Tạo thêm nhiều việc làm cho lao động nông thôn

14:38, 09/08/2014

Vốn 120 là tên gọi tắt của nguồn vốn từ Quỹ Quốc gia giải quyết việc làm cho lao động nông thôn. Nguồn vốn này được dành cho các dự án của các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh và thông qua các dự án này để tạo thêm việc làm cho lao động nông thôn. Những năm gần đây, với gần 80 tỷ đồng cho vay, nguồn vốn này đã giúp tạo ra hàng nghìn việc làm mới trên địa bàn tỉnh.

39 tuổi, chị Nguyễn Thị Nguyệt ở xóm Cầu Ngầm, xã Tân Khánh (Phú Bình) lần đầu tiên thoát ly công việc nhà nông để làm công nhân với mức thu nhập khoảng 3 triệu đồng/tháng. 2 tháng trước, chị Nguyệt được nhận vào làm công nhân đóng gói bao bì tại Hợp tác xã bao bì Xuân Phương nằm trên địa bàn xóm Tân Sơn 9, xã Xuân Phương (Phú Bình). Chị cho biết: Đây là công việc phù hợp với điều kiện sức khỏe của tôi và lại cho thu nhập cao hơn hẳn trồng lúa trong khi tôi vẫn có thể tranh thủ cấy thêm vài sào lúa cho nhu cầu gia đình.

 

Cùng với chị Nguyệt, thời điểm đó có hơn 10 công nhân được nhận vào làm tại Hợp tác xã bao bì Xuân Phương sau khi đơn vị này được vay 255 triệu đồng từ nguồn vốn 120 để mở rộng dây chuyền sản xuất. Chị Võ Thị Thúy Loan, thành viên Ban Chủ nhiệm HTX cho biết: Với 255 triệu đồng vay từ nguồn vốn 120, cùng với vốn vận động cổ phần từ các thành viên, chúng tôi đã đầu tư thêm máy để nâng cấp dây chuyền sản xuất bìa các tông từ 2 lớp lên 3 lớp hoặc 5 lớp, đáp ứng nhu cầu của khách hàng đồng thời thu hút mới được trên 10 lao động thường xuyên với mức thu nhập bình quân từ 2,5 đến 3 triệu đồng/người/tháng. Ngoài ra, chúng tôi cũng giải quyết việc làm cho khoảng 10 lao động thời vụ khác để đáp ứng cho các đơn hàng cần hoàn tất trong thời gian ngắn.

 

Tương tự như mô hình trên, cơ sở sản xuất của anh Nguyễn Duy Hưng ở xóm Đầu Cầu, xã Kha Sơn (Phú Bình) cũng được vay 159 triệu đồng từ nguồn vốn 120 vào tháng 5-2014 để mở rộng sản xuất. Với số tiền vay trên, anh đã mở rộng dây chuyền sản xuất viên nén mùn cưa và bếp đun viên nén mùn cưa, dây chuyền máy nén mùn cưa để đáp ứng nhu cầu của thị trường đang ngày càng mở rộng. Anh Hưng cho biết: Nhu cầu thị trường đối với các sản phẩm chúng tôi đang sản xuất, kinh doanh đang ngày càng mở rộng. Không có vốn vay 120, tôi không biết xoay sở thế nào để đáp ứng nhu cầu thị trường và sẽ bỏ lỡ cơ hội kinh doanh tốt.

 

Theo ước tính của Ngân hàng Chính sách - Xã hội huyện Phú Bình: Hơn 10 năm qua, Ngân hàng đã cho vay gần 4 nghìn dự án và tạo việc làm mới cho gần 3 nghìn lao động. Bà Hoàng Thị Huyền, Giám đốc Ngân hàng Chính sách - Xã hội Phú Bình cho biết: Tính đến nay, tổng dư nợ của khách hàng vay vốn 120 của toàn huyện là trên 9,35 tỷ đồng. Đặc biệt, nhờ thực hiện tốt các quy trình khảo sát dự án, thẩm tra doanh nghiệp nên nguồn vốn luôn được sử dụng đúng mục đích và đem lại hiệu quả cao, trong đó không có nợ xấu.

 

Được biết, ngoài huyện Phú Bình, các huyện, thành, thị trong tỉnh cũng sử dụng có hiệu quả cao nguồn vốn 120. Theo thống kê của Ngân hàng Chính sách - Xã hội tỉnh, trung bình mỗi năm toàn tỉnh giải ngân từ 20 đến 30 tỷ đồng cho trên 1 nghìn dự án vay phát triển sản xuất, kinh doanh tạo việc làm mới cho trên 1 nghìn lao động nông thôn. Riêng năm 2013, toàn tỉnh đã giải ngân gần 34 tỷ đồng cho trên 1,3 nghìn khách hàng mới nâng tổng số dư nợ đến cuối năm lên trên 77,8 tỷ đồng với gần 3,3 nghìn khách hàng. 7 tháng năm 2014, toàn tỉnh đã giải ngân trên 11,4 tỷ đồng cho 480 khách hàng mới, nâng tổng số dư nợ đến lên gần 76 tỷ đồng với trên 3,2 nghìn khách hàng.

 

Bà Hà Thị Thư, Trưởng phòng Kế hoạch - Nghiệp vụ, Ngân hàng Chính sách - Xã hội tỉnh cho biết: Vốn vay từ nguồn vốn 120 có lãi suất thấp (0,6%/tháng), nhiều năm qua đã góp phần mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, mở rộng ngành nghề mới ở nông thôn, đẩy nhanh tốc độ phát triển trên địa bàn tỉnh. Từ nguồn vốn này, hàng nghìn tổ chức, cá nhân đã sử dụng có hiệu quả tạo nhiều việc làm mới, giúp chuyển dịch cơ cấu lao động phù hợp nâng cao chất lượng cuộc sống.

 

Mặc dù vậy, theo bà Thư, nguồn vốn 120 thực hiện trong Chương trình cho vay giải quyết việc làm là thấp so với nhu cầu thực tế của xã hội, đối tượng vay vốn có hạn. Hiện tại, số vốn này mới chỉ đáp ứng cho một phần nhỏ nhu cầu của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Trong khi đó, hằng năm, tiền vốn bổ sung từ Trung ương, tỉnh, các tổ chức chính trị, xã hội vào quỹ lại rất thấp. Đơn cử như năm 2013, toàn tỉnh chỉ bổ sung được 600 triệu đồng vốn từ nguồn của Hội Nông dân và Hội Cựu chiến binh. Năm 2014, tính đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh chưa bổ sung thêm được vốn cho vay mới vào quỹ 120. Mong muốn của chúng tôi là các cấp, ngành chức năng cần quan tâm hơn nữa tới chương trình cho vay giải quyết việc làm để tạo điều kiện bổ sung, đáp ứng nhu cầu vốn cho doanh nghiệp phát triển, thiết thực tạo việc làm cho người lao động, đặc biệt là lao động nông thôn.