Hiện nay, tỉnh ta đang thực hiện mức thu, quản lý và sử dụng phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh hoạt trên địa bàn theo Quy định tại Nghị định số 51/2014/NQ-HĐND ngày 25-7-2014 của HĐND tỉnh và Quyết định số 36/2014/QĐ-UBND ngày 29-8-2014 của UBND tỉnh.
Theo đó quy định: Mức thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh hoạt nơi đã có hệ thống cấp nước sạch là 5% trên giá bán 1m3 nước sạch chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng. Còn với đối tượng tự khai thác nước để sử dụng (hệ thống giếng đào, giếng khoan) thì thu 1.000 đồng/người/tháng. Trong đó, tỷ lệ phần trăm để lại cho đơn vị được ủy quyền thu phí như sau: Để lại cho đơn vị cung cấp nước sạch được ủy quyền thu phí là 10%; UBND xã, phường, thị trấn (đơn vị thu nước thải tự khai thác) là 15% trên tổng số tiền phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh hoạt để trang trải cho việc thu phí.
Tuy nhiên trên thực tế, việc thu phí bảo vệ môt trường đối với nước thải sinh hoạt thời gian qua rất khó khăn. Theo lãnh đạo Chi cục Bảo vệ Môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường), tuy là đơn vị không trực tiếp thu các khoản thu này nhưng qua theo dõi, việc thu phí đối những đối tượng tự khai thác nguồn nước để sử dụng hầu hết các địa phương đều không thực hiện được.
Về vấn đề này, ông Lê Thanh Long, Chủ tịch UBND xã Thịnh Đức. (T.P Thái Nguyên) cho biết: Mặc dù quyết định của UBND tỉnh đã ban hành quy định việc thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh hoạt, nhưng địa phương chúng tôi không thực hiện được vì không biết thu loại phí này kiểu gì, không xác định được định lượng người dân sử dụng là bao nhiêu. Hơn nữa, nếu người dân không nộp, chúng tôi cũng không có chế tài xử phạt. Ông Trần Văn Bình, Chủ tịch UBND phường Cam Giá, (T.P thái Nguyên) cũng nêu quan điểm: Nếu thu một 1.000 đồng/người/tháng, mỗi phường, xã có khoảng vài nghìn nhân khẩu, việc trích phần trăm nguồn phí trên không đủ để trả cho một người đi thu tiền này.
Qua khảo sát thực tế, chúng tôi cũng nhận thấy đối với cơ sở sản xuất đặc thù như: rửa xe ô tô, xe máy, sửa chữa ô tô, sửa chữa xe máy... thường không dùng nguồn nước sạch mà sử dụng nước tự khai thác cũng rất khó thu phí. Chị Nguyễn Thị Phương Giang, tổ 22, phường Trưng Vương (T.P Thái Nguyên) nói: Chúng tôi không thắc mắc việc thu phí bảo vệ môi trường, nhưng chúng tôi đòi hỏi sự công bằng, vì không thể một cửa hàng rửa được 10 chiếc xe/ngày cũng thu phí bằng những cơ sở rửa rửa được 2 xe/ngày.
Ngày 16-11-2016, Chính phủ ban hành Nghị định số 157/2016/NĐ-CP về phí bảo vệ môi trường đối với nước thải và có hiệu lực từ ngày 01-01-2017 thay thế Nghị định số 25/2013/NĐ-CP trước đó. Tại Khoản 1 Điều 6 của Nghị định quy định: “Mức thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh hoạt là 10% trên giá bán của 1m3 nước sạch chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng. Trường hợp cần thiết áp dụng mức cao hơn. Đối với nước thải sinh hoạt thải ra từ tổ chức, hộ gia đình tự khai thác nước để sử dụng thì mức phí được xác định theo từng người sử dụng nước căn cứ vào số lượng nước sử dụng bình quân của một người trong xã, phường, thị trấn nơi khái thác….”.
Tại kỳ họp thứ 4 HĐND tỉnh, khóa XIII lần này, đại biểu HĐND sẽ thảo luận, thông qua Nghị quyết quy định về phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh hoạt và khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh (dự thảo nghị quyết xây dựng dựa trên Nghị định số 154/2016/NĐ/NĐ-CP của Chính phủ) Theo đó, riêng quy định về phí bảo vệ môi trường, thu mức phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh hoạt nơi đã có hệ thống cấp nước sạch là 10% trên giá bán 1m3 nước sạch chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng. Đối với các đối tượng tự khai thác, mức phí bảo vệ môi trường là 1.000 đồng/người/tháng. Dự thảo Nghị quyết cũng quy định tỷ lệ trích phần trăm cho những đơn vị thu: Để lại 4,5% cho đơn vị cung cấp nước sạch được ủy quyền thu phí và 10% cho UBND xã, phường, thị trấn để trang trải chi phí cho việc thu phí. Như vậy có thể thấy việc thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh hoạt, quy định về mức phí, trích lại phần trăm cho đơn vị thu không cao hơn so với mức quy định tại Nghị định số 154/2016/NĐ-CP cuả chính phủ. Hy vọng rằng, về vấn đề này, các đại biểu dự tại kỳ họp thảo luận, đưa ra những quyết định thấu đáo để nghị quyết khi ban hành mang tính khả thi, thực hiện hiệu quả.