Tình nguyện trên bản vùng cao

10:16, 24/01/2015

Khi những cánh đào bắt đầu e ấp chào xuân, nhà nhà chuẩn bị đón Tết Ất Mùi, chúng tôi lại được cùng Đoàn sinh viên tình nguyện Trường Đại học Khoa học – Đại học Thái Nguyên thực hiện chương trình “Đông ấm vùng cao” tại thôn Đán Mẩy và Nà Phại, xã Nam Mẫu, huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn.

Mặc dù phải qua hơn 150km đường đèo, vượt hồ Ba Bể, băng qua rừng trong cái lạnh cắt da cắt thịt mới tới được thôn Đán Mẩy nhưng các tình nguyện viên vẫn không quản ngại khó khăn, trên nét mặt mỗi người đều hiện rõ vẻ hào hứng. Dẫn đường cho Đoàn, anh Đồng Văn Vĩnh, Bí thư Đoàn thanh niên xã Nam Mẫu thông tin: Đây là 2 thôn đặc biệt khó khăn của xã. Nơi đây có 100% đồng bào dân tộc Mông sinh sống, tỷ lệ hộ nghèo chiếm trên 90%. Nằm sâu trong rừng, cách xa trung tâm xã, cả 2 thôn đến nay vẫn chưa có điện. Đường vào thôn chỉ là những lối mòn gập ghềnh, hiểm trở…

 

Trò chuyện trên đường đi, anh Ngô Ngọc Linh, Bí thư Đoàn Trường Đại học Khoa học cho biết: “Thông qua tìm hiểu thực tế, chúng tôi biết được sự khó khăn của người dân nơi đây. Đoàn trường đã phối hợp với Hội Sinh viên và Câu lạc bộ Khoa học xanh của trường vận động thầy cô, sinh viên, các nhà hảo tâm ủng hộ nhu yếu phẩm, quần áo ấm, chăn, màn, đồ dùng học tập… để tặng các em nhỏ và các gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trong thôn. Mặc dù vất vả nhưng chúng tôi rất vui khi được bà con chờ đón”.

 

Hình ảnh đầu tiên chúng tôi bắt gặp khi tới nơi là những ngôi nhà tạm bợ, đơn sơ, những gương mặt trẻ thơ nhem nhuốc nhìn chúng tôi bằng ánh mắt rụt rè, đang co ro trong bộ quần áo mỏng manh. Biết Đoàn về thăm nên bà con trong thôn đã có mặt đông đủ để đón từ sớm. Chúng tôi dừng chân tại Điểm trường Đán Mẩy, mọi người đều nhanh chóng bắt tay vào công việc đã được phân công từ trước, mong muốn sớm mang chút “hơi ấm” đến với dân làng. Nhóm thì dựng rạp, chuẩn bị loa đài, nhóm thì chia nhau đến các gia đình trong thôn thăm hỏi tình hình sức khỏe, đời sống hàng ngày của bà con… mọi thứ dần trở nên thân thuộc. Từ bài hát Áo xanh tình nguyện, Khát vọng tuổi trẻ đến những bài hát, điệu múa truyền thống của người Mông trong đêm giao lưu văn nghệ đã giúp cho mọi người xích lại gần nhau hơn. Từng chiếc áo ấm được các bạn sinh viên mặc cho các em nhỏ, từng bộ chăn màn được trao đến những hộ gia đình khó khăn trong buổi tặng quà đã làm xua tan giá lạnh mùa đông nơi vùng cao này. Ông Giàng Văn Dân, một trong những hộ gia đình được tặng quà chia sẻ: “Cảm ơn các thầy giáo, các bạn sinh viên đã vượt đường xa để đem niềm vui đến cho dân làng. Những món qùa rất thiết thực đối với những người nghèo như chúng tôi, giúp chúng tôi ấm áp hơn trong mùa đông này.

 

Trong 2 ngày tình nguyện đoàn đã trao 168 suất quà (gồm quần áo ấm, khăn, mũ len..) cho 168 em học sinh của điểm trường Đán Mẩy, 25 suất quà (gồm chăn, màn mới) cho 25 hộ gia đình đặc biệt khó khăn tại 2 thôn. Tổng kinh phí cho chương trình “Đông ấm vùng cao” lần này là gần 100 triệu đồng. Được biết, đây là năm thứ 3 liên tiếp, Trường Đại học Khoa học Thái Nguyên tổ chức chương trình tình nguyện “Đông ấm vùng cao”. Trong những năm qua Trường Đại học Khoa học cũng đã có nhiều hoạt động tình nguyện thiết thực, có ý nghĩa nhân văn, đưa phong trào tình nguyện gắn với quá trình học tập của sinh viên, giúp sinh viên nhận thức được vai trò của mình đối với cộng đồng. Đồng thời giúp các bạn trẻ có được những trải nghiệm quý giá, những kinh nghiệm và kỹ năng sống, từ đó chuẩn bị hành trang cần thiết, xây dựng kế hoạch cho tương lai.

 

Bạn Bùi Thị Hồng Tươi, sinh viên lớp Cử nhân Sinh học K9, khoa Khoa học sự sống Trường Đại học Khoa học chia sẻ: “Những chuyến đi như thế này không chỉ là chuyến từ thiện đơn thuần mà còn là chuyến trải nghiệm thực tế giúp em cũng như các bạn sinh viên hiểu hơn về cuộc sống của những người còn khó khăn. Hoạt động của chúng em tuy không mang lại giá trị lớn về vật chất nhưng lại có giá trị về tinh thần, giúp họ cảm nhận được sự hòa đồng và hơi ấm tình người”.