Thứ 6, 10/01/2025, 19:41

Bạo lực học đường - Cần ngăn chặn ngay từ gốc

18:26, 15/04/2019

Liên tục trong tháng ba và những ngày đầu tháng 4, không ít vụ bạo lực học đường (BLHĐ) đã xảy ra trên nhiều địa bàn cả nước khiến các bậc phụ huynh cũng như các thầy cô giáo không khỏi băn khoăn, lo lắng. Nếu không kịp thời ngăn chặn, tình trạng BLHĐ nguy cơ sẽ trở thành một vấn nạn của xã hội, bởi số vụ việc ngày càng gia tăng, mức độ ngày càng nghiêm trọng.

Lột đồ, hành hung bạn ngay giữa lớp học, rồi ngang nhiên quay phim, đưa lên mạng là sự việc mới xảy ra ngày 22-3 ở Trường THCS Phù Ủng (Hưng Yên). Khó ai có thể tưởng tượng lối hành xử thô bạo, phi nhân tính ấy lại diễn ra ngay trong nhà trường và do các nữ sinh 15 tuổi thực hiện. Ngày 29-3, một giáo viên của Trường THCS Long Toàn (Bà Rịa - Vũng Tàu) dùng thước đánh vào chân 22 học sinh. Do mẫu thuẫn trong lúc đá bóng, ngày 30-3, bảy học sinh Trường THCS Tân Hội Trung, xã Tân Hội Trung, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp đã lao vào đánh hội đồng bạn ngay tại trường. Ngày 31-3, do mâu thuẫn cá nhân, một nhóm nữ sinh ở Trường THCS Diễn Hùng (Nghệ An) bắt một nữ sinh lớp 7 phải quỳ để nhóm học sinh này chửi bới, sỉ vả, thay nhau tát vào mặt và quay phim…

Ngày 10-4, sáu học sinh nam Trường THCS Xuân Trường (Quận Thủ Đức, TP.Hồ Chí Minh) đánh hội đồng một bạn ngay tại sân trường chỉ vì xích mích nhỏ. Ngày 11-4, một nam sinh lớp 8 (Trường THCS Mỹ Thới, TP Long Xuyên tỉnh An Giang) bị nhóm bạn cùng trường đánh hội đồng phải nhập viện cấp cứu, nguyên nhân được cho chỉ vì em này lỡ va chạm vào một bạn nữ trong thư viện. Cũng trong ngày 11-4, một nữ sinh (lớp 7A3, Trường THCS Cẩm Bình, Cẩm Phả, Quảng Ninh) bị đánh túi bụi ngay trong lớp dưới sự hò reo của bạn bè; nguyên nhân bắt đầu chỉ từ việc hai bên trêu chọc, chê bai nhau rồi mang tên ông bà ra nói bậy ngay trên lớp.

Vài vụ việc kể trên chỉ là một trong nhiều vụ BLHĐ bị phát hiện thời gian gần đây. Trên thực tế, vì nhiều lý do, không ít vụ việc tương tự đã bị che giấu như một góc tối đáng xấu hổ trong môi trường giáo dục. Có lẽ, phần chìm của “tảng băng” BLHĐ, xâm hại trẻ em có xu hướng ngày càng bộc lộ rõ. Tình trạng BLHĐ vẫn chưa có dấu hiệu chững lại mà càng ngày càng diễn biến phức tạp; không chỉ xảy ra trong sinh viên, học sinh THPT mà còn xảy ra ở cả cấp mầm non, tiểu học, THCS. Trước đây, phần lớn vụ việc xô xát của học sinh chỉ là những hành vi đơn giản, “bắt nạt” giữa các cá nhân thì giờ đây hành vi hành hạ, đánh đập bạn học biểu hiện hoạt động có tổ chức kèm theo sử dụng hung khí, mức độ nguy hiểm cao hơn. Một số nhóm học sinh còn sử dụng mạng xã hội như một công cụ để “triệt hạ đối thủ”. Cá biệt, đã có học sinh tìm cách tử tự khi bị bạn tung đoạn phim nói xấu lên mạng, hoặc bị sang chấn tinh thần trầm trọng.

Có thể thấy, nếu phòng, chống BLHĐ chỉ là phát hiện sai phạm rồi xử lý thì rốt cuộc chỉ giải quyết phần ngọn. Chưa kể với nhiều vụ việc, biện pháp xử phạt chỉ dừng ở mức độ nhắc nhở, khiển trách trong phạm vi nhà trường, thông báo đến phụ huynh, thậm chí còn được bao che, bỏ qua. Cách giải quyết “giơ cao đánh khẽ” hoặc cố tình che giấu vì sợ ảnh hưởng đến thành tích chung, danh tiếng của giáo viên, nhà trường sẽ khó có tác dụng răn đe, phòng ngừa.

Phát triển cả về thể chất và năng lực của trẻ em là sự phối hợp hài hòa giữa nhà trường, gia đình và xã hội, trong đó nhà trường luôn giữ vai trò đặc biệt quan trọng, là yếu tố cơ bản để mỗi học sinh sẽ trở thành công dân tốt của xã hội. Hằng ngày trên bục giảng và tiếp xúc với học sinh, nếu quan tâm, thầy cô giáo sẽ dễ phát hiện những bất ổn trong tâm lý các em để chủ động vào cuộc, kịp thời có biện pháp điều chỉnh, ngăn chặn hoặc tác động phù hợp. Đã đến lúc chúng ta cần coi BLHĐ là một vấn nạn cần phải ngăn chặn ngay từ mầm mống, phải triệt tiêu ngay từ trong quan hệ của học sinh với sự phối hợp đồng bộ của cả gia đình, nhà trường và xã hội. Nếu không kiên quyết ngăn chặn BLHĐ từ hôm nay, thì rất có thể chúng ta sẽ phải trả giá trong tương lai.

Thống kê gần đây của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho thấy trung bình một năm học, trên cả nước xảy ra gần 1.600 vụ học sinh đánh nhau ở trong hoặc ngoài trường học (khoảng năm vụ/ngày); hơn 5.200 học sinh có một vụ đánh nhau; hơn 11.000 học sinh có một học sinh bị buộc thôi học vì đánh nhau; chín trường thì có một trường có học sinh đánh nhau. Trong giai đoạn 2010-2018, có 7.735 học sinh, sinh viên vì đánh nhau bị xử lý kỷ luật; so với 10 năm trước, số vụ bạo hành tại trường học tăng gấp 13 lần.