Lại chuyện nuôi chuột bạch

15:29, 21/01/2016

Thời gian gần đây, cứ vào lúc tan lớp (khoảng 11 giờ 30 phút) có người đàn ông chở theo một lồng chuột bạch (thường gọi là Hamster) đứng bán ngay trước cổng trường THCS A-T.P Thái Nguyên khiến các cháu học sinh đổ xô đến mua.

Nuôi chuột bạch đang là trào lưu trong giới trẻ, nhưng cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây bệnh vì các loại chuột hiện nay được bày bán trên thị trường đều có nguồn gốc xuất xứ không rõ ràng, cũng như chưa có cơ quan chức năng nào kiểm soát dịch bệnh. Chưa kể đến khi chúng sinh sản vô tội vạ thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến môi trường. Vì thế, không nên nuôi chuột bạch tràn lan như hiện nay, đặc biệt hạn chế tối đa đối với trẻ em vì sức đề kháng của trẻ thấp, nếu có nguồn bệnh dịch xảy ra sẽ khó kiểm soát.

Con tôi cũng không ngoại lệ, cháu về nhà cứ nhắc đến chuột bạch và nằng nặc xin bố mẹ mua. Cháu bảo: “Bố mẹ cho con lấy 50 nghìn tiền tiết kiệm để mua chuột bạch về nuôi. Con rất thích nuôi nó, các bạn ở trường con nhiều bạn mua lắm…”. Nghe con nói, vợ chồng tôi lúc đầu cũng không muốn, nhưng cứ thấy con nài nỉ và cũng muốn có con vật làm cảnh nên gật đầu đồng ý.
Buổi trưa tôi đến đón cháu, tranh thủ nói chuyện với người đàn ông tên Lâm bán chuột bạch ngần cổng trường. Anh này nói như quảng cáo: “Anh mua đi, nuôi chuột bạch đang là mốt đấy. Thanh niên thành phố bây giờ nhiều người chơi chuột bạch lắm. Giá mỗi con từ 50 đến 70 nghìn đồng chọn con nào tùy anh…”.

 

Người đàn ông vừa nói vừa chỉ vào lồng chuột có đến 70 - 80 con đang chúi vào một góc. Nuôi chúng có sợ lây bệnh không? Tôi hỏi. Người đàn ông bán chuột vô tư: “Làm gì có bệnh mà lây, chúng ăn toàn cơm, gạo, các loại rau, củ, trái cây sạch sẽ lắm. Nuôi một cặp đực cái, cho chúng ăn uống đầy đủ sẽ đẻ ra cả đàn. Anh cứ nuôi đi, không sợ bị chết đâu…”. Thấy tôi nói chuyện với người bán chuột bạch, một số phụ huynh chờ đón con cũng vào tiếp chuyện. Một phụ huynh tên Hương bảo: “Thằng nhà em và một số bạn cùng lứa trong tổ dân phố nuôi chuột bạch được hơn 10 ngày rồi. Chúng nó xem đó như thú cưng, suốt ngày quấn quýt với chuột…”. Nghe vậy, một phụ huynh khác thêm vào: “Con bé nhà tôi nó thích lắm, lần nào đi qua cũng đòi mua cho một con. Tôi chẳng biết nguồn gốc từ đâu, loài này có gây nguy hiểm gì không, nhưng thấy họ mua thì mình cũng mua”…

 

Tiếng trống trường gióng lên, con trai chạy đến chỗ tôi đang ngồi nói chuyện với người bán chuột bạch. Tôi bảo, con thích con nào thì chọn, bố mua cho một đôi.

 

Thật ngạc nhiên, khi cháu bảo: Không, con không mua nữa đâu, lây bệnh đấy…!

 

Tôi hỏi lại: Sao lại không mua nữa?

 

Thầy giáo con ở lớp bảo: “Chuột là loài động vật gặm nhấm, ăn tạp nên rất dễ mang theo nguồn bệnh dịch. Đây cũng là loài vật không có lợi cho sức khỏe con người cũng như môi trường, chỉ nuôi để làm thí nghiệm thôi, con không mua nữa đâu”.

 

Nghe con nói, cá nhân tôi và một số phụ huynh cũng chột dạ, nhưng thấy vui mừng vì sự hiểu biết của con.

 

Thì ra, việc nuôi chuột bạch cũng là do hiếu kỳ và bị người bán đánh vào tâm lý trẻ em thích các loài động vật dễ thương nên họ đem đến gần cổng trường để bán cho các cháu học sinh. Và đa số người mua đều vì những lý do “thấy họ chơi thì mình cũng chơi”, vì thế nuôi chuột bạch đang trở thành phong trào.

 

Các bậc phụ huynh không nên chiều các con và cũng không nên nuôi loại vật tiềm ẩn nhiều nguy cơ mầm bệnh, ảnh hưởng đến sức khỏe, môi trường như chuột bạch.