Phú Bình là một huyện có cơ cấu kinh tế nông, lâm nghiệp là chủ yếu với nhiều gia trại, trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm, làng nghề mộc mỹ nghệ… Song những năm gần đây, sự xuất hiện của một số công ty về may mặc, sản xuất thiết bị điện tử đóng chân trên địa bàn đã làm gia tăng lượng chất thải nông nghiệp lẫn công nghiệp ra môi trường. Trước thực trạng trên, huyện đã đề ra nhiều giải pháp, hướng tới xây dựng cảnh quan xanh, sạch, đẹp, hoàn thiện tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới.
Theo thống kê của Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Phú Bình, mỗi ngày, lượng rác thải sinh hoạt từ các hộ gia đình, cơ sở sản xuất kinh doanh, trường học… ước khoảng 30-40 tấn; chất thải rắn xây dựng là 50 tấn; chất thải rắn công nghiệp thông thường từ các công ty may và công ty sản xuất thiết bị điện tử tại Khu công nghiệp Điềm Thụy khoảng 10-12 tấn; chất thải rắn công nghiệp nguy hại khoảng 45-50 tấn/tháng… Chính khối lượng rác thải lớn và có xu hướng gia tăng đã và đang gây áp lực lên môi trường sống. Trong khi đó, trên địa bàn huyện mới chỉ có 1 bãi xử lý rác thải và 1 lò đốt rác thải sinh hoạt. Tuy nhiên, khu vực xử lý rác thải này mới chỉ đảm đương được lượng rác thải tại khu vực trung tâm huyện, dọc Quốc lộ 37, tỉnh lộ 266 và một số xã lân cận. Còn lại, số hộ dân ở một số xã ở xa trung tâm vẫn chủ yếu thu gom, xử lý rác tại nhà. Mặt khác, ý thức của một bộ phận nhân dân chưa tốt nên tình trạng vứt rác, xả nước thải tại các khu đất trống, khu vực sông, suối và khu vực công cộng còn xảy ra ở nhiều nơi. Một số trang trại, gia trại chăn nuôi nằm xen kẽ các khu dân cư, có quỹ đất nhỏ hẹp không đủ diện tích để xây dựng các công trình xử lý chất thải đảm bảo vệ sinh môi trường, chất thải chưa kịp phân hủy đã thải trực tiếp ra bên ngoài gây ô nhiễm không khí, nguồn nước…
Trước thực trạng đó, huyện Phú Bình đã đẩy mạnh tuyên truyền, chỉ đạo các tổ chức, đoàn thể triển khai và duy trì hiệu quả các mô hình bảo vệ môi trường. Các phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ môi trường”; thi đua xây dựng nông thôn mới; Hội Phụ nữ với công tác bảo vệ môi trường “5 không, 3 sạch”,… tiếp tục được thực hiện và thu nhiều kết quả tích cực. Bên cạnh đó, các phòng chức năng của huyện phối hợp cùng các xã, thị trấn tổ chức đánh giá hiện trạng tác động của môi trường đối với quy hoạch phát triển kinh tế, xã hội, các khu dân cư và khu cụm công nghiệp; đẩy mạnh việc hướng dẫn, triển khai các văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ môi trường; thường xuyên giám sát việc thực hiện công tác này và có biện pháp xử lý đối với các cơ sở gây ô nhiễm. Đến nay, phần lớn các xã, thị trấn trên địa bàn có đội ngũ thu gom rác thải với tần suất thu gom từ 2-3 ngày/lần. Nhiều xã trên địa bàn đã thành lập được 1-2 tổ tự quản thu gom rác thải (3-6 người/tổ). Rác thải sau khi được thu gom sẽ được tập trung tại các điểm tập kết theo quy định, sau đó được Trạm cấp nước và dịch vụ môi trường đưa về bãi xử lý rác thải của huyện để xử lý, chôn lấp.
Đăng ký về đích nông thôn mới năm 2018, đến nay, xã Kha Sơn đang gấp rút hoàn thành tiêu chí môi trường. Ông Phạm Văn Khải, Chủ tịch UBND xã, cho biết: Hiện các xóm của xã đã thành lập được tổ thu gom rác thải với quy mô 3 người/tổ có nhiệm vụ thu gom đến 2 điểm tập kết rác là Chợ Đồn và Cầu Ca. Tại các cánh đồng, hơn 10 bể chứa rác thải được phân bố đều đã hạn chế được đáng kể tình trạng vứt bao bì, chai lọ thuốc bảo vệ thực vật ra môi trường. Từ nay đến hết năm 2018, chúng tôi phấn đấu sẽ huy động nhiều nguồn lực để xây dựng khoảng 90 lò đốt rác thải mini tại các gia đình, đặc biệt là các hộ ở xa Quốc lộ 37. Còn tại một số doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn, nơi phát sinh chủ yếu của chất thải công nghiệp, bao gồm nước thải và chất thải rắn cũng đã có ý thức hơn trong việc bảo vệ môi trường. Đơn cử như Công ty CP Đầu tư và Phát triển TDT, thuộc địa bàn xóm Thuần Pháp, xã Điềm Thụy (Phú Bình). Để thu gom nguyên phụ liệu dư thừa, chủ yếu là vải vụn, Công ty đã bố trí các thùng rác lớn đặt tại các nhà xưởng, đồng thời, năm 2017, Công ty đã đầu tư 1,5 tỷ đồng để xử lý nước thải, công suất 100m3/ngày - đêm, chủ yếu là nước thải sinh hoạt của hơn 1.000 công nhân.
Bên cạnh đó, nhằm nâng cao chất lượng môi trường trên địa bàn, năm 2017, huyện đã thực hiện hỗ trợ 22 xe đẩy và 16 thùng chứa rác cho một số xã trên địa bàn. Riêng các xã Điềm Thụy, Tân Đức, Thượng Đình được nhận hỗ trợ từ Quỹ bảo vệ môi trường (Sở Tài Nguyên và Môi trường) với tổng 70 xe, 140 thùng và gần 380 bể chứa rác thải. Song song với đó, công tác thanh, kiểm tra việc thực hiện cam kết môi trường tại các cơ sở sản xuất kinh doanh, hộ gia đình và doanh nghiệp cũng được Phòng Tài Nguyên và Môi trường huyện phối hợp với các cơ quan chức năng tích cực thực hiện. Theo đó, tổng số cuộc kiểm tra cấp huyện và xã trong năm 2017 là trên 30 cuộc, xử lý vi phạm hành chính 10 cuộc, 118 triệu đồng… Các vi phạm chủ yếu là không thực hiện đúng cam kết về bảo vệ môi trường, xả thải bừa bãi… Ngoài ra, hàng năm, huyện thường xuyên phối hợp với các cơ quan chuyên môn tổ chức các buổi tập huấn, tuyên truyền luân phiên tại các xã về tầm quan trọng, ý nghĩa của công tác bảo vệ môi trường, quy trình thu gom, xử lý rác thải…
Mặc dù đã thực hiện nghiêm túc và quyết liệt, thế nhưng, công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn huyện Phú Bình vẫn đang gặp không ít khó khăn, chủ yếu vẫn là do ý thức bảo vệ môi trường vẫn chưa trở thành thói quan, nếp sống của một bộ phận dân cư; công tác xã hội hóa hoạt động bảo vệ môi trường chưa thực sự hiệu quả, đặc biệt là nguồn kinh phí đầu tư cho bảo vệ môi trường còn hạn chế, nhất là hệ thống thu gom, xử lý rác thải, cung cấp nước sạch, thoát và xử lý nước thải còn thiếu và chưa đồng bộ…
Để khắc phục những khó khăn trên, ông Dương Văn Tuyên, Phó Trưởng phòng Tài nguyên và môi trường huyện Phú Bình, cho biết: Thời gian tới, với chức năng, nhiệm vụ của mình, chúng tôi sẽ tích cực triển khai thực hiện Đề án “Tăng cường công tác quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản và bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, giai đoạn 2017-2020”. Đồng thời, tập trung chỉ đạo giải quyết việc thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt; khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường tại các bãi tập kết rác và các điểm ô nhiễm môi trường; hướng dẫn các xã chưa hoàn thành tiêu chí 17 nỗ lực thực hiện để sớm về đích nông thôn mới. Bên cạnh đó, đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, giáo dục phổ biến pháp luật về bảo vệ môi trường, nhất là tới các chủ đầu tư thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường trước khi triển khai dự án.