Về làng mộc Phương Độ

08:00, 26/01/2019

Mỗi khi Tết đến, Xuân về, nhu cầu mua sắm hàng hóa của người dân lại tăng cao, đối với những cơ sở sản xuất đồ mộc, mỹ nghệ ở Làng nghề mộc mỹ nghệ Phương Độ, xã Xuân Phương (Phú Bình) thì đây là thời điểm các hoạt động mua, bán diễn ra sôi động nhất trong năm.

Chúng tôi về làng nghề mộc Phương Độ vào một ngày đầu tháng Chạp, đường làng, ngõ xóm rộn lên tiếng máy cưa gỗ, tiếng đục đẽo và tiếng cười nói râm ran của công nhân đang miệt mài hoàn thành các sản phẩm để kịp giao cho khách và trưng bày tại cửa hàng. Tại các cơ sở kinh doanh đồ gỗ lớn trong xã, mặc dù đã xế chiều nhưng số lượng khách đến tham quan, mua sắm vẫn khá đông.

Điểm đến đầu tiên của chúng tôi là cửa hàng đồ mộc dân dụng của gia đình của anh Vũ Quang Bách, xóm Tân Sơn 9). Đang bận bịu với việc giới thiệu sản phẩm và quản lý hoạt động trong xưởng nhưng anh Bách vẫn dành thời gian chia sẻ cùng chúng tôi: Hàng năm vào khoảng từ tháng 10 (Âm lịch) cho đến Tết Nguyên đán là cửa hàng tôi nhộn nhịp khách từ các nơi đến xem và mua sắm sản phẩm. Ngoài ra, tôi cũng nhận thêm được nhiều đơn đặt hàng, chủ yếu là bàn ghế với giá trung bình từ 20-40 triệu đồng/bộ hay các sản phẩm bàn thờ có giá khoảng 16-17 triệu đồng/sản phẩm cũng được nhiều khách hàng lựa chọn. Hiện nay, ngoài thuê thêm 1 số lao động thời vụ trong làng thì xưởng của tôi đang có 4 lao động làm việc cố định, do lượng hàng những tháng cuối năm tiêu thụ mạnh gấp 2-3 lần ngày bình thường nên tôi cũng khuyến khích công nhân trong xưởng tăng ca để có thêm thu nhập và bảo đảm được lượng hàng giao cho khách.

Rời cửa hàng của anh Bách, chúng tôi đến nhà ông Nguyễn Mạnh Tường, ở xóm Tân Sơn 8. Đây là một trong những xưởng gỗ, mỹ nghệ lớn nhất trong làng nghề. Tại đây, chúng tôi cũng ghi nhận được không khí tấp nập, khẩn trương trong khu xưởng sản xuất của gia đình. Chị Dương Thị Yến, ở xóm Thi Đua,  công nhân đang làm việc cho biết: Công việc chính của tôi là đánh giấy nhám sau khi hoàn thành phần thô của sản phẩm. Vào dịp giáp Tết, tôi thường làm tăng ca thêm 2-4 tiếng đồng hồ bởi lượng hàng khách đến mua và đặt nhiều hơn so với ngày thường. Tính cả thời gian làm thêm thì thu nhập của tôi được khoảng 6 triệu đồng/tháng.

Sản phẩm sản xuất tại cơ sở của ông Tường rất đa dạng, nhiều mẫu mã, đường nét rõ ràng, tinh xảo, đáp ứng theo thị hiếu của thị trường. Sản phẩm phục vụ dịp Tết chủ yếu là bàn, ghế, tủ, giường và đồ thờ, có giá trị từ hàng chục đến hàng trăm triệu đồng. Ông Tường cho biết: Chuẩn bị cho Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, nhiều gia đình đang khẩn trương sắm sửa thêm nội thất nên cơ sở sản xuất của nhà tôi càng thêm bận rộn. Để kịp hoàn thành sản phẩm giao cho khách hàng, đội ngũ thợ luôn làm việc tích cực hơn bình thường, nhưng không vì thế mà chúng tôi xem nhẹ chất lượng, mẫu mã sản phẩm bởi mỗi sản phẩm được hoàn thành bảo đảm về chất lượng, đẹp mắt sẽ tạo uy tín và thương hiệu cho cơ sở của tôi. Hàng năm tổng doanh thu của cơ sở luôn đạt từ 2 tỷ đồng trở lên.

Nghề mộc ở làng Phương Độ đã có từ vài chục năm trước, ban đầu gồm những nhóm người nhỏ đi làm và học nghề ở các địa phương khác, sau đó trở về quê mở cửa hàng sửa chữa bàn ghế hỏng hoặc tạo ra các sản phẩm theo mẫu có sẵn. Theo thời gian, làng nghề càng ngày càng phát triển, đáp ứng được thị hiếu người tiêu dùng. Năm 2010, UBND tỉnh đã cấp bằng công nhận làng nghề mộc mỹ nghệ cho địa phương này. Hiện, làng nghề có hơn 60 hộ dân tham gia sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ, chủ yếu là các hộ dân ở 2 xóm Tân Sơn 8 và 9, giải quyết việc làm cho khoảng 300 lao động địa phương. Trung bình mỗi hộ có doanh thu từ 1,5 đến 2 tỷ đồng/năm. Đồ gỗ ở làng Phương Độ đang dần trở thành thương hiệu uy tín xuất bán đi các địa phương trong, ngoài tỉnh và được nhiều người biết đến. Chị Nguyễn Thị Xuân, một người dân ở xã Tân Quang (T.P Sông Công) cho biết: Tôi nghe nói làng nghề mỹ nghệ Phương Độ có nhiều sản phẩm đẹp, chất lượng nên đến đây để sắm một bộ bàn. Qua thăm quan ở một số cửa hàng, tôi thấy đồ gỗ ở đây đẹp, giá hợp lý. Tôi đã chọn được 1 bộ phù hợp cho gia đình để chuẩn bị đón Tết.

Anh Dương Đình Hiệp, Hội Trưởng Hội làng nghề mộc mỹ nghệ Phương Độ cho biết: Tại đây chủ yếu sản xuất hàng tiêu dùng, thị trường tiêu thụ ở trong nước. Hoạt động sản xuất vừa kế thừa kinh nghiệm khéo léo của cha ông để có những sản phẩm bền đẹp, vừa tiếp thu tiến bộ khoa học kỹ thuật để nâng cao năng suất lao động. Tùy theo sản phẩm, đơn đặt hàng hay hợp đồng mà gỗ được chọn có sự khác nhau, song tiêu chuẩn quan trọng bậc nhất là gỗ không cong vênh, rạn, nứt. Để nâng cao tay nghề, tạo ra nhiều mẫu mã phong phú, hiện tại nhiều người trong làng nghề vẫn đang đầu tư thời gian đi học hỏi kinh nghiệm ở những nghệ nhân trong các làng nghề nổi tiếng khác.

Hy vọng trong tương lai không xa, sản phẩm mộc mỹ nghệ Phương Độ sẽ vươn ra được thị trường quốc tế, góp phần quảng bá, thu hút khách đến tham quan làng nghề ngày một nhiều hơn.