Trong kháng chiến chống Mỹ, Thái Nguyên là một trong những trận địa phải gánh chịu rất nhiều đợt dội bom với sức tàn phá kinh hoàng bằng máy bay của địch. Những lần mưa bom trút xuống, hầu hết chúng đã phát nổ nhưng còn đâu đó hàng trăm, thậm chí hàng nghìn quả vẫn nằm yên bất động dưới lòng đất. Nó có thể gây nguy hiểm cho bất cứ ai vô tình hay hữu ý tác động đến và để lại hậu quả khó lường.
Với 20 năm thâm niên rà phá bom mìn, Trung tá Giáp Toàn Thắng và Trung tá Trần Thanh Lâm, Ban Công binh (Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh - BCHQS) đã qua biết bao “trận địa”, xử lý vô số các loại bom. Thời gian đó tính từ những ngày các anh còn là học viên Trường Sĩ quan Công binh đến khi ra trường, công tác tại Lữ đoàn Công binh 575, thực hiện nhiệm vụ ở các tỉnh thuộc khu vực Quân khu 1 và giờ tập trung phục vụ trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên. Gặp các anh, chúng tôi đã được thông tin: Từ đầu năm đến nay, cán bộ của Ban đã trực tiếp tham gia rà phá, phát hiện và xử lý hàng chục loại bom đạn, vật liệu nổ như bom bi, bom cam, bom phá, đạn cối, lựu đạn cầu với trọng lượng trên 2,1 tấn (chưa kể số lượng của các đơn vị cấp huyện trực thuộc Bộ CHQS tỉnh rà phá, thu gom được). Trong đó, có tới 5 quả bom cỡ lớn từ 90kg thuốc nổ trở lên. Quả được phát hiện gần đây nhất là vào ngày 22-5-2016, tại huyện Đại Từ.
Hôm đó, gia đình ông Trần Quang Lợi, ở xóm Hòa Tiến 2, xã Minh Tiến (Đại Từ) thuê máy xúc san gạt đất để làm mặt bằng thì phát hiện vật nghi là bom nên báo lên cơ quan chức năng của địa phương. Ngay sau khi nhận được tin báo từ cơ sở, Trung tá Giáp Toàn Thắng và Trung tá Trần Thanh Lâm lập tức lên đường. Đến hiện trường, các anh thấy khối sắt hình trụ lộ ra 1 phần do máy xúc đào trúng, phần còn lại vẫn nằm trong đất với độ sâu 5m. Lực lượng công binh tiếp tục khảo sát, rà dò thì phát hiện thêm 1 quả tương tự.
Với thâm niên 20 năm trong nghề, các anh khẳng định đây là bom, chỉ là chưa biết nó thuộc loại gì để tìm cách xử lý. Sau hàng giờ trong sự căng thẳng đào, bới các anh mới xác minh được tên và đặc điểm của loại bom này.
Anh Thắng rành rọt: Loại bom này có 3 ngòi nổ. Ngòi chính nằm ở đầu, ngoài ra nó còn 2 ngòi phụ nằm ở thân và đuôi. Nếu trong quá trình đào bất cẩn chạm vào 1 trong 3 ngòi nổ ấy sẽ vô cùng nguy hiểm. Loại bom này có thể gây sát thương trong bán kính 150m và ảnh hưởng trong bán kính 300m. Bằng chứng là 2 tuần sau, tại nơi nó được hành phá hủy đã để lại 1 hố sâu tới 7m và rộng 15m. Nghĩa là nó có thể đánh sập 1 tòa nhà cao tầng cỡ lớn.
Đã là bom, mìn thì loại gì, cỡ nào cũng đều có thể gây nguy hiểm nhưng có lẽ bom bi là loại khiến người lính công binh căng thẳng nhất mỗi lần giáp mặt. Bởi đây là loại bom kích nổ ly tâm, chỉ cần nó xoay đủ vòng là nổ. Kỷ niệm đáng nhớ nhất của các anh là vụ phá bom bi tại xã Cù Vân, huyện Đại Tư, năm 2010. Đó là quả bom bi mẹ đường kính chừng 50cm, dài 2m, trong bụng nó chứa tới 115 quả bom bi con, được phát hiện ngay gần nhà dân. Muốn phá thành công, đảm bảo an toàn, nhất định phải giữ nguyên vị trí của bom bi (tuyệt đối không được xoay) trong khi đào hoặc di chuyển. Với nguyên tắc đó, các anh chỉ có thể đưa nó ra khỏi vị trí tìm thấy chừng 100m và phải mất 1 ngày để kích nổ từng quả bom bi con.
Anh Thắng chia sẻ: Xử lý bom mìn là công việc đòi hỏi tinh thần thép, tập trung cao độ, hết sức cẩn trọng, tỉ mỉ và chính xác 100%. Bởi chỉ một sai sót nhỏ có thể phải trả giá bằng tính mạng của bản thân và đồng đội. Thoạt nhìn, những quả bom, đạn pháo nằm sâu trong lòng đất suốt mấy chục năm trời thường bị rỉ tét, song các bộ phận kích nổ còn nguyên công năng và có thể phát nổ bất cứ lúc nào khi bị tác động. Mỗi lần rà phá bom là đối mặt với khó khăn, ranh giới giữa sự sống và cái chết nên người chiến sĩ không chỉ làm việc bằng khối óc, bằng bàn tay khéo léo mà còn phải cần sự dũng cảm. Trong đời lính công binh các anh đã không ít lần nhìn thấy đồng đội mang thương tật thậm chí hy sinh chỉ vì chút sơ suất, bất cẩn trong quá trình rà phá bom mìn.
Trung tá Trần Thanh Lâm ví von: Đào bom giống như ta dùng kim để khêu cái dằm nhọn đâm vào tay, phải cẩn thận từng ly, từng tý, chọc trúng nó sẽ bị đau và phải thật khéo mới lôi được nó ra. Rà phá bom cũng vậy, phải bới từng mẩu đất (nhất là ở vị trí đầu nổ), khoét từng phân, có khi cả giờ đồng hồ mới bới được 20cm. Đây là công việc nguy hiểm nếu để xảy ra sơ suất sẽ không thể rút kinh nghiệm mà phải trả bằng cái giá rất đắt, thậm chí là cả tính mạng mình và đồng đội. Do đó, để làm tốt nhiệm vụ này, ngoài việc “thuộc bài”, nắm vững quy tắc, thuần thục trong từng động tác tức là phải được huấn luyện thường xuyên thì người lính phải có bản lĩnh, lòng dũng cảm. Theo các chuyên gia, với tốc độ rà phá bom mìn ta như hiện nay thì phải mất hàng năm nữa, đất nước ta mới có thể hoàn thành việc rà phá, tháo gỡ hết số lượng bom mìn, vật nổ.