“…Con khóc đòi ăn cơm chấm muối/ Mẹ tìm đâu hột muối cho con?/ Mẹ dỗ: Con ơi đừng khóc nữa/ Bố gánh củi đi chợ đổi muối rồi… Con hỏi muối đâu bố lắc đầu/ Không đủ tiền, người giàu không bán… Từ khi cán bộ cụ Hồ đến/ Ngoài chợ có bán nhiều thứ hàng/ Có hàng bán muối tha hồ chọn…” Những câu thơ trích trong bài thơ Muối Cụ Hồ của nhà thơ Bàn Tài Đoàn nhắc chúng ta nhớ về sự khó khăn khi muốn mua muối của người dân vùng cao cũng như chính sách của Đảng, Nhà nước ta đối với đồng vào dân tộc thiểu số từ những điều tưởng chừng như vô cùng nhỏ trong cuộc sống như hạt muối.
Trên thực tế, nước ta đã có chính sách hỗ trợ đối với mặt hàng muối từ nhiều trước đây. Thực hiện Nghị định số 148 CP/1993 của Chính phủ, từ đầu 1994 Chương trình phòng chống các rối loạn thiếu hụt Iốt bằng biện pháp toàn dân ăn muối Iốt được triển khai sâu rộng trong cả nước. Ở tỉnh ta, thời điểm trước năm 2010, muối Iốt là một trong những mặt hàng được Nhà nước trợ giá, trợ cước từ nguồn ngân sách Trung ương để phòng, chống bệnh bướu cổ cho người dân sinh sống ở vùng dân tộc, miền núi. Đến năm 2012, sau 2 năm tạm dừng, tỉnh ta đã bắt đầu thực hiện lại chính sách này với nguồn kinh phí trích từ ngân sách tỉnh. Nhờ đó đã đem lại hiệu quả tích cực trong việc phòng, chống bướu cổ. Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh cơ bản đã không còn tình trạng bướu cổ do thiếu hụt Iốt.
Nói về căn bệnh bướu cổ, ông Ma Công Bột, sinh năm 1943 ở xóm Đỏn Thỏi, xã Bình Yên (Định Hóa) vẫn còn nhớ rõ những ký ức về thời kỳ cuối những năm 1980, đầu những năm 1990. Ông kể: Khi đó, cả xóm cứ 10 người phải có đến 6 người mắc bệnh bướu cổ. May nhờ chính sách trợ giá, trợ cước muối nên bà con cũng có thể mua được muối Iốt chất lượng với giả thấp, số người bệnh bướu cổ từ đó cũng giảm dần. Còn anh Bàn Văn Liên, ở xóm Khe Cái, xã Vũ Chấn (Võ Nhai) chia sẻ: Hạt muối có ý nghĩa quan trọng với cuộc sống của chúng tôi. Không chỉ dùng để chế biến thức ăn, trong sinh hoạt mà chúng tôi còn dùng muối để ủ rơm, rạ làm thức ăn cho trâu, bò. Trước đây, mỗi khi muốn mua muối chúng tôi phải chờ đến phiên chợ và giá cả thì luôn ở mức cao. Từ khi được hưởng chính sách trợ giá, trợ cước muối, việc mua muối đã trở nên dễ dàng hơn trước.
Được biết, để tạo điều kiện thuận lợi cho việc cung ứng muối đến tay người dân, UBND tỉnh đã có Quyết định giao cho Sở Tài chính, Ban Dân tộc tỉnh phối hợp với các ngành, ban liên quan để triển khai. Đồng thời, giao cho 3 đơn vị là Công ty cổ phần Muối Iốt, Xí nghiệp sản xuất kinh doanh tổng hợp Quan Triều và Công ty cổ phần Phát triển Thương mại Thái Nguyên thực hiện các khâu sản xuất, vận chuyển và tiêu thụ. Từ đơn vị sản xuất, những xe vận chuyển muối không chỉ giao hàng tại chi nhánh thương mại ở trung tâm huyện mà còn vận chuyển hàng đến tận đại lý đặt tại các cụm xã để thuận tiện cho nhân dân.
Để tìm hiểu về ý nghĩa của chính sách trợ giá, trợ cước muối đối với đồng bào vùng cao, chúng tôi đã theo xe vận chuyển của Công ty cổ phần Muối Iốt đến giao muối ở 7 điểm của huyện Võ Nhai, gồm các xã: Bình Long, Tràng Xá, Cúc Đường, La Hiên, thị trấn Đình Cả và 2 điểm thuộc xã Dân Tiến. Trò chuyện với chúng tôi trên xe, anh Đặng Xuân Khu, Phó Giám đốc Chi nhánh Thương mại huyện Võ Nhai nhớ lại: Trước kia, mỗi chuyến đi giao muối của chúng tôi có khi kéo dài cả tuần. Có những chuyến hàng khi trên đường vận chuyển gặp sạt, lở đường hoặc trời mưa, lũ các cán bộ, đội ngũ lái xe đã phải ăn ngủ trên xe nhiều ngày để đợi thông đường lại tiếp tục di chuyển để giao đến tay đồng bào. Có những ngày trời mưa, đường trơn trượt khiến ô tô không thể đi được, chúng tôi đã phải thuê hoặc nhờ người dân giúp chở muối bằng xe bò, xe ngựa. Vất vả là thế nhưng khi thấy đồng bào vui vẻ khi những gói muối được chuyển đến tay, chúng tôi cũng được tiếp thêm sức mạnh.
Còn đối với ông Thân Văn Đào, Phó phòng Kinh doanh, Công ty cổ phần Phát triển Thương mại Thái Nguyên, người đã nhiều năm gắn bó với những xe vận chuyển muối lên vùng cao, kỷ niệm đáng nhớ nhất là vào mỗi dịp chợ phiên, muối Iốt luôn là mặt hàng bán hết đầu tiên. Ông Đào cho hay: Nhờ được tuyên truyền về tác dụng của việc sử dụng muối Iốt cũng như ưu đãi của Nhà nước đối với mặt hàng này tại vùng dân tộc, miền núi nên bà con thường tìm đến mua muối tại các đại lý của chúng tôi. Hiện nay, tuy giá cả của mặt hàng muối Iốt chúng tôi cung ứng không thấp hơn nhiều so với giá thị trường như trước nhưng bà con vẫn tin dùng do hàm lượng Iốt đạt tiêu chuẩn.
Từ ý nghĩa của hạt muối đối với đồng bào vùng cao có thể thấy những chính sách dân tộc thiết thực của Đảng, Nhà nước nói chung và tỉnh ta nói riêng đã đem lại những hiệu quả nhất định. Không chỉ chính sách trợ giá, trợ cước muối, những năm gần đây, cuộc sống vùng đồng bào dân tộc cũng đã từng bước được cải thiện nhờ các chương trình, chính sách như: hỗ trợ mua thuốc thú y, giống cây trồng vật nuôi phục vụ sản xuất; cho vay vốn phát triển sản xuất đối với hộ đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn; hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, làm nhà… cho người di dân thực hiện chính sách định canh định cư; chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường… Các chương trình, chính sách dân tộc về phát triển văn hóa - xã hội, giáo dục, y tế đã góp phần nâng cao trình độ dân trí, chăm sóc sức khỏe cho vùng dân tộc, miền núi. Vai trò của các già làng, trưởng bản, người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số luôn được quan tâm, chú trọng và phát huy, góp phần xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Qua đó đã giúp cho đồng bào dân tộc thiểu số có điều kiện cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống, ổn định sản xuất, từng bước xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội, giữ gìn an ninh, trật tự an toàn xã hội.