Hài hòa việc đạo, việc đời

08:52, 06/09/2013

Đó là điều tôi nhận thấy rõ nhất ở ông Phạm Đức Long, Bí thư Chi bộ Khu dân cư Oánh (phường Túc Duyên, T.P Thái Nguyên) - một công dân Thiên Chúa giáo tiêu biểu của tỉnh nhiều năm qua.

Ăn ngay, ở lành dân mới tin

Chỉ vài năm không trở lại, tôi cứ ngỡ mình nhầm đường khi đến Khu dân cư Oánh, phường Túc Duyên. Bãi soi ven sông Cầu quanh năm xanh mướt rau, hành, nay đã được phân lô, mở đường, hiện hình một khu dân cư sinh thái. Cạnh nhà thờ lộng lẫy, dãy nhà lợp ngói lô xô trước đây nay đã được xây mới, cải tạo thành nhà cao tầng, kiến trúc hiện đại, không khác gì một khu phố sầm uất.

Ông Phạm Đức Long, Bí thư Chi bộ Khu dân cư (KDC) Oánh vừa rót nước mời tôi thì có điện thoại: - Chờ tôi chừng một tiếng, có vụ cần tôi đi hòa giải. Chị xem bộ phim chúng tôi làm để hiểu về lịch sử làng Oánh nhé - nói rồi ông tất tả lên xe đi ngay.

KDC Oánh gồm 3 tổ dân phố (TDP), có 325 hộ dân (1.250 nhân khẩu), 60% theo đạo Thiên Chúa. Cả KDC có 1 chi bộ gồm 35 đảng viên. Ông Long đảm nhiệm chức vụ Bí thư đã 13 năm nay. Ông còn là tổ trưởng Hội đồng Nhân dân KDC, Hội thẩm Tòa án nhân dân thành phố.

- Mục đích của chúng tôi làm bộ phim này là để kêu gọi mọi người đóng góp xây dựng các công trình công cộng - Ông Oánh mở đầu câu chuyện với tôi như vậy -Hơn chục năm về trước, đường đi trong KDC lầy lội, tối om, rậm rạp cỏ. Ai cũng muốn có đường bê tông sạch sẽ nhưng dân nghèo, đóng góp không xuể. Chi bộ chúng tôi thống nhất là phải kêu gọi sự ủng hộ của mọi người dù ở quê hay đã xa quê. Vậy là chúng tôi bắt tay vào viết lịch sử để khơi dậy truyền thống. KDC Oánh trước đây là làng Oánh, hình thành khoảng năm 1880 do ông cha chúng tôi từ Thái Bình lên khai sơn phá thạch. Bao mồ hôi nước mắt của các cụ đổ xuống mảnh đất này, chúng tôi phải ghi lại cho con cháu tự hào chứ. 

Với tư cách là Bí thư Chi bộ, ông Long đã đi gặp các bậc cao niên, nghe kể, ghi chép lại, đọc cho mọi người tham gia, chắp bút dần dần thành bài lịch sử làng Oánh. Ở các cuộc họp, ông Long ôn lại lịch sử, rồi bày tỏ ý tưởng xây dựng bộ mặt xóm ngõ khang trang, mong mọi người giúp đỡ. Dần dà, 600 mét đường đã được trải bê tông với kinh phí 18 triệu đồng ủng hộ của một số người có kinh tế khá. Hôm khánh thành đường mới, xóm mời dâu, rể các nơi về dự bữa cơm thân mật. Tai được nghe lịch sử đoàn kết, đùm bọc của làng, mắt được nhìn con đường dày dặn, chắc chắn, nhiều người đã mở hầu bao ủng hộ thêm, cộng với mỗi nhân khẩu đóng 120 nghìn đồng nữa, 1.600 mét đường xóm còn lại đã được bê tông xong. Thêm 46 bóng điện đường được thắp sáng, diện mạo KDC Oánh rạng rỡ, sạch sẽ hơn hẳn.

Đường làm xong, vẫn còn dư 28 triệu đồng, Bí thư Chi bộ họp lãnh đạo KDC đề nghị “thừa thắng xốc tới” làm nhà văn hóa. Nhờ tính toán khéo, tận dụng vật liệu cũ, đặc biệt là đã huy động được 154 tập thể, cá nhân ủng hộ, nhà văn hóa KDC trị giá 200 triệu đồng, diện tích 192m2 đã hoàn thành. Cũng thời điểm đó, Ban Hành giáo họ đạo Oánh vận động giáo dân và các nguồn đóng góp xây dựng Nhà thờ giáo họ. Hai công trình đều được khánh thành tháng 4-2008, trở thành niềm tự hào của KDC Oánh.

- Tôi nhớ nhất hình ảnh cụ Nguyễn Hữu Năng, 98 tuổi; cụ Nguyễn Thị Nghệ, 96 tuổi chống gậy đến ủng hộ chút tiền tích cóp dưỡng già của mình để xây nhà văn hóa – ông Long tâm sự.
Để động viên, ghi nhớ những người hảo tâm, nhiệt tình với công việc chung, cấp ủy đã thống nhất lập Bảng vàng ghi công những người ủng hộ ngoài chỉ tiêu. Đảng viên là người đóng góp trước, trong đó, gia đình Bí thư ủng hộ 2,750 triệu đồng, góp phần làm nên phong trào thi đua khắp trong làng, ngoài xóm.

Hòa quyện việc Đạo, việc đời

Trò chuyện với ông Phạm Đức Long, điều tôi cảm nhận rõ nhất ở ông là sự hài hòa việc Đạo, việc đời. Ông là tác giả kịch bản kiêm viết lời bình, cùng một người hàng xóm quay Camera mất hàng tháng trời để cho ra mắt bộ phim 42 phút về làng Oánh. Tuy còn nhiều cảnh quay, lời bình chưa thật chuyên nghiệp, nhưng toát lên là sự nhiệt tâm, yêu quý quê hương của ông.

Ông Long giãi bày: - Mình là người của làng, của xóm, hãy “lăn lưng” vào làm đã, rồi nói gì hẵng nói. Ví như việc làm vệ sinh đường làng, Bí thư là người ra làm đầu tiên. Vừa làm vừa bao quát, xem chỗ nào khó, cần huy động thì có ý kiến với ông Trùm trưởng để ông “điều” người. Rồi làm đèn Trung thu cho các cháu, đèn của Giáo họ rước ở Nhà thờ, đèn của KDC mang đi thi ngoài thành phố cũng là do các bác, các chú (trong đó có ông) chặt tre mang ra cùng làm. Từ ngày có nhà văn hóa, Chi bộ thống nhất vào ngày 27-7 hàng năm mời nhà sư về làm lễ cầu siêu cho các liệt sĩ của làng; cũng vào ngày này, tại Nhà thờ của Giáo họ, Linh mục xin lễ cầu cho các liệt sĩ. Ông Long nhớ tên của cả 30 liệt sĩ, trong đó có 18 liệt sĩ là người Thiên Chúa giáo; trong làng có 4 gia đình 2 liệt sĩ thì 3 gia đình là người Công giáo. Ngay như việc ủng hộ làm nhà thờ, 32 hộ không theo Đạo ủng hộ 7,7 triệu đồng. Đặc biệt là cụ Nguyễn Thị Đạt, 96 tuổi đời, 63 tuổi Đảng, nhờ cháu dắt đến tận nhà Bí thư góp 500 nghìn đồng xây dựng nhà thờ - Ông Long xúc động nhớ lại.

Đi trên con đường sạch sẽ, ngắm nhìn sự đổi thay nhanh chóng của KDC Oánh, tôi không khỏi khâm phục người đảng viên Công giáo 63 tuổi đời, 44 tuổi Đảng, thương binh hạng 4/4, người lính Cụ Hồ năm xưa Phạm Đức Long.

Những việc làm của con người ăn ngay ở lành, nghĩ đến cái chung trước khi nghĩ đến cái riêng đã góp phần nên nét thanh bình, trù phú của làng Oánh hôm nay.