Không chủ quan với “giặc lửa”

08:48, 02/04/2015

Cùng với sự sát sao của các cơ quan chức năng trong việc hướng dẫn, kiểm tra, giám sát thì các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tại tỉnh ta đều có ý thức chấp hành tốt các quy định về phòng cháy, chữa cháy (PCCC).

Điều quan trọng là đến nay chưa có trường hợp cháy nổ đáng tiếc nào xảy tại tại các doanh nghiệp FDI. Đó là nhận xét của Trung tá Đỗ Tấn Chiến, Đội trưởng Đội Hướng dẫn và Kiểm tra an toàn PCCC, thuộc Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ (Công an tỉnh).

 

Cuối tháng 3 vừa qua, cán bộ của Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ đã tiến hành kiểm tra công tác an toàn PCCC tại Công ty TNHH Yong Jin Hitech, doanh nghiệp 100% vốn Hàn Quốc tại Khu công nghiệp Điềm Thụy. Nội dung kiểm tra tập trung vào việc xây dựng hồ sơ, hệ thống thiết bị PCCC, hệ thống điện, phương án thoát nạn khi có sự cố cháy nổ xảy ra. Theo kết quả kiểm tra thì doanh nghiệp này đã chấp hành tốt các quy định về PCCC như: Thành lập Ban chỉ huy và Đội PCCC tại chỗ gồm 29 người; ban hành đầy đủ và cụ thể nội quy PCCC trong doanh nghiệp; đầu tư hệ thống thiết bị PCCC đảm bảo tiêu chuẩn (hệ thống báo cháy tự động, bể nước, 2 máy bơm và 39 bình chữa cháy…). Trong quá trình kiểm tra, cán bộ của Phòng cũng đã tư vấn, hướng dẫn thêm cho lực lượng của Công ty những thao tác, kỹ năng sử dụng các thiết bị chữa cháy; đề nghị Công ty tiếp tục hoàn chỉnh một số hạng mục chữa cháy, điều chỉnh cửa thoát nạn…

 

Công ty TNHH Yong Jin Hitech bắt đầu đi vào hoạt động từ đầu tháng 1 năm nay, là doanh nghiệp chuyên sản xuất màng dung cho điện thoại di động, hiện đang sử dụng gần 200 lao động (dự kiến tuyển thêm khoảng 300 lao động). Từ lĩnh vực sản sản xuất và quy mô lao động, doanh nghiệp này được xác định là một cở sở trọng điểm về PCCC do nguy cơ cháy nổ thường trực và có thể gây thiệt hại lớn. Ông Cho Dong Pyo, giám đốc Công ty cho biết: Công tác PCCC được chúng tôi xác định là một trong những nhiệm vụ thường xuyên và quan trọng hàng đầu, bởi nếu để xảy ra cháy thì thiệt hại sẽ rất khó lường. Ngay từ khi bắt đầu triển khai xây dựng Nhà máy, Công ty đã chấp hành rất nghiêm túc các quy định của Việt Nam về PCCC. Chúng tôi đã nhận được nhiều sự giúp đỡ, hướng dẫn thường xuyên của lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp tỉnh Thái Nguyên. Ngoài ra, nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối trong PCCC, Công ty đã tuyên truyền, nhắc nhở và yêu cầu công nhân tuân thủ nghiêm các nội quy, quy định.

 

Không riêng Công ty TNHH Yong Jin Hitech, theo Trung tá Đỗ Tấn Chiến thì nhìn chung các doanh nghiệp FDI trên địa bàn tỉnh đều có ý thức tự giác chấp hành tốt các quy định và rất chú trọng đầu tư thiết bị PCCC. Họ xây dựng và tổ chức lực lượng PCCC tại chỗ một cách bài bản, nghiêm túc, ngoài việc được chúng tôi huấn luyện, hướng dẫn xây dựng và phối hợp thực tập phương án chữa cháy, lực lượng này cũng thường xuyên tự tổ chức huấn luyện. Điển hình là Samsung Thái Nguyên, đơn vị này đã đầu tư nhiều phương tiện chữa cháy hiện đại, trong đó có 3 xe chữa cháy chuyên dụng; xây dựng một đội chữa cháy chuyên nghiệp, được huấn luyện nghiệp vụ tốt; tại mỗi phân xưởng sản xuất cũng đều có đội PCCC cơ sở.

 

Thời gian gần đây, số lượng dự án và quy mô vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào tỉnh ta có sự tăng trưởng đột biến, điều đó đặt ra yêu cầu ngày càng lớn đối với công tác PCCC trong khu vực này. Cùng với các cơ quan liên quan thì Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ (Công an tỉnh) đã và đang tích cực hướng dẫn, kiểm tra, giám sát các doanh nghiệp FDI trong việc tuân thủ những quy định của Việt Nam về PCCC; luôn chủ động và sẵn sàng triển khai phương án chữa cháy. Trung úy Vũ Đức Biên, cán bộ của Phòng chia sẻ: Trong mỗi đợt kiểm tra, giám sát, chúng tôi đều chú trọng phổ biến nội dung các văn bản quy phạm pháp luật tới chủ doanh nghiệp FDI, hướng dẫn tỷ mỷ các thao tác PCCC và giải đáp thỏa đáng những thắc mắc của lực lượng cơ sở. Những kiến nghị sau kiểm tra được thể hiện cụ thể, rõ ràng để các doanh nghiệp dễ dàng tiếp thu, chỉnh sửa hoàn thiện các hệ thống thiết bị và phương án PCCC.

 

Hiện đã có hàng chục doanh nghiệp FDI tại tỉnh ta đi vào sản xuất, ngoài những đơn vị hoạt động từ lâu như: Công ty Mani Hà Nội, Công ty may Shiwon, công ty Wiha, là các dự án mới, có quy mô lớn như: Tổ hợp Samsung Thái Nguyên, Công ty TNHH Glonics và một loạt doanh nghiệp tại Khu công nghiệp Điềm Thụy, Khu công nghiệp Sông Công I. Điều đáng ghi nhận là đến nay chưa có bất kỳ trường hợp cháy, nổ đáng tiếc nào xảy ra tại khu vực vốn FDI. Nhưng như vậy không có nghĩa là các cơ quan chức năng và doanh nghiệp FDI được phép lơ là trong công tác PCCC, bởi trước “giặc lửa” thì không ai có thể chủ quan.