Thu hẹp khoảng trống dịch vụ HIV/AIDS

16:05, 09/12/2015

Cho đến nay, công cuộc phòng chống HIV/AIDS của Việt Nam đã đạt được nhiều thành công với việc triển khai hiệu quả nhiều hoạt động can thiệp phòng, chống HIV/AIDS.

Bên cạnh những kết quả đó, Việt Nam hiện đang phải đối mặt với nhiều khó khăn và khoảng trống về dịch vụ HIV/AIDS, đặc biệt tại những tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa. Theo số liệu thống kê của Cục Phòng, chống HIV/AIDS tháng 9/2015, cả nước đã phát hiện mới 7.054 người nhiễm HIV, số bệnh nhân AIDS là 4.257 người và 1.640 người đã tử vong.

 

Mặc dù, số người nhiễm HIV và số tử vong do HIV/AIDS đã giảm nhưng mức độ giảm chưa nhiều, giảm chưa bền vững. Số người mới được phát hiện hiễm HIV vẫn ở mức cao. Số tích luỹ người nhiễm HIV dương tính hiện đang ở mức 227.000 người nhiễm HIV cần được chăm sóc, điều trị thường xuyên, liên tục, suốt đời. Mỗi năm, Việt Nam vẫn có 12.000 người nhiễm HIV mới và 2.000 đến 3.000 người tử vong do HIV/AIDS. Mức độ bao phủ của dịch vụ phòng chống HIV/AIDS còn hạn chế do thiếu nguồn lực. Hiện nay, bao cao su và bơm kim tiêm mới đáp ứng được 40 - 50% nhu cầu, có khả năng tiếp tục bị cắt giảm do thiếu kinh phí; Methadone mới đạt 40% chỉ tiêu 80.000 người được điều trị; công tác điều trị mới đáp ứng được 42% số người nhiễm HIV dương tính được phát hiện; dịch vụ đìều trị HIV/AIDS tại miền núi, vùng sâu, vùng xa còn khó tiếp cận. Hoạt động tư vấn, xét nghiệm HIV nhằm phát hiện sớm tình trạng nhiễm HIV trong nhóm người có nguy cơ cao vẫn chưa thực sự hiệu quả...

 

Tuy thời gian gần đây, số người nhiễm mới hàng năm đang có xu hướng chững lại nhưng lại dịch chuyển mạnh về những địa bàn vùng sâu, vùng xa, nơi có mức độ bao phủ của các dịch vụ chăm sóc, tư vấn về HIV/AIDS còn thấp, có nhiều khoảng trống trong việc cung cấp thông tin tới người dân. Ở các tỉnh miền núi, do trình độ dân trí chưa cao, thêm vào đó là địa hình rộng, thường bị chia cắt, giao thông đi lại trắc trở nên việc tuyên tuyền phòng chống HIV/AIDS và các bệnh lây truyền qua đường tình dục gặp nhiều khó khăn. Theo số liệu khảo sát mới đây của các cơ quan chức năng, dịch HIV/AIDS không chỉ tập trung ở các khu vực thành thị mà đã và đang có xu hướng lan rộng ra các khu vực khác, nơi trình độ dân trí còn thấp, có tệ nạn buôn bán, sử dụng ma túy cao đặc biệt là khu vực vùng cao, biên giới. Khoảng trống lớn nhất là nhận thức của nhiều người về HIV vẫn còn thấp, từ đó làm gia tăng sự lây nhiễm HIV trong cộng đồng dân cư. Đồng thời, đối tượng nhiễm HIV/AIDS không khai đúng địa chỉ, họ tên và thường xuyên di chuyển nơi cư trú nên công tác giám sát, phát hiện, tư vấn gặp nhiều khó khăn. Khoảng trống tiếp theo là số người được tiếp cận dịch vụ điều trị HIV/AIDS chưa cao do địa hình ở miền núi khá rộng, phương tiện giao thông đi lại khó khăn. Bên cạnh đó, nhân lực, mạng lưới phòng chống HIV/AIDS ở cơ sở còn mỏng, đặc biệt là tuyến huyện, xã; kỹ năng tư vấn, chăm sóc người nhiễm HIV tại nhà của nhân viên chăm sóc còn nhiều hạn chế.

 

Để có thể thực hiện thành công Mục tiêu 90-90-90 tiến tới kết thúc dịch AIDS, Việt Nam cần quyết liệt triển khai toàn diện các dịch vụ từ dự phòng, chẩn đoán về chăm sóc, điều trị. Hoạt động dự phòng, can thiệp giảm thiểu cần ưu tiên tập trung vào các địa bàn có tình hình dịch HIV và có nguy cơ xuất hiện dịch HIV cao; triển khai đồng bộ các can thiệp từ dự phòng đến điều trị cho đối tượng nhiễm HIV; tiếp tục tập trung mở rộng xét nghiệm HIV dựa vào cộng đồng, bao gồm người có hành vi nguy cơ cao; đồng thời mở rộng và phân cấp mạng lưới phòng xét nghiệm khẳng định HIV tại tuyến huyện bằng 3 test nhanh. Thực hiện điều trị ARV theo tiêu chuẩn mới, đồng thời tăng cường năng lực, kiện toàn các cơ sở điều trị HIV/AIDS, nâng cao năng lực cán bộ y tế trong hệ thống y tế công, tư về chăm sóc và điều trị, thiết lập hệ thống cung ứng thuốc ARV và các sinh phẩm xét nghiệm liên tục, đảm bảo chất lượng và giá thành hợp lý.

 

Các chỉ tiêu hiện tại của Việt Nam còn khá xa so với các mục tiêu 90-90-90 mà Liên hợp quốc đề ra. Với mục tiêu 90% số người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm HIV, Việt Nam đã đạt được khoảng 78%. Tuy nhiên, mục tiêu 90% người nhiễm HIV được điều trị ARV thì còn quá xa so với mục tiêu đề ra (hiện mới đạt được 45% mục tiêu này). Để thu hẹp được những khoảng trống này đòi hỏi sự cam kết và nỗ lực lớn hơn, mạnh mẽ hơn nữa của các cấp lãnh đạo, mỗi người dân trong việc nâng cao nhận thức về phòng, chống HIV/AIDS.