Nguyện vọng chính đáng của người dân Cao Sơn 3

10:36, 04/01/2019

Theo con đường bê tông nhỏ hẹp, chúng tôi tìm đến nhà của các hộ dân xóm Cao Sơn 3, xã  Sơn Cẩm (T.P Thái Nguyên) đang nằm giáp với khu vực khai thác của Mỏ than Bá Sơn (Công ty cổ phần Xây dựng Khai thác than Thái Nguyên) và khu vực bãi thải  của Mỏ than Khánh Hòa (Công ty TNHH MTV than Khánh Hòa). Do khoảng cách giữa nhà dân và khu vực khai thác quá gần (từ 80 đến 110m) nên chúng tôi không thể phân biệt được đâu là vị trí đất thuộc khai trường khai thác và đâu là đất của người dân.

Ông Nguyễn Văn Bảo, một người dân trong xóm cho hay: Trong quá trình mở rộng hầm lo và khai trường khai thác, Mỏ than Bá Sơn đã chia cắt xóm làm 3 đoạn nên chúng tôi là những hộ nằm ở giữa bị cô lập, phải sống chung với mỏ.

Khi đang ngồi trò chuyên với người dân, bên tai chúng tôi vang lên tiếng máy xúc, tiếng xe ô tô chạy ầm ào. Cảnh tượng mà chúng tôi được mắt thấy, tai nghe đúng như trong đơn kiến nghị của các hộ dân gửi đến Báo Thái Nguyên vừa qua. Ông Nguyễn Trọng Biên nói: Không chỉ ô nhiễm tiếng ồn, tình trạng mất nước cũng kéo dài hơn chục năm nay. Trước đây, chúng tôi chỉ đào vài mét là giếng đã có nước. Nhưng từ khi các doanh nghiệp đào mong, hầm lò khai thác than sâu hơn, các giếng nước đều đã cạn kệt nên chúng tôi phải hứng nước mưa để sử dụng. Để giải quyết tình trạng mất nước này, các doanh nghiệp có khoan giếng thì nước cũng không đảm bảo an toàn cho sức khỏe vì đã đến tầng đất có than hoặc đá xít.

Không chỉ có vậy, tình trạng ô nhiễm không khí ở đây cũng rất rõ ràng khi bằng mắt thường vẫn có thể nhìn thấy quanh khu vực nhà ở, vườn tược… của bà con đang phủ một lớp bụi than mỏng. Đặc  biệt hơn, có hộ đã bị nứt tường nhà, tường rào. Ông Nguyễn Trọng Biền nói: Nhà tôi mới xây dựng từ năm 2013 nhưng đến nay, tường nhà đã bị nứt. Vết nứt dài đến hơn 1 mét. Tôi rất lo ngôi nhà của mình sẽ bị đổ sập, nhất là vào mùa mưa bão, khi nước mưa bị bãi thải của Mỏ than Khánh Hòa chặn mất đường rút, có những đợt mưa kéo dài nhiều ngày (điển hình là năm 2014), ngôi nhà của chúng tôi chìm sâu 2, 3m trong “biển” nước đen đặc.

Với những hộ ở sát với  Mỏ than Bá Sơn là vậy, những hộ ở khu vực ngoài của xóm cũng không khá hơn khi bà con đang phải đối mặt với tình trạng sụt lún. Ông Mã Huy Sơn cho biết: Khoảng 5 năm nay, tôi thấy trong khu đất của gia đình xuất hiện những vết sụt lún và ngày càng xuất hiệu nhiều vết sụt mới. Trong đó, vết sụt lún rộng nhất xuất hiện ở ao thả cá của gia đình (khoảng 2m, sâu gần 1m) nên mấy năm nay tôi đành để ao cạn trơ đáy.

Ngoài bất thường nêu trên thì 13 hộ dân có hiện tượng bị sụt lún, nứt tường nhà, tường rào… trong xóm đều phản ánh tình trạng Công ty liên tục thay đổi thợ lò, sinh hoạt tại chỗ, có trường hợp không đăng ký tạm trú, tạm vắng nên gây mất an ninh trật tự trong xóm. Ông Nguyễn Thiện Hùng bức xúc: Đường dân sinh của xóm do người dân đóng góp đối ứng cùng Nhà nước xây dựng nhưng đến nay đã biến thành đường phục vụ cho sản xuất của doanh nghiệp. Với tần suất vận chuyển lớn đã khiến cho tuyến đường có hiện tượng xuống cấp…. Mong mọi người hãy đặt mình vào vị trí của chúng tôi để sẻ chia. Năm nay đã bước sang tuổi 80 rồi nên tôi rất mong doanh nghiệp sớm đền bù để chúng tôi di dời đến nơi ở mới.

Trước những kiến nghị của bà con, ngày 11-12-2018, UBND xã Sơn Cẩm đã mời đại diện của Công ty cổ phần Xây dựng Khai thác than Thái Nguyên đối thoại trực tiếp với bà con. Theo ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó Giám đốc phụ trách sản xuất của Công ty thì Mỏ Bá Sơn được cấp phép hoạt động từ năm 2015 đến 2020. Hằng năm, thông qua hoạt động quan trắc môi trường của các cơ quan chức năng thì mức độ ô nhiễm không khí, tiếng ồn vẫn đang ở mức cho phép. Còn về việc di dời các hộ dân, doanh nghiệp đang tiến hành xem xét và nếu tiếp tục được cấp phép hoạt động sẽ căn cứ vào tình hình mở rộng sản xuất, để có kế hoạch di dời 4 hộ dân đang “sống chung” với mỏ.

Tuy nhiên, bà Phạm Thị Thanh, Trưởng xóm Cao Sơn 3 lại cho rằng: Tôi thấy các hộ dân này khổ quá rồi. Bởi vậy, tôi mong các cấp, ngành chức năng nhanh chóng vào cuộc giải quyết nguyện vọng chính đáng của người dân.

Còn ông Hoàng Văn Nguyên, Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Cẩm cho hay: Chúng tôi đang xây dựng văn bản để đề nghị các cấp, ngành chức năng vào cuộc giải quyết thỏa đáng những ý kiến, kiến nghị của bà con.

Từ thực tế, chúng tôi nhận thấy việc nhanh chóng di dời các hộ dân ra xa khu vực sản xuất của Mỏ than Bá Sơn và bãi đổ thải của Mỏ than Khánh Hòa là rất cần thiết. Chưa kể nguy cơ sập hầm lò trong quá trình khai thác của Mỏ than Bá Sơn thì nguy cơ sạt lở khu vực đổ thải của mỏ than Khánh Hòa cũng vẫn có khả năng xảy ra, nhất là vào mùa mưa bão. Năm 2012, vụ việc sạt lở bãi thải của Mỏ than Phấn Mễ (Công ty Gang thép Thái Nguyên) chôn vùi 10 ngôi nhà và 5 người dân trong đất khiến tỉnh phải huy động rất nhiều nhân lực, vật lực tìm kiếm người mất tích chính là bài học nhỡn tiền để chúng ta nhanh chóng vào cuộc giải quyết nguyện vọng của người dân xóm Cao Sơn 3, tránh để xảy ra tình trạng “mất bò mới lo làm chuồng”.