Giám sát chặt chẽ sự xâm nhập của virus bại liệt hoang dại

07:31, 09/05/2014

Hiện nay, tại Việt Nam vẫn chưa ghi nhận ca nhiễm virus bại liệt. Bộ Y tế đang thực hiện các hoạt động giám sát chặt chẽ sự xâm nhập của virus bại liệt hoang dại vào Việt Nam.

Thông tin trên được Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết tại buổi họp báo do Bộ Y tế tổ chức chiều ngày 8-5, tại Hà Nội.

 

Ông Phu cho biết, tại Việt Nam, bệnh bại liệt đã được công nhận loại trừ vào năm 2000. Cho đến nay không ghi nhận trường hợp nhiễm virus bại liệt hoang dại từ các quốc gia khác.

 

Ông Phu khẳng định, Bộ Y tế Việt Nam đã chỉ đạo quyết liệt các Viện Vệ sinh dịch tễ, Pasteur, trung tâm y tế dự phòng và các cơ quan liên quan giám sát chặt chẽ sự xâm nhập của vi rút hoang dại vào Việt Nam để kịp thời ứng phó. Đồng thời duy trì việc tổ chức cho trẻ em uống vắc xin phòng bệnh bại liệt đạt tỷ lệ cao để bảo vệ thành quả thanh toán bệnh bại liệt tại Việt Nam.

 

Theo WHO, sự lây lan quốc tế của bệnh bại liệt cho đến nay là một sự kiện bất thường và là nguy cơ y tế công cộng đối với các quốc gia khác. WHO lo ngại, nếu bệnh bại liệt không được kiểm soát chặt chẽ, có thể dẫn đến thất bại trong việc thanh toán bệnh bại liệt trên phạm vi toàn cầu.

 

Trong năm 2014, WHO đã ghi nhận sự lan truyền quốc tế của virus hoang dại từ ba trong số 10 nước châu Á và Châu Phi.

 

Để ngăn chặn sự lây lan quốc tế của virus bại liệt hoang dại cần thiết có sự hợp tác ứng phó quốc tế. Đối với các nước đang có ca bệnh phải ngăn chặn việc lây truyền của chủng vi rút bại liệt hoang dại bằng các biện pháp phòng chống như uống vắc xin bại liệt bổ sung, giám sát định kỳ virus và tiêm chủng.

 

Đối với các nước đang là nguồn làm lan truyền virus bại liệt hoang dại cần, thông báo chính thức dịch bệnh. Việc ngăn chặn sự lây truyền virus bại liệt hoang dại là một vấn đề cấp thiết đối với sức khỏe cộng đồng của quốc gia

 

Đối với các nước trước đó không có ca bệnh, nay phát hiện trường hợp nhiễm virus bại liệt hoang dại cần thông báo chính thức dịch bệnh (nếu chưa). Việc ngăn chặn sự lây truyền virus bại liệt hoang dại là một vấn đề cấp thiết đối với sức khỏe cộng đồng của quốc gia.

 

Bệnh tay chân miệng, sốt xuất huyết có nguy cơ lan rộng

 

Báo cáo của Cục Y tế dự phòng cũng cho thấy, từ đầu năm 2014 đến nay, dịch bệnh tay chân miệng và sốt xuất huyết xảy ra hầu hết tại các tỉnh, thành phố. Tuy số người mắc bệnh ở mức thấp hơn so với năm 2013, song tại một số tỉnh, thành phố có số người mắc bệnh cao hơn và có nguy cơ dịch bùng phát. Đến nay cả nước đã ghi nhận hơn 18.600 trường hợp mắc chân tay miệng, trong đó có hai bệnh nhân tử vong. Miền nam chiếm hơn 80% số mắc cả nước.

 

Ông Phu nhận định, bệnh tay chân miệng đang có xu hướng gia tăng, trong khi đó bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và vắc-xin dự phòng; điều kiện vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường còn chưa tốt nên nguy cơ xảy ra dịch trong thời gian tới nếu không tích cực, chủ động triển khai các biện pháp phòng chống.

 

Tương tự, thời điểm bắt đầu mùa mưa (tháng năm) là thời điểm vào mùa dịch sốt xuất huyết, bệnh chưa có thuốc và vắc-xin điều trị đặc hiệu. Tập quán trữ nước tại nhiều địa phương khiến nguy cơ xảy ra dịch là rất lớn.

 

Tích lũy từ đầu năm 2014, cả nước ghi nhận hơn 8.000 trường hợp mắc tại 41 tỉnh, thành phố, bốn trường hợp tử vong. Số mắc tập trung chủ yếu ở khu vực miền nam.

 

Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết, việc chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống như diệt bọ gậy/lăng quăng, phun hóa chất diệt muỗi chủ động tại các điểm nguy cơ cao, xử lý ổ dịch ngay khi phát hiện để giảm tối đa số mắc, tử vong là cần thiết.

 

Để chủ động phòng ngừa sự lan rộng của bệnh tay chân miệng, sốt xuất huyết và một số bệnh dịch nguy hiểm mùa hè, Bộ Y tế đã tập trung chỉ đạo Sở Y tế các tỉnh, thành phố; các Viện Vệ sinh dịch tễ, các bệnh viện T.Ư rà soát các điều kiện về nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, thuốc, hóa chất và vật tư y tế tại các đơn vị điều trị bệnh tay chân miệng để tiếp nhận các ca bệnh. Tổ chức việc thu dung, cấp cứu, điều trị bệnh nhân nhằm hạn chế mức thấp nhất các trường hợp tử vong; phân loại cách ly nhằm ngăn ngừa lây chéo trong bệnh viện, nhất là các cơ sở y tế tại các địa phương.