Là bác sĩ thường xuyên tiếp xúc với bệnh nhân ung thư hoặc những người dân đi kiểm tra sức khỏe để phát hiện sớm ung thư, tôi nhận thấy vẫn còn nhiều người có suy nghĩ thực sự sai lầm về phòng tránh cũng như điều trị căn bệnh ung thư. Xin được chia sẻ trong bài viết để mong muốn mọi người thay đổi quan niệm, suy nghĩ đúng đắn về căn bệnh này.
Ung thư là do số phận:
Điều này là hoàn toàn sai lầm! Mỗi con người đều có nguy cơ bị ung thư, vì ung thư có thể do gen di truyền, do môi trường sống (không khí ô nhiễm, nguồn nước ô nhiễm với hóa chất độc hại …), do lối sống (ăn, uống, sinh hoạt tình dục không lành mạnh …). Nghiên cứu trên thế giới đã chỉ ra rằng, những người có nhiều yếu tố nguy cơ (như uống rượu, hút thuốc lá, béo phì…) thì khả năng bị ung thư cao hơn những người ít hoặc không có yếu tố nguy cơ. Do đó, để đẩy lùi ung thư thì mỗi cá nhân đều có thể thực hiện được đó là thực hiện lối sống lành mạnh như ăn nhiều rau, nhiều hoa quả, thực phẩm sạch (không nhiễm hóa chất), vận động thể dục, thể thao, giữ cân nặng bình thường, sinh hoạt tình dục an toàn, không uống rượu, không hút thuốc lá Khoa học đã chứng minh, 1/3 bệnh nhân mắc ung thư là do môi trường sống và thói quen ăn uống.
Ung thư không thể chữa khỏi, Ung thư là “chết”, là “án tử hình”:
Điều này hoàn toàn sai lầm! Một số bệnh ung thư có thể chữa khỏi hoàn toàn nếu được phát hiện sớm như ung thư tuyến giáp, ung thư vú, ung thư cổ tử cung… Thậm chí, ung thư gan, cũng có thể sống được 10 năm, 20 năm nếu được điều trị ở giai đoạn sớm. Tuy nhiên, một thách thức vô cùng lớn đối với bệnh nhân và bác sĩ điều trị ung thư đó là khi bệnh được phát hiện ở giai đoạn muộn. Vì vậy việc khám sàng lọc để phát hiện sớm ung thư, điều trị triệt để ngay tại giai đoạn này là yếu tố quyết định.
Ung thư thì không nên động dao kéo vào, vì sẽ chết nhanh hơn:
Đây là quan niệm sai lầm! Phẫu thuật là phương pháp truyền thống từ xưa đến nay vẫn áp dụng để điều trị ung thư, bên cạnh rất nhiều phương pháp điều trị ít xâm lấn hiện đại như nút mạch, đốt u, hóa chất, tia xạ... Hiện nay, phẫu thuật vẫn đang được chứng minh là phương pháp điều trị ung thư tối ưu cho những khối u ở giai đoạn sớm như ung thư gan, ung thư đại tràng, ung thư vú … Sau phẫu thuật, bệnh nhân vẫn có thể sống sau 5 năm, 10 năm hay 20 năm như ung thư đại tràng, vú, gan … Ngoài ra, để chẩn đoán xác định bản chất của khối u trước khi có chiến lược điều trị phù hợp thì việc chọc hút tế bào hay sinh thiết khối u vẫn cần thiết phải thực hiện, điều này không có nghĩa là “động dao kéo vào” sẽ làm cho cái chết đến nhanh hơn.
Người bệnh bị ung thư không nên ăn nhiều vì sẽ nuôi tế bào ung thư phát triển nhanh hơn:
Điều này hoàn toàn sai lầm! Bệnh nhân ung thư cần được ăn uống tốt để giúp cơ thể khỏe mạnh hơn, có năng lượng để hoạt động, duy trì cân nặng, đủ năng lượng dự trữ, chống lại tác dụng phụ trong điều trị, giảm nguy cơ nhiễm trùng, nhanh liền vết thương/vết mổ, hồi phục sức khỏe nhanh hơn … Dinh dưỡng tốt cho người bệnh ung thư nghĩa là ăn đa dạng thức ăn để cung cấp chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể, giúp cơ thể chống lại bệnh tật, gồm chất đạm, tinh bột, dầu/mỡ, nước, vitamin và khoáng chất. Người bệnh ung thư không nên kiêng khem, chỉ nên tránh các chất nguy cơ như rượu, thuốc lá.
Ung thư ngày càng trở nên phổ biến, công cuộc chiến đấu với căn bệnh ung thư đòi hỏi sự kiên trì bền bỉ và sự hiểu biết đúng đắn của người bệnh. Điều đó sẽ giúp cho sự phối hợp dễ dàng giữa thày thuốc và người bệnh nhằm mang lại hiệu quả điều trị tối ưu, kéo dài thời gian sống và cải thiện chất lượng cuộc sống cho người bệnh.