Ngày 17-1-2017, các bác sĩ Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên cho biết, vừa tiến hành gắp thành công một con đỉa rừng dài 8cm từ trong thanh - khí phế quản của một bệnh nhân.
Anh Nguyễn Văn S. (sinh năm 1967, ở xóm Đoàn Thắng, xã Hoàng Nông, huyện Đại Từ) đến khám tại Bệnh viện với các triệu chứng như nuốt vướng, khàn tiếng, khạc ra máu tươi và khó thở từng lúc. Sau khi tiến hành khám nội soi, các bác sĩ đã phát hiện ra một con đỉa sống ký sinh trong trong thanh - khí phế quản của người bệnh.
Anh S. cho biết, cách đây khoảng 10 ngày có ăn rau sống tại nhà, sau đó xuất hiện các triệu chứng như trên với mức độ nặng dần, bệnh nhân đã đi khám nhiều nơi và được chẩn đoán viêm họng, đã dùng nhiều loại thuốc uống nhưng không đỡ. Sau khi đến khám tại Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên thì các bác sĩ phát hiện ra nguyên nhân và tiến hành các biện pháp kỹ thuật, gắp ra một con đỉa rừng còn sống, căng máu màu đen và dài khoảng 8cm. Đỉa rừng trên có tên khoa học là Dinobella Ferox. Đỉa thường sống ở các khe suối, khi còn nhỏ kích thước chỉ vài milimét nên khi người hay động vật uống nước, chúng sẽ dễ dàng chui vào các khoang mũi, họng, thanh hoặc khí phế quản rồi ký sinh ở đó. Sau một thời gian hút máu, chúng sẽ lớn nhanh trong cơ thể người và gây ra các triệu chứng về hô hấp.
Bác sĩ Chuyên khoa II Nguyễn Thị Thu Minh, Trưởng khoa Nội tiết - Hô hấp Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên cho biết: Trước đây, khi chưa có nội soi phế quản ống mềm, các trường hợp có dị vật đường thở nhất là ở đường hô hấp giữa đều phải chuyển lên tuyến trên điều trị, gây tốn kém cho bệnh nhân. Đến nay, nhờ tiến bộ của khoa học kỹ thuật y khoa và sự trưởng thành về chuyên môn của đội ngũ y, bác sĩ, Khoa Nội tiết – Hô hấp đã làm chủ được kỹ thuật nội soi phế quản, giúp cho việc chẩn đoán, phát hiện được nhiều loại bênh như lao phổi và các nhiễm trùng do vi khuẩn khác nhờ xét nghiệm dịch rửa phế quản phế nang, chẩn đoán ung thư phế quản, lấy dị vật đường thở… Bác sĩ Minh khuyến cáo người dân cần thận trọng khi sử dụng nguồn nước sông, đặc biệt là nguồn nước tại các khe, suối. Khi đi tắm tại các nguồn nước tự nhiên, tốt nhất là có phương tiện phòng ngừa ký sinh trùng xâm nhập vào các hốc tự nhiên trên cơ thể. Luôn thực hiện ăn chín uống sôi; không nên ăn các loại thực phẩm tươi sống chưa được nấu chín; hạn chế ăn rau sống… để phòng bệnh và tránh những trường hợp đáng tiếc xảy ra như đối với anh S..