộ LĐTBXH) cho rằng phương án cải cách về tài chính của Quỹ Bảo hiểm hưu trí có liên quan chặt chẽ tới các điều chỉnh về chính sách bảo hiểm hưu trí đã được xây dựng trên cơ sở nghiên cứu công phu và nghiêm túc đáp ứng cơ bản các nguyên tắc của BHXH và đã giải quyết được một số bất cập mà các quy định của pháp luật BHXH hiện hành đang đối mặt cần được xử lý đồng thời góp phần cải thiện tốt hơn về cân đối và tính bền vững của Quỹ BHXH trong dài hạn...