Lò đốt rác mini: Lợi ích trước mắt và nhiều vấn đề đáng bàn

18:40, 08/09/2016

Trên địa bàn tỉnh hiện có 7 lò đốt rác thải sinh hoạt loại nhỏ (công suất đốt mỗi lò khoảng 400kg rác/giờ), trong đó 6 lò được đầu tư bằng ngân sách của tỉnh và các huyện. Không thể phủ nhận những ưu điểm, lợi ích trước mắt của các lò đốt loại này nhưng việc duy trì và nhân rộng rất cần sự cân nhắc.

Bà Trần Thị Minh Hương, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường: Ngày 14-6, Sở đã có văn bản yêu cầu các địa phương không đầu tư mới lò đốt rác thải sinh hoạt công suất dưới 300kg rác/giờ. Nếu có nhu cầu và điều kiện đầu tư thì phải lựa chọn lò đốt đáp ứng Quy chuẩn quốc gia. Các huyện đã có lò đốt tiến hành đánh giá việc đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật theo QCVN 61-MT, nếu cần phải cải tạo, nâng cấp theo quy định.

Trước tình trạng ô nhiễm do rác thải sinh hoạt và quá tải tại nhiều bãi rác, Sở Tài nguyên - Môi trường đã nghiên cứu, học tập kinh nghiệm tại một số nơi và tham mưu để UBND tỉnh cho phép triển khai thí điểm lò đốt rác thải sinh hoạt tại thị trấn Đu (Phú Lương) từ năm 2013. Đây là lò đốt đối lưu bằng không khí tự nhiên NFi 05, công nghệ Nhật Bản và sản xuất tại Thái Lan. Từ đó đến nay, lò đốt vận hành liên tục, tuy chỉ đạt khoảng 1/3 công suất thiết kế (chủ yếu do thiếu nhân lực và diện tích sân phơi rác hẹp) nhưng đã góp phần đáng kể giảm tải cho bãi rác thị trấn, hạn chế phải chôn lấp rác.

 

Phân tích những ưu điểm của lò đốt loại này, bà Hoàng Thị Liên, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở Tài nguyên - Môi trường) cho biết: Đây là lò sử dụng công nghệ đốt rác liên tục bằng không khí tự nhiên (rác đốt rác), không cần dùng nhiên liệu; có thể đốt rác tươi với độ ẩm trên 40% nên tiết kiệm chi phí vận hành và giảm thời gian lưu chứa rác. Tỷ lệ đốt đạt đến 90%, hệ thống xử lý khí thải được thiết kế đồng bộ nên giảm thiểu việc phát sinh khí thải độc hại. Với thiết kế nhỏ gọn, diện tích cần sử dụng chỉ khoảng 300m2, tổng chi phí đầu tư trên 3 tỷ đồng, công suất đốt khoảng 10 tấn rác/ngày nên loại lò này phù hợp để xử lý rác thải sinh hoạt tại các khu vực tập trung dân cư từ 15.000 đến 20.000 người, thị trấn, cụm xã.

 

Với những ưu điểm đó và nhu cầu xử lý rác thải sinh hoạt ngày càng lớn, năm 2013, UBND tỉnh đã phê duyệt Dự án đầu tư nhân rộng lò đốt rác NFi trên địa bàn, dù chưa có hướng dẫn cụ thể của Bộ Tài nguyên - Môi trường. Từ đó, các lò đốt rác thải sinh hoạt tương tự ở Phú Lương lần lượt được lắp đặt tại xã Bình Yên (Định Hóa), thị trấn Đình Cả (Võ Nhai), xã Bình Thuận (Đại Từ), xã Tân Khánh (Phú Bình) và thị trấn Trại Cau (Đồng Hỷ). Riêng lò đốt rác thải tại thị trấn Sông Cầu (Đồng Hỷ) do liên danh Công ty TNHH Thiên Minh và Công ty Nhật Huyền đầu tư, vận hành từ đầu năm nay vẫn đang trong giai đoạn thử nghiệm.

 

Nhiều người đánh giá cao hiệu quả cũng như khả năng nhân rộng mô hình lò đốt rác thải sinh hoạt loại này. Ông Vũ Xuân Thái, Chủ tịch UBND thị trấn Sông Cầu cho biết: Trước đây, chúng tôi luôn phải loay hoay tìm chỗ đổ rác, diện tích bãi rác vốn hẹp và không đủ điều kiện để chôn lấp. Nay có lò đốt nên hầu như không còn lượng rác tồn đọng, hạn chế đáng kể ô nhiễm môi trường. Dưới góc nhìn chuyên môn và quản lý nhà nước về môi trường, bà Dương Thị Quỳnh, Trưởng phòng Tài nguyên - Môi trường huyện Phú Lương cho rằng: Lò đốt rác loại nhỏ rất phù hợp với vùng nông thôn, giúp giảm chi phí và diện tích chôn lấp rác, cần đầu tư hoặc kêu gọi xã hội hóa để nhân rộng mô hình này…

 

Những ưu điểm và lợi ích của lò đốt rác thải cỡ nhỏ là điều không cần bàn cãi, các tỉnh như: Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Thái Bình, Nam Định… cũng đã đầu tư nhiều lò đốt rác loại này. Tuy nhiên, một số vấn đề phát sinh liên quan đến vận hành, đặc biệt là nguy cơ phát thải ô nhiễm thứ cấp từ lò đốt rác là không thể xem nhẹ. Gần đây, nhiều người dân đã bức xúc vì tình trạng ô nhiễm bởi rác tồn đọng và khói từ các lò đốt rác, điển hình là tại xã Bình Yên (Định Hóa), thị trấn Đu và xã Động Đạt (Phú Lương). Phần lớn ống khói của các lò đốt chỉ cao khoảng 8m (quy định mới là trên 20m) nên khói thường bay thấp trong không khí, nhất là vào những ngày trời âm u, lặng gió, ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống người dân trong khu vực.

 

Theo quy định thì các lò phải được quan trắc môi trường 3 tháng 1 lần, tuy nhiên phần lớn đơn vị vận hành lò đốt không đủ kinh phí chi trả cho việc này (hàng trăm triệu đồng/lần) nên không thể quan trắc định kỳ. Kinh phí vận hành các lò đốt chủ yếu lấy từ ngân sách cấp huyện luôn trong tình trạng hạn hẹp, có nơi không đủ trả lương công nhân dẫn đến thiếu người nên không phát huy tốt công suất lò, tồn đọng rác. Công tác kiểm tra, giám sát việc vận hành lò đúng quy trình, nhất là phân loại rác trước khi đốt còn hạn chế. Việc quản lý vận hành lò tại mỗi địa phương lại được giao cho các cơ quan khác nhau…

 

Điều rất đáng quan tâm là gần đây không ít chuyên gia môi trường đã lên tiếng cảnh báo về nguy cơ ô nhiễm không khí do đầu tư tràn lan lò đốt rác cỡ nhỏ, đặc biệt là chất dioxin. Bởi theo nguyên lý, một số rác thải chứa kim loại nặng như thủy ngân, chất dẻo có chứa clo làm từ nhựa PVC có khả năng sinh ra chất dioxin khi ở nhiệt độ 400-600 độ C. Muốn giảm nguy cơ phát thải khí độc hại vào môi trường, công nghệ đốt phải tuân thủ chặt chẽ từ khâu phân loại rác đến việc đảm bảo nhiệt độ đốt, hệ thống xử lý khí thải tốt. Nhìn chung, thế giới đã có xu hướng coi lò đốt rác là công nghệ lỗi thời, nhiều nước tiên tiến đã cấm sử dụng lò đốt cỡ nhỏ.

 

Rõ ràng, dù có lợi ích trước mắt nhưng những vấn đề liên quan đến vận hành và đặc biệt là nguy cơ ô nhiễm từ các lò đốt rác cỡ nhỏ đỏi hỏi phải cân nhắc việc nhân rộng mô hình này. Đối với những lò đốt đã đầu tư, cơ quan chức năng cần quan tâm kiểm tra, giám sát đảm bảo vận hành đúng quy định và hiệu quả, đánh giá tác động môi trường định kỳ. Tháng 3 vừa qua, Bộ Tài nguyên - Môi trường đã ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về lò đốt chất thải rắn sinh hoạt - QCVN 61-MT:2016/BTNMT. Với những quy định rất cụ thể, đây là căn cứ quan trọng để quản lý, sàng lọc nhằm lựa chọn những lò đốt đảm bảo tiêu chuẩn môi trường.