Hiệu quả từ dạy nghề cho lao động nông thôn

09:35, 12/04/2019

Những năm qua, thực hiện Đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT) theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ, huyện Định Hóa đã triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng nguồn lao động, tạo thêm nhiều việc làm, từng bước nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn. Từ đó góp phần thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo trên địa bàn.  

Để công tác đào tạo nghề cho LĐNT phát huy hiệu quả, huyện Định Hóa đã tiến hành khảo sát, nắm bắt nguyện vọng của người lao động trên địa bàn, từ đó mở các lớp dạy nghề phù hợp với điều kiện thực tiễn của từng địa phương và nhu cầu của người học. Đồng thời, gắn đào tạo nghề với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các xã, thị trấn.

Xã Điềm Mặc là địa phương có diện tích chè lớn nhất huyện, với trên 325ha chè các loại. Tuy nhiên, trước đây, do trình độ canh tác và kỹ thuật chế biến của người dân còn hạn chế nên chất lượng sản phẩm và giá trị kinh tế của cây chè đem lại chưa cao (1kg chè búp khô của người dân trong xã chỉ bán được với giá từ 70-100 nghìn đồng, thấp hơn nhiều so với các địa phương khác trong tỉnh). Thu nhập bình quân của người dân làm chè ở Điềm Mặc cũng chỉ đạt từ 1,5-1,7 triệu đồng/người/tháng. Vì vậy, năm 2013, tỷ lệ hộ nghèo của xã vẫn chiếm tới gần 29%.

Trước thực tế đó, từ năm 2014 đến nay, UBND xã đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn của huyện mở nhiều lớp đào tạo nghề về chế biến chè xanh, chè đen nhằm hướng đến mục tiêu nâng cao giá trị kinh tế và thu nhập cho người sản xuất chè tại địa phương. Hàng năm, căn cứ vào nhu cầu thực tế của người dân, UBND xã đã đăng ký với Trạm Khuyến nông và Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện mở 2-3 lớp đào tạo nghề trồng, chế biến chè xanh, chè đen ngay tại địa phương.

Qua khảo sát cho thấy, 100% số lao động sau học nghề đều có thể áp dụng kiến thức đã học vào thực tế sản xuất, góp phần nâng cao chất lượng và giá trị kinh tế của sản phẩm chè. Nhờ đó, thu nhập bình quân của người làm chè cũng tăng từ 30-50% so với trước. Hiện nay, nhiều gia đình trong xã đã áp dụng thành công kỹ thuật chế biến chè đặc sản với giá trị từ 250-300 nghìn đồng/kg chè búp khô. Tính đến hết năm 2018, tỷ lệ hộ nghèo của xã đã giảm xuống còn 17%, thu nhập bình quân của bà con tăng lên 25 triệu đồng/người/năm.

Bà Ma Thị Loan, ở xóm Song Thái 1 là một trong những lao động được tham gia lớp đào tạo nghề chế biến chè xanh, chè đen tại địa phương cho biết: Sau 2 tháng tham gia lớp đào tạo nghề, với những kiến thức được học, tôi từng bước áp dụng vào thực tế sản xuất của gia đình. Đầu tiên là việc thay thế giống chè trung du bằng giống chè lai cho năng suất cao hơn. Sau đó, tôi tiếp tục đầu tư mua tôn sao chè bằng inox, máy vò chè và áp dụng các quy trình chăm sóc, chế biến chè theo tiêu chuẩn VietGAP. Nhờ vậy, những năm gần đây, năng suất chè búp khô của gia đình tôi đã tăng từ 12kg/sào lên 20kg/sào; giá bán bình quân từ 200-250 nghìn đồng/kg, cao gấp đôi so với trước đây. Mỗi năm, gia đình tôi thu nhập từ làm chè khoảng 150 triệu đồng.

Giống như xã Điềm Mặc, thời gian qua, công tác đào tạo nghề cho LĐNT ở xã Bảo Cường đã góp phần quan trọng vào công tác giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho người dân tại địa phương. Ông Mạc Văn Vỹ, Chủ tịch UBND xã bảo Cường cho biết: Với đặc thù là một xã miền núi thuần nông nên trên 90% lao động tại địa phương đang làm việc trong lĩnh vực  nông, lâm nghiệp. Tuy nhiên, hầu hết lại chưa qua đào tạo. Điều này đã trở thành thách thức không nhỏ đối với chúng tôi trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới. Xuất phát từ thực tế đó, địa phương đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về công tác đào tạo nghề.

Nhờ đó, những năm gần đây, các lớp đào tạo nghề cho LĐNT tại địa phương đã thu hút đông đảo học viên tham gia. Thông qua các lớp đào tạo nghề, người dân đã dần thay đổi được nhận thức trong sản xuất nông nghiệp, loại bỏ thói quen sản xuất nhỏ lẻ sang áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi… Hiện nay, tỷ lệ lao động nông thôn qua đào tạo của xã đạt trên 40%. Hầu hết lao động sau đào tạo đã ứng dụng kiến thức vào sản xuất, chăn nuôi để tự tạo việc làm tại chỗ với mức thu nhập bình quân từ 4-5 triệu đồng/tháng.

Kết quả trên đã góp phần đưa tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm từ 29,4% (năm 2011) xuống còn 7,2% (năm 2018); thu nhập bình quân đầu người tăng từ 16 triệu đồng/người/năm lên 31 triệu đồng/người/năm. Cuối năm 2017, xã Bảo Cường chính thức được công nhận xã đạt chuẩn Nông thôn mới.

Được biết, thực hiện Đề án đào tạo nghề cho LĐNT, trong giai đoạn 2014-2018, huyện Định Hóa đã tổ chức được 32 lớp đào tạo nghề cho gần 1.000 lao động trên địa bàn huyện, với các nghề như: Sử dụng thuốc thú y trong chăn nuôi; sửa chữa máy móc nông nghiệp; chế biến chè xanh, chè đen; trồng và nhân giống nấm… Theo đánh giá, hầu hết các lao động sau khi được đào tạo nghề đều áp dụng có hiệu quả những kiến thức đã học vào phát triển sản xuất, chăn nuôi. Nhiều lao động sau học nghề đã xây dựng được mô hình kinh tế đem lại hiệu quả kinh tế cao, thu nhập từ 50-100 triệu đồng/năm.

Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Lộc Kim Tuyết, Phó Chủ tịch UBND huyện Định Hóa cho biết: Đề án đào tạo nghề cho LĐNT đã góp phần làm thay đổi nhận thức cũng như tư duy sản xuất của một bộ phận người dân nông thôn trên địa bàn huyện, từng bước đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn và thực hiện hiệu quả mục tiêu xây dựng nông thôn mới của địa phương. Thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác đào tạo nghề cho LĐNT, trong đó chú trọng các ngành nghề mới phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế của huyện để khai thác có hiệu quả tiềm năng sẵn có tại địa phương…