Vườn Thông học Bác tính tiết kiệm

09:40, 27/01/2015

Sinh thời, Bác Hồ thường căn dặn mỗi người phải thực hành tiết kiệm, tiết kiệm sức lao động, tiết kiệm thì giờ, tiền bạc…

Thấm nhuần lời dạy của Người, những năm qua, Chi hội Nông dân xóm Vườn Thông, xã Động Đạt (Phú Lương) đã triển khai mô hình ghi sổ tiết kiệm với mục đích vừa giúp hội viên tiết kiệm được tiền của vừa giúp những người có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn phát triển sản xuất, vươn lên ổn định cuộc sống.

 

Với mục đích giúp hội viên nghèo vơi bớt khó khăn, năm 2009, Chi hội nông dân xóm Vườn Thông đã triển khai mô hình ghi sổ tiết kiệm đến các hội viên. Lúc đầu triển khai mô hình, trong tổng số 70 hội viên nông dân của Chi hội chỉ có 30 hội viên đồng ý tham gia thực hiện. Tuy nhiên, qua tuyên truyền, hướng dẫn mục đích, ý nghĩa của mô hình thì đã có 60/70 hội viên tham gia gửi tiết kiệm tại Chi hội. Đến nay, toàn chi hội có 109 hội viên thì 100% số hội viên đều tham gia gửi tiết kiệm. Bà Trương Thị Loan, Chi hội trưởng Chi hội Nông dân xóm Vườn Thông cho biết: Số tiền từ 20-50 nghìn đồng/tháng nộp vào quỹ không lớn nhưng nhiều người gửi tiết kiệm sẽ thành số tiền không nhỏ. Số tiền ấy, chúng tôi đã cho những hội viên có hoàn cảnh khó khăn (nếu có nhu cầu) vay để phát triển kinh tế. Tính đến nay, tổng số tiền gửi tiết kiệm của các hội viên trong Chi hội lên đến gần 70 triệu đồng và đang cho 7 hội viên vay vốn.

 

Hình thức hoạt động của mô hình ghi sổ tiết kiệm của Chi hội Nông dân xóm Vườn Thông là trong 1 tháng, mỗi gia đình hội viên sẽ gửi tiết kiệm ít nhất từ 20 nghìn đồng trở lên (không tính lãi suất tiền gửi) và được ghi rõ vào cuốn sổ tiết kiệm của mỗi hộ (sổ này được Chi hội Nông dân Vườn Thông cấp). Số tiền này Chi hội trưởng giữ và sẽ cho hội viên nào có nhu cầu vay (kể cả người gửi nếu có nhu cầu cũng được vay vốn) và được tính lãi suất vay là 0,9%. Sau 1 năm, người vay phải hoàn trả cả gốc và lãi cho Chi hội và sẽ được tái vay vốn nếu có nhu cầu. Tiền lãi thu được sẽ cộng gộp và đưa vào quỹ hoạt động của Chi hội để dùng cho các hoạt động như: Thăm hỏi, tặng quà hội viên ốm đau, tổ chức hội, họp…

 

Gia đình bà Nguyễn Thị Bằng thuộc diện hộ nghèo của xóm Vườn Thông nhưng nhờ được vay vốn từ nguồn quỹ của Chi hội Nông dân xóm nên đến nay, gia đình bà đã thoát được nghèo, cuộc sống cũng ổn định hơn. Bà Bằng chia sẻ: Vợ chồng tôi sinh được 5 người con nhưng đều đi làm ăn ở xa. Hiện nay, trong nhà chỉ có 2 ông bà già và 1 đứa cháu nội sống với nhau. Năm 2009, khi mô hình ghi sổ tiết kiệm được thành lập, gia đình tôi đã được vay 8 triệu đồng với lãi suất 0,9%. Số tiền ấy, lúc đầu tôi đã dùng để đào ao thả cá, mua gà về nuôi và mua phân bón để chăm sóc 4 sào chè đồi của gia đình. Trong 1 năm đầu, từ hơn 1.400m2 diện tích ao, tôi đã bán được gần 10 triệu đồng tiền cá. Gần 100 con gà thả đồi, bên cạnh việc cung cấp thức ăn hàng ngày cho gia đình, tôi còn bán được gần 7 triệu đồng. Từ đó đến nay, gia đình vẫn duy trì nuôi gà, thả cá, trồng chè, mỗi năm cũng thu được hơn 20 triệu đồng, cuộc sống cũng đỡ khó khăn hơn. 

 

Mặc dù số tiền cho mỗi hội viên vay không lớn (chỉ từ 3- 8 triệu đồng/mỗi hội viên) nhưng nhờ có nguồn vốn của Chi hội Nông dân xóm Vườn Thông mà nhiều gia đình hội viên có động lực phấn đấu, mạnh dạn mở rộng quy mô sản xuất. Bà Loan cho biết thêm: Trước kia, số gia đình hội viên thuộc diện nghèo của Chi hội khá cao, trong 70 gia đình hội viên thì có tới 19 gia đình thuộc diện nghèo. Tuy nhiên, sau khi triển khai mô hình gửi tiết kiệm tại Chi hội, nhiều hội viên đã mạnh dạn vay vốn để mở rộng quy mô chăn nuôi, mở xưởng chế biến gỗ, trồng chè cành… Nhờ đó, đời sống của hội viên ngày một ổn định hơn. Hiện nay, trong tổng 109 hội viên, chỉ còn 2 gia đình thuộc diện hộ nghèo (giảm 5 hộ so với năm 2013).

 

Bên cạnh việc huy động tiền gửi tiết kiệm, Chi hội Nông dân xóm Vườn Thông còn thành lập Tổ tiết kiệm bao gồm các gia đình hội viên đang vay vốn vốn ngân hàng (vay vốn hộ nghèo, vay vốn học sinh, sinh viên…), phối hợp với Ngân hàng Chính sách- Xã hội huyện Phú Lương gửi tiết kiệm hàng tháng với số tiền từ 50 nghìn đồng trở lên, lãi suất 1%/năm. Hiện nay, đã có 52 hội viên trong Chi hội tham gia gửi tiết kiệm tại Ngân hàng, số tiền gửi đã lên đến hơn 60 triệu đồng. Thông qua hình thức này, nhiều gia đình đang vay lãi ngân hàng sẽ có điều kiện tích góp, tiết kiệm để đủ số tiền trả nợ ngân hàng chỉ sau 5-6 năm (tùy thuộc vào số tiền gửi) mà vẫn được hưởng lãi suất.  Ông Nguyễn Trung Thu, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Động Đạt đánh giá: Thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, Hội Nông dân xã đã triển khai sâu rộng đến các chi hội. Từ cuộc vận động này, đã có nhiều chi hội triển khai các mô hình hay như mô hình tiết kiệm bằng cách nuôi lợn nhựa; hũ gạo tiết kiệm, ghi sổ tiết kiệm… Trong số đó, cách làm của Chi hội xóm Vườn Thông được đánh giá có hiệu quả cao bởi lẽ việc huy động tiền gửi tại Chi hội vừa thể hiện được tính nhân văn giúp hội viên nghèo ổn định cuộc sống vừa giúp người gửi tích cóp được số tiền lớn sau vài năm. Bên cạnh đó, việc liên kết với Ngân hàng Chính sách- Xã hội gửi tiết kiệm sẽ giúp cho nhiều gia đình đang vay vốn Ngân hàng dễ dàng trả nợ ngân hàng trong một thời gian ngắn thay vì trả một lúc một khoản tiền lớn…