Niềm vui từ cây cầu mới

13:41, 23/05/2015

Cây cầu treo bắc qua sông Cầu đến xóm Tân Yên và Đồng Vung, xã Hòa Bình (Đồng Hỷ) vừa được hoàn thành khiến bà con nơi đây hết sức vui mừng phấn khởi bởi từ nay việc đi lại, học hành, vận chuyển nông sản của bà con đã trở nên dễ dàng, thuận tiện hơn…

Trao đổi với chúng tôi, ông Lý Ngọc Tân, Chủ tịch UBND xã cho biết: Đoạn sông Cầu chảy qua xã Hòa Bình dài 7km là ranh giới ngăn cách hai xóm Tân Yên, Đồng Vung với trung tâm xã. Mấy chục năm nay, 230 hộ dân với trên 800 nhân khẩu ở 2 xóm này muốn đi xuống huyện, ra trung tâm xã, đi học… đều phải nhờ vào con đò ngang qua sông Cầu. Với đặc điểm 100% số hộ ở đây sống bằng nghề nông, việc tiêu thụ nông sản gặp nhiều khó khăn, nếu muốn mang ra chợ trung tâm xã để bán thì chỉ có cách là chia nhỏ, nhờ con đò mang sang bờ bên kia. Mỗi khi mùa mưa về nước sông dâng cao là mọi hoạt động của người dân bị ngưng trệ. Do bị chia cắt về giao thông như vậy nên 2 xóm lâu nay thuộc diện nghèo nhất xã. Chính vì vậy, có được một cây cầu là niềm mong mỏi bấy lâu của người dân Tân Yên, Đồng Vung nói riêng và cả xã Hòa Bình nói chung.

 

Tháng 11 năm 2014, từ nguồn vốn của Bộ Giao thông - Vận tải, xã Hòa Bình được tiếp nhận và triển khai xây dựng cầu treo tại xóm Tân Yên. Đây là cầu treo nằm trong Đề án xây dựng 186 cầu treo dân sinh bảo đảm an toàn giao thông tại 28 tỉnh phía Bắc, miền Trung và Tây Nguyên do Bộ Giao thông - Vận tải khởi động đầu tư. Ngay sau khi có phê duyệt xây dựng, chính quyền xã Hòa Bình tích cực phối hợp cùng với các ngành chức năng khảo sát địa điểm, vận động nhân dân tự nguyện hiến đất, giải quyết kịp thời những vướng mắc tại chỗ tạo điều kiện thuận lợi cho đơn vị thi công đúng tiến độ. Với nỗ lực của chính quyền địa phương, ngành chức năng và sự ủng hộ của nhân dân nên sau 5 tháng thi công, đến nay cây cầu treo mới trị giá 7 tỷ đồng đã được hoàn thành, đảm bảo về kỹ thuật.

 

 Giờ đây ước mơ của người dân xóm Tân Yên và Đồng Vung đã trở thành hiện thực, cây cầu treo chắc chắn nối liền mọi hoạt động giao lưu, thông thương của bà con. Đến 2 xóm vào thời điểm cây cầu vừa hoàn thành, chúng tôi đều bắt gặp sự vui mừng của người dân nơi đây. Ông Lê Xuân Túc, Trưởng xóm Tân Yên cho biết: “2 xóm Tân Yên và Đồng Vung có trên 65 ha chè kinh doanh. Bình quân mỗi năm người dân trong xóm vận chuyển trên 1 nghìn tấn chè sang sông. Cây cầu đã giúp cho việc tiêu thụ sản phẩm chè thuận lợi hơn rất nhiều, người dân đã yên tâm đẩy mạnh sản xuất để phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo... Từ nay, hơn 300 học sinh các cấp của 2 xóm không phải đi học trên những chuyến đò chòng chành từ sáng sớm, thỉnh thoảng bị trôi mất cả sách vở, có lúc phải nghỉ học hàng tuần chờ nước rút mới tiếp tục đi học… như trước.

 

Ông Nguyễn Xuân Quyền, một người dân xóm Tân Yên chia sẻ: Khi biết được đầu tư xây dựng cầu treo của xóm, không riêng gia đình tôi mà bà con ở nơi đây ai cũng vui, tạo điều kiện dọn đường để đơn vị thi công vận chuyển thiết bị và vật tư xây dựng tập kết tại chân công trình. Riêng gia đình tôi, khi chính quyền địa phương vận động hiến đất để xây dựng hai mố cầu, chúng tôi đã hiến 300m2 đất để giúp cho đơn vị thi công sớm hoàn thành đúng tiến độ. Còn ông Hoàng Văn Tý, xóm Đồng Vung phấn khởi cho biết: Trước đây, chúng tôi chỉ được qua sông trong khoảng thời gian từ 6 giờ 30 phút đến khoảng 18 giờ, sau đó mọi hoạt động với bên ngoài phải ngừng lại. Bây giờ thì chúng tôi đi lại lúc nào cũng được. Mấy hôm trước, gia đình tôi nhận cây keo giống về trồng, thay vì đi lại mất cả ngày như trước kia, giờ chỉ cần chở mấy chuyến xe máy là xong, thật tiện lợi vô cùng.

 

Là người lái đò qua sông, từ nay có cây cầu, chị Dương Thị Chuyên, xóm Tân Yên không còn việc làm. Tuy nhiên chị cũng vui vẻ không kém mọi người khác trong xóm và tâm sự: Trước kia, mỗi ngày tôi đưa khoảng 200 lượt người qua sông. Chở người lớn còn đỡ, chứ chở trẻ con là tôi sợ nhất vì các cháu thường đùa nghịch, làm rơi sách vở thậm chí ngã cả xuống sông. Tôi và gia đình nhiều lần phải lặn ngụp giữa con nước lớn để cùng bà con vớt các sản phẩm không may bị rơi xuống dòng nước. Giờ có cây cầu rồi, gia đình tôi không buồn. Chúng tôi sẽ tập trung vào trồng chè, làm ruộng để phát triển kinh tế.