Liệu có đối tượng bảo kê, chăn dắt người ăn xin?

09:50, 19/10/2018

Thời gian gần đây, trên địa bàn T.P Thái Nguyên xuất hiện nhiều trẻ em, người già, người khuyết tật đứng ở các ngã tư để xin tiền của người đi đường. Sau nhiều ngày tìm hiểu, chúng tôi nhận thấy phần đông người ăn xin nói trên có dấu hiệu bị một số đối tượng lôi kéo, bảo kê, chăn dắt để bóc lột sức lao động.

Cứ khoảng hơn 5 giờ sáng hằng ngày, một thanh niên chở theo một người già và một trẻ em đến khu vực phía sau Trung tâm Thương mại Vincom (thuộc phường Quang Trung, T.P Thái Nguyên) rồi thả họ ở đó. Từ đây, hai người này đi bộ đến một số ngã tư có lắp tín hiệu đèn giao thông để xin tiền. Ngày 13-10, chúng tôi quyết định theo chân 2 người ăn xin này để tìm hiểu.

Hành lý mang theo của 2 người này là một chiếc giỏ nhựa đựng vài gói tăm, vài chiếc bút, bấm móng tay,... để vờ rao bán cho người đi đường nhằm đối phó với cơ quan chức năng, nhưng thực chất là để xin tiền. Địa điểm họ chọn “hoạt động” là ngã tư Đồng Quang, vào những lúc cao điểm có người và phương tiện tham gia giao thông đông đúc nhất. Cứ mỗi lần đèn đỏ, cậu bé khoảng 7 tuổi lại len lỏi, luồn lách giữa hàng chục xe cộ để chìa mũ xin tiền. Nhiều người thấy cậu tội nghiệp nên đã cho tiền chứ không mua hàng. Cậu bé cũng sẵn sàng gõ cửa kính xe ô tô để xin, với những người không cho, cậu bé giơ tay chỉ trỏ, tỏ thái độ không hài lòng. Khi đèn báo xanh, các phương tiện di chuyển, khi thấy cậu bé len lỏi trước đầu xe, không ít người giật mình phanh gấp hoặc đánh tay lái để tránh... Khi chúng tôi tiếp cận, hỏi địa chỉ, quê quán, thì cậu bé đáp lại bằng cái nhìn dò xét, rồi lảng đi nơi khác.

Khoảng 22 giờ 30 phút, khi đường đã vắng, 2 người ăn xin đứng ở ngã tư Đồng Quang bắt đầu di chuyển về phía phòng trọ. Dọc đường, họ tranh thủ rẽ vào các quán ăn đêm ở khu chợ Đồng Quang để xin thêm. Khi 2 người này đến khu vực Trung tâm Thương mại VinCom thì được một thanh niên khoảng 30 tuổi chờ sẵn đèo họ về phòng trọ. Kết thúc một ngày hành khất.

Căn phòng 2 người ăn xin và người thanh niên kia ở (thuộc tổ 6, phường Quang Trung, T.P Thái Nguyên) được quây bạt che kín phía sân trước nên người lạ khó tiếp cận được. Ngay khi cửa căn nhà được đóng lại cũng là lúc tiếng khóc của cậu bé ăn xin bật lên, cùng với đó là những tiếng quát, doạ nạt của người thanh niên kia... Chúng tôi nhận thấy, khu trọ này có 4 phòng, không chỉ có 2 người ăn xin mà có hơn chục người tương tự và một số thanh niên khác cùng ở đây.

Theo một người bán hàng sống ở gần khu phòng trọ của những người ăn xin cho biết: Những người ăn xin đến đây thuê trọ đã khá lâu, thời gian đầu chỉ có khoảng 4 người, nhưng thời gian gần đây thì có đến hơn 10 người, gồm cả trẻ em, người già, người khuyết tật. Họ thuê phòng và ở cùng với một vài thanh niên chuyên làm nhiệm vụ chở những người ăn xin đi xin tiền. Họ không chỉ đến các địa điểm ở T.P Thái Nguyên mà còn tới một số huyện, thị như: Phú Lương, Đồng Hỷ, Đại Từ, T.P Sông Công, T.X Phổ Yên ăn xin. Họ sống khép kín, cứ đi về là đóng cửa, ít nói chuyện với những người xung quanh...

Suốt nhiều ngày sau đó, đi quanh một số ngã tư có tín hiệu đèn giao thông ở trung tâm T.P Thái Nguyên, có đông người qua lại, chúng tôi đều thấy có người ăn xin đứng túc trực. Trong đó, có cả trẻ em khoảng 3 - 4 tuổi.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, những người nghi chăn dắt ăn xin này còn dụ dỗ người khuyết tật đi bán hàng rong rồi trả tiền công. Bà Nguyễn Thị P. (ở tổ 3, phường Thịnh Đán, T.P Thái Nguyên) cho biết: Bản thân tôi bị liệt hai chân nên thời gian trước, có thanh niên bảo tôi đi bán hàng rong ở ngoài khu vực trung tâm T.P Thái Nguyên rồi trả công 100 nghìn đồng/ngày. Tuy nhiên, thời gian làm từ 6 giờ sáng đến gần 23 giờ, quá vất vả nên làm được vài hôm thì tôi nghỉ.

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Phạm Văn Toản, Trưởng Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội T.P Thái Nguyên cho biết: Từ đầu năm 2017, UBND T.P Thái Nguyên đã thành lập tổ gom người ăn xin để đưa vào Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh. Tổ đã đưa được khoảng 10 người ăn xin vào Trung tâm Bảo trợ xã hội và vận động một số người trở về quê. Tuy nhiên, sau một thời gian sống tại Trung tâm, họ lại trốn ra ngoài tiếp tục hành nghề ăn xin. Những người ăn xin này đến từ tỉnh Thanh Hóa, Lạng Sơn và một số địa phương lân cận. Hiện nay, có khoảng hơn chục người ăn xin địa bàn Thành phố, tạm trú chủ yếu ở khu vực phường Quang Trung.

 Tuy nhiên, thực tế chúng tôi tìm hiểu thấy nhiều hơn con số này.   

Còn Đại tá Phạm Thanh Hải, Trưởng Công an T.P Thái Nguyên cho biết: Việc xử lý những đối tượng bảo kê, chăn dắt người ăn xin gặp không ít khó khăn, vì khi cơ quan chức năng làm việc với người ăn xin thì họ nói rằng, những người này là lái xe ôm... Và để có cơ sở xử lý hình sự được những đối tượng bảo kê, chăn dắt ăn xin thì phải có đơn tố cáo của công dân.

Việc người ăn xin đứng, đi ra giữa đường xin tiền không chỉ làm mất mỹ quan đô thị mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn giao thông. Do đó, đề nghị các cơ quan chức năng sớm có giải pháp nhằm chấm dứt tình trạng này. Và, nếu có việc bảo kê, chăn dắt người ăn xin, đề nghị cơ quan chức năng xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.