Chuyện người trở về từ “địa ngục trần gian”

09:12, 29/04/2018

Đã 45 năm trở về từ “địa ngục trần gian”, nhưng ông Đào Trung Tính, 79 tuổi, nhà D1, tổ 30, phường Hương Sơn (T.P Thái Nguyên) chưa bao giờ nguôi quên những năm tháng bị địch bắt, tù đày ở nhà ngục đảo Phú Quốc (Kiên Giang). Ông là một trong hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ cách mạng từ “cõi chết trở  về” sau Hiệp định Pa ri được ký kết năm 1973 và tiếp tục cùng đồng đội chiến đấu đến ngay đất nước thống nhất.

Ông nhập ngũ năm 20 tuổi. Đợt tuyển quân năm đó (1959), cả thôn Quỹ Trại, xã Trực Hưng, huyện Trực Ninh (Nam Định) có duy nhất ông trúng tuyển quân sự. Đến bây giờ ông vẫn luôn tự hào về điều đó. Và sau hơn 3 năm phục vụ trong Quân đội, ông hoàn thành nhiệm vụ người lính, trở về quê, được xã viên tín nhiệm bầu làm Chủ nhiệm Hợp tác xã Nông nghiệp.

Nhưng không thích sống an phận, năm 1964 ông lên Thái Nguyên làm công nhân tại Công ty Gang thép, trực tiếp làm thợ xây dựng. Vốn có vóc dáng cao lớn, khỏe mạnh, nên chỉ ít tháng sau đó ông được Công ty điều động sang Ban tự vệ Phòng không trực chiến. Năm 1968, ông trở lại đời nhà binh bằng việc tình nguyện tái ngũ. Lại súng ống, đạn dược, tập luyện và ba lô con cóc lên đường vào mặt trận phía Nam. Ông kể: Đơn vị chủ yếu người Thái Nguyên, Bắc Kạn nên mọi người thương yêu nhau như ruột thịt. Chúng tôi đã hành quân bằng đôi chân của mình qua đường Trường Sơn, sang Lào, Cam pu chia, về Tây Ninh, Bình Dương. Trên đường hành quân đơn vị phải đối diện với máy bay địch đánh phá, rồi biệt kích Mỹ, bom mìn địch cài cắm và muỗi mòng sốt rét ác tính, nhiều người đã hy sinh ngay trên đường ra mặt trận. Roâng rã hơn 100 ngày vai mang, chân bước chúng tôi mới đến vị trí tập kết, được biên chế vào Trung đoàn Quyết Thắng (Quân khu Sài Gòn Gia Định), trực tiếp đóng quân ở quận Củ Chi.

Vì ta và địch ở thế “xôi đỗ”, nên mọi sinh hoạt hằng ngày của cán bộ, chiến sĩ Trung đội đều thực hiện nghiêm quân kỷ. Nhất là hằng ngày địch cho máy bay trực thăng lượn rà mặt đất đánh tâm lý chiến, kêu gọi bộ đội chiêu hồi (chạy sang hàng ngũ địch). Là Trung đội phó, ông Tính luôn coi trọng công tác tư tưởng cho bộ đội; đồng thời duy trì nghiêm kỷ luật của tổ tam tam (3 người 1 tổ), vừa hỗ trợ được nhau trong chiến đấu, đồng thời giúp được nhau trong cuộc sống ở rừng. Chợt ông thở dài, bảo: Nghiêm ngặt như thế, song vẫn có 1 chiến sĩ lấy trộm súng của đơn vị chạy sang hàng ngũ địch và khai báo toàn bộ kế hoạch tác chiến của đơn vị.

Sự phẫn nộ, đau đớn làm khuôn mặt phúc hậu của ông méo xệch đi. Câu chuyện khổ ải của tháng ngày sống trong “địa ngục trần gian” của ông cũng có nguyên nhân từ đây. Hôm đó, vào một ngày tháng 7-1969, lúc trời còn đen đặc, Trung đội điểm quân, phát hiện thấy thiếu 1 chiến sĩ, nhưng nhiệm vụ đi phục kích máy bay trực thăng địch đổ bộ do trên giao không thể trì hoãn.

Theo kế hoạch tác chiến, đơn vị của ông sẽ phục kích tại một khu đất bằng, thuộc Củ Chi. Sau nửa giờ hành quân, mọi người chuẩn bị công sự, vũ khí đợi địch đến là tiêu diệt gọn. Nhưng một bất ngờ xảy đến, bắt đầu từ 9 giờ sáng, trận địa phục kích của Trung đội bị từng loạt bom địch xới tung, tiếp đến là 5 chiếc máy bay trực thăng địch ào đến bắn phá, thả hơi cay làm tê liệt sức kháng cự của bộ đội. Ông Tính kể: Tôi nằm xấp mặt xuống đất, mắt nhắm nghiền như bị đổ ớt. Nhưng vẫn cố nhoài người về phía khẩu súng trung niên thì bị lính Mỹ dộng cho 2 báng súng vào sườn. Thấy tôi chưa chịu khuất phục, chúng bồi tiếp 1 báng súng vào hàm, rồi lôi lên máy bay đưa về căn cứ của chúng ở Đồng Dù. Khi tỉnh dậy, tôi nhổ ra khỏi miệng 2 cái răng.

Chúng nhốt ông vào thùng con ten nơ, sáng ra lại lôi đi lấy khẩu cung. Vì biết ông là đảng viên, là sĩ quan cấp Trung đội, nên chúng cố gắng thuyết phục ông theo chiêu hồi. Sau 1 tuần bất lực, chúng đưa ông về Tổng tham mưu quân ngụy xét hỏi.Tại đây, ông bắt đầu nếm trải những cực hình tra tấn dã man.Mỗi lần lấy cung là một trậnh đòn chí tử. Chúng dằn ông ra nền xi măng, hòa nước xà phòng đổ vào miệng rồi đạp vào bụng làm nôn mửa. Đám lính tra tấn nói với ông: “Vì khai không đúng với lời của thằng cùng đơn vị mày ra chiêu hồi trước hôm oánh nhau, nên chúng tao đánh để mày khai giống như thế”. Chúng cho ông ngồi ghế điện; dùng dây treo dốc ngược đầu xuống đất, không lấy được lời khai như ý muốn, chúng ném ông vào thùng phi, gõ làm buốt óc. Đánh mãi cũng chán, chúng đưa ông về trại giam Hố Nai (Biên Hoà), rồi tiếp tục chuyển ra nhà tù Phú Quốc giam giữ.

Biết nhà tù Phú Quốc là “địa ngục trần gian”, song ông vẫn giữ tiết trung kiên, quyết không khai báo những gì có hại cho cách mạng. Ngay từ ngày đầu ra đảo, ông đã nêu cao tinh thần đấu tranh, vận động các đồng chí, đồng đội đoàn kết đòi nhân quyền với bọn cai ngục. Cay cú, bọn cai ngục lôi ông đến phòng tra tấn, đục gẫy 1 răng. Ông không sợ, tiếp tục vận động các đồng chí đấu tranh, chúng đục gẫy thêm 1 răng nữa. Nhưng ý chí đấu tranh của người Cộng sản trong ông không tắt, mà bùng lên mãnh liệt hơn. Ông kể: Tôi được các đồng chí mình bầu làm trưởng phòng giam; làm chi ủy viên của Chi bộ Đảng. Nhiệm vụ của tôi khi đó là chăm lo tinh thần cho các đồng chí cùng phòng. Tuyên truyền cho cán bộ, chiến sĩ vững tin vào chiến thắng của cách mạng, cùng đoàn kết, giữ vững đội hình chiến đấu đến ngày đất nước thống nhất.

Biết ông là người tham gia cầm đầu các cuộc đấu tranh của phòng giam, bọn cai ngục lôi ông đến nhốt chuồng cọp. Ông kể: Chuồng cọp được làm bằng dây kẽm gai, chật hẹp, không đứng, không nằm được. Cực nữa là thời tiết, ngày nóng như nung lửa, đêm về rét kinh khủng. Sau 11 ngày mới được thả, đồng đội phải dìu tôi về phòng giam.

Trở về trong vòng tay đồng đội, dù sức kiệt, nhưng ông tiếp tục lên kế hoạch đấu tranh chống lại chế độ hà khắc nhà tù, như việc phản đối không cho địch làm hàng rào kẽm gai quanh nhà giam; tổ chức cho cả phòng giam tuyệt thực đòi nhà tù phải nâng khẩu phần ăn; cấp quần áo mặc cho tù nhân. Ngoài đấu tranh với quản ngục, ông còn tích cực tham gia học văn hóa để nâng cao nhận thức và khả năng đối thoại, chất vấn với quản ngục. Cuối năm 1972, trước khi Tổ chức Chữ thập đỏ thế giới đến giám sát việc thực hiện nhân quyền tại nhà tù Phú Quốc, vì sợ ông sẽ đứng lên tố cáo tội ác kinh tởm của chế độ nhà tù đế quốc, nên bọn chúng đã mang ông và 200 tù nhân khác mang đi giấu. Chúng có dự định sẽ đưa toàn bộ số tù nhân này lên máy bay, phun thuốc mê và thả xuống biển. Nhưng âm mưu đen độc của chúng bị phát hiện, ông cùng cán bộ, chiến sĩ tại các phòng giam đấu tranh, kiên quyết không cho cách ly, đòi trả về phòng giam cùng đồng đội.

Tháng 3-1973, ông được địch trả lại tự do thông qua việc hai bờ chiến tuyến thực hiện trao đổi tù binh. Sau 3 tháng an dưỡng, sức khỏe bình phục, ông được điều động về công tác tại Thành đội Sài Gòn, và phục vụ trong Quân đội đến năm 1977, rồi chuyển ngành về công tác tại Công ty Gang thép Thái Nguyên. Ở đâu, ở vị trí nào ông cũng hoàn thành tốt nhiệm vụ. Năm 1981 ông nghỉ chế độ mất sức lao động. Nhưng ông tiếp tục tham gia làm tổ trưởng dân phố, Phó Bí thư Chi bộ. Bà Nguyễn Thị Na, vợ ông chia sẻ: Tưởng ông ấy nghỉ hẳn ở nhà, nhưng lại ôm “cái chức” Trưởng ban Liên lạc chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày T.P Thái Nguyên. Tuy bản thân có hạn chế về sức khỏe, năm 2015 ông phải đi mổ u não, các bác sĩ đã rất khó khăn mới cứu ông thoát khỏi sự “mời chào” của "thần chết". Vì ngày ở “địa ngục trần gian”, ngoài đòn tra tấn, ông còn bị địch tiêm loại thuốc làm cho cơ thể phản ứng với tất cả các loại thuốc tân dược. Vậy mới từ bệnh viện về, cứ một mình đi xe đạp điện ông đến thăm nom đồng đội.

Hiện T.P Thái Nguyên có 43 cựu chiến sĩ cách mạng bị địch bắt và tù đày. Mỗi người bị địch giam cầm ở một nơi, nhưng tất cả đều giữ trọn vẹn thanh danh người lính Cụ Hồ. Với riêng ông Tính, hạnh phúc đời thường cho ông 4 người con. Dâu, rể cộng lại là tám - tất cả đều là đảng viên. Bản thân ông đến nay đã có 53 năm đứng trong hàng ngũ của Đảng.