Công tác xã hội: Nghề cần cả chữ "Tâm và Nhẫn"

09:23, 21/11/2013

Đến với nghề bằng cái tâm, sự đồng cảm với những người có hoàn cảnh đặc biệt..., những người làm nghề công tác xã hội (CTXH) đang đem tâm sức giúp đỡ các cá nhân, gia đình, nhóm xã hội vươn lên và hòa nhập cộng đồng. Là một nghề mới, mở ra thêm tiềm năng lao động việc làm nhưng rất cần sự chia sẻ cộng tác của cộng đồng và xã hội.

Ngày 25-3-2010, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 32/2010/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển nghề công tác xã hội giai đoạn 2010-2020 và Bộ Nội vụ đã ban hành chức danh, mã số ngạnh viên chức CTXH. Theo đó, tỉnh Thái Nguyên đã ban hành kế hoạch thực hiện Đề án phát triển nghề CTXH với mục tiêu cụ thể: Đến năm 2020, mỗi huyện, thị xã, thành phố có 2 cán bộ được đào tạo nghề CTXH; mỗi xã, phường, thị trấn có 1-2 viên chức, nhân viên CTXH thuộc chức danh không chuyên trách và 100% thôn, bản, tổ dân phố có đội ngũ cộng tác viên CTXH.

 

Nghề “đặc biệt”

 

CTXH hiện là một trong những vấn đề quan trọng và giành được nhiều quan tâm của xã hội cũng như của các nhà nghiên cứu. CTXH hiện vẫn còn là nghề lạ lẫm với nhiều người. Hiện tại, những người làm việc tại các trung tâm giáo dưỡng, chăm sóc trẻ tàn tật, mồ côi, làm việc tại trung tâm dưỡng lão, trại cai nghiện ma túy chính là những người làm nghề CTXH. Nghề CTXH không thuần túy là hoạt động từ thiện, nhân đạo, mặc dù đều hướng tới trợ giúp con người, nhất là đối tượng bị yếu thế trong cộng đồng mà là sự giúp đỡ mang động cơ nghề nghiệp, là trách nhiệm của ngành CTXH, nhằm giúp đối tượng hoàn chỉnh bản thân hơn để hòa nhập cộng đồng. Chính vì vậy, CTXH là một nghề “đặc biệt”, đòi hỏi người làm nghề phải có phẩm chất và nghiệp vụ “đặc biệt” bao hàm cả sư phạm, tâm lý, y học, pháp luật...

 

Đối với nghề CTXH không có cái tâm, không có sự đồng cảm sâu sắc sẽ khó thành công. Ví dụ, với trẻ sơ sinh rất cần kỹ năng chăm sóc; đối với trẻ mẫu giáo bé, mẫu giáo lớn ngoài kỹ năng chăm sóc cần phải có kỹ năng chia sẻ, nâng niu; với đối tượng mắc các bệnh xã hội, người cao tuổi... cần có những biện pháp thích hợp về tâm lý để ngăn ngừa những phản ứng tiêu cực cho xã hội... Sâu xa hơn, phát triển nghề CTXH trong cộng đồng là cách để thực hiện các hoạt động hỗ trợ khẩn cấp, trợ giúp các đối tượng yếu thế; thực hiện các biện pháp ngăn chặn, loại bỏ những nguy cơ dẫn đến bị xâm hại, bạo lực, ngược đãi...

 

Đối với tỉnh Thái Nguyên, đến nay, đã thành lập Trung tâm CTXH trẻ em và đi vào hoạt động được hơn 2 năm. Mặc dù mới, nhưng đã có nhiều thời điểm “quá tải”. Chị Phùng Thị Thơm, Giám đốc Trung tâm cho biết: “Trung tâm mới chỉ có 7 cán bộ được đào tạo chuyên sâu về nghề CTXH và sư phạm mầm non, tâm lý giáo dục, nhưng tiếp nhận khối lượng công việc rất lớn. Chỉ tính riêng qua đường dây tư vấn hỗ trợ trẻ em 18008080, từ đầu năm đến nay, Trung tâm đã tiếp nhận gần 12 nghìn cuộc gọi. Mỗi cuộc gọi là một vấn đề của đời sống xã hội cần được chia sẻ, mà chia sẻ thì phải đúng, tạo được niềm tin cho người cần hỗ trợ, vì vậy tất cả anh chị em đều phải tập trung cao độ để có được những cuộc tư vấn tốt nhất. Tuy nhiên, cũng có không ít tình huống trớ trêu, bởi theo nội dung phản ánh, chúng tôi có mặt, nhưng đến nơi lại không phải tình huống như trong điện báo”. 

 

Làm “dâu trăm họ”  

       

Một ngày cuối tháng 11, gần 6 giờ chiều, cánh cổng cơ quan Trung tâm CTXH trẻ em đã khép lại, nhưng một vài vị trí làm việc vẫn bận rộn. Chốc chốc chiếc điện thoại để bàn của đường dây tư vấn lại đổ chuông. Anh Nguyễn Đức Dân, Phó Giám đốc Trung tâm chia sẻ: Thường thì cuối ngày, cha, mẹ các cháu đi làm về mới có thời gian để liên hệ tư vấn và chia sẻ những khúc mắc, bất thường của con cái của họ, nên anh em phải nán lại. Anh Dân tâm sự: “Thực tế không ai dám tự tin để nhìn nhận sự thật khi con mình, người nhà mình có dấu hiệu khuyết tật, rối loạn phát triển, tự kỷ, trầm cảm... Chính điều này đã cản trở công việc tư vấn, trợ giúp, thậm chí chúng tôi còn bị gia đình đối tượng tỏ thái độ bất hợp tác khi cho rằng con cái họ không bình thường”. Được biết, trong dịp đầu năm học vừa qua, Trung tâm đã khảo sát trên 300 trẻ của Trường Mầm non 19-5 T.P Thái Nguyên, thì có 20 cháu có “vấn đề” và cần được can thiệp kịp thời, nhưng chỉ có 2 phụ huynh liên lạc trở lại để xin tư vấn, trợ giúp, số còn lại đều không thiện chí với nhân viên làm CTXH, trong khi lứa tuổi cần được điều trị  là từ 2 đến 6.

 

Vượt qua những khó khăn trong công việc, từ đầu năm đến nay, Trung tâm đã hỗ trợ và can thiệp cho 67 trường hợp, trong đó có 24 trẻ tự kỷ, 10 trẻ khuyết tật, 4 trẻ bị xâm hại tình dục, 4 trẻ rối loạn phát triển, chậm phát triển trí tuệ. Tất cả các trường hợp này đã được củng cố hồ sơ chuyển các cơ quan chức năng xử lý và tư vấn điều trị, hỗ trợ pháp lý... Ở góc độ làm nghề CTXH với trẻ em là vậy, còn ở các lĩnh vực khác của CTXH, tính chất công việc còn phức tạp hơn. Bà Nguyễn Thị Bình, Chủ tịch Hội phụ nữ phường Hương Sơn, T.P Thái Nguyên, cán bộ theo dõi CTXH tại phường chia sẻ: “Ở cơ sở, bất cứ chuyện gì xảy ra, chúng tôi đều phải có mặt để can thiệp. Chẳng hạn như, vợ, chồng cãi chửi nhau, bạo lực gia đình, người say rượu, nghiện rượu, hộ nghèo, thậm chí cả đối tượng tiền sự, tiền án, người nghiện ma túy... chúng tôi đều phải có biện pháp tác động tâm lý để điều chỉnh hành vi của họ là vào sổ theo dõi. Khi lỡ có chuyện, chúng tôi cũng có thể phân loại được đối tượng và mức độ nguy hiểm. Đồng thời qua đó muốn giúp họ có thêm niềm tin và nghị lực trong cuộc sống, làng xóm yên ổn”.   

 

Nghề kén người

 

Ông Vũ Đức Quyết, Trưởng phòng Bảo trợ xã hội, Sở LĐ, TB&XH cho biết: Nghề CTXH ở nước ta và tại tỉnh Thái Nguyên mới chỉ ở giai đoạn khởi đầu, đa số nhân viên làm CTXH chưa được đào tạo cơ bản. Đội ngũ nhân viên này phát triển chủ yếu là của các tổ chức đoàn thể, chính trị xã hội, đôi khi là những người dân tự nguyện nên họ làm việc theo kinh nghiệm, chưa được đào tạo kỹ năng khoa học xã hội, kỹ năng nghề cần thiết về CTXH. Do vậy, hiệu quả giải quyết các vấn đề xã hội, vấn đề cá nhân, gia đình, nhóm và cộng đồng chưa cao, thiếu tính bền vững.

 

Theo Đề án 32, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, giai đoạn 2010-2020, mỗi năm, nước ta cần phải đào tạo và đào tạo lại 3.500 cán bộ, viên chức, nhân viên và cộng tác viên CTXH trình độ sơ cấp trở lên. Như vậy, nhu cầu nhân lực có trình độ chuyên môn về CTXH ở nước ta là rất lớn. Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể làm tốt được công việc này. Người làm CTXH phải có sự đồng cảm, chia sẻ sâu sắc với đối tượng có hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống.

 

Trong căn phòng trị liệu chỉ hơn chục mét vuông tại Trường Mầm non 19-5 T.P Thái Nguyên, chị Trần Bảo Khánh, nhân viên CTXH của Trung tâm CTXH tỉnh chia sẻ: “Nhận tư vấn, trị liệu cho các cháu tự kỷ, rối loạn phát triển trí tuệ, coi như mình đã là người mẹ thứ hai của các cháu. Chị kể: Có cháu cả buổi không nói năng hay hoạt động gì, cũng có trường hợp nghịch không biết mệt. Cũng có trường hợp biết con có khiếm khuyết nhưng cha, mẹ lại không thừa nhận điều đó, nên rất khó để thực hiện các phương pháp trị liệu tâm lý. Trong khi đó, nếu không được tư vấn và trị liệu kịp thời, tương lai về sau hòa nhập xã hội sẽ rất khó khăn”.

 

Còn với bà Bùi Thị Châu, Phó Chủ tịch Hội LHPN phường Quan Triền, T.P Thái Nguyên tham gia công việc với vai trò là cán bộ cơ sở theo dõi CTXH, bà chia sẻ: “Làm CTXH nhiều khi phải có tinh, có tướng. Có những trường hợp nghiện rượu hay gây sự, cứ có người khác xuất hiện là được thể làm càn nên mình phải có bản lĩnh. Trong CTXH nhiều tình tiết xuất hiện công an khi chưa đến mức cần thiết thì lại phản tác dụng, đối tượng dễ bị mặc cảm, kích động tâm lý...”. Bà tâm sự: “Nhiều khi tôi thấy cũng ngại vì toàn xen vào việc nhà người khác, nhưng có những sự việc không can thiệp kịp thời là xảy một li đi một dặm rồi.

 

Kinh tế - xã hội ngày càng phát triển cộng với sự bùng nổ của công nghệ thông tin và hội nhập quốc tế, đã và đang làm cho con người phát triển thể chất tốt hơn, nhận thức nhanh hơn, diễn biến tư tưởng, tình cảm cũng đa dạng, phức tạp hơn và nhu cầu của con người cũng đòi hỏi cao hơn. Chính những điều này đã, đang và sẽ làm phát sinh nhiều mối quan hệ xã hội đa chiều và phức tạp hơn; mâu thuẫn về lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm, lợi ích cộng đồng, lợi ích nhà nước cũng diễn biến phức tạp hơn và hệ lụy tất yếu là có nhiều vấn đề xã hội, nhiều vấn nạn xã hội phức tạp hơn giữa con người với con người. Từ thực tế này cần phải thúc đẩy phát triển nhanh hơn nữa nghề CTXH, đặc biệt cần khuyến khích phát triển theo hướng xã hội hóa.

 

Đồng chí Nguyễn Thị Hằng, Giám đốc Sở LĐ, TB&XH: “Nghề CTXH cần được xã hội nhìn nhận là một công việc chuyên nghiệp, đặc thù, vì vậy cấp ủy, chính quyền cơ sở cần nâng cao nhận thức về công tác này, từ đó mới có sự quan tâm và thực hiện hiệu quả. Bên cạnh đó, nghề muốn phát triển được thì phải đẩy mạnh việc xã hội hóa.


Tiến sĩ Lê Thị Ngân (Trưởng khoa Luật - Quản lý xã hội, Trường Đại học Khoa học - Đại học Thái Nguyên): “Đây là một lĩnh vực khoa học, tổng hợp nhiều kiến thức xã hội, vì vậy, muốn phát triển thì cần phải có những người làm nghề chuyên nghiệp. Không nên quan niệm nghề CTXH thuần túy là hoạt động nhân đạo hay từ thiện.”