Cho đến thời điểm hiện tại, huyện Đại Từ đã xuất hiện bệnh dịch tả lợn châu phi tại hai xã Vạn Thọ và Ký phú. Ngay sau khi công bố dịch, cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương đã khẩn cấp chỉ đạo, triển khai thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch với mục tiêu khống chế không để dịch bệnh lây lan, giảm tối đa những thiệt hại về kinh tế cho các hộ chăn nuôi, đồng thời bảo đảm vệ sinh môi trường...
Sau khi đàn lợn của 4 hộ gia đình ở xã Vạn Thọ và Ký Phú được cơ quan chuyên môn kết luận dương tính với dịch tả lợn châu phi, UBND huyện đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, chính quyền và nhân dân các xã lập tức thành lập các chốt kiểm dịch động vật tạm thời; tiến hành tiêu hủy số lợn chết, phun hóa chất, rắc vôi bột khử trùng tiêu độc và khoanh vùng cách ly khu vực có dịch… Đồng thời, UBND huyện đã tổ chức hội nghị triển khai các biện pháp khẩn cấp phòng, chống dịch bệnh tả lợn châu phi đến toàn bộ lãnh đạo các xã, thị trấn, cán bộ làm công tác thú y cơ sở, các chủ trang trại và các hộ chăn nuôi trên địa bàn…
Ông Trần Quang Trung, Chủ tịch UBND xã Vạn Thọ cho biết: Toàn xã có trên 1.600 con lợn, trong đó 366 lợn nái, 1 lợn đực giống, còn lại là lợn thịt. Mặc dù, trước đó xã đã tích cực triển khai các biện pháp phòng, chống dịch, tuy nhiên trên địa bàn vẫn xảy ra dịch tả lợn châu phi. Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Huyện ủy, UBND huyện và các cơ quan chuyên môn, sau lợn của các gia đình trong xã bị nhiễm bệnh, chúng tôi đã nghiêm túc thực hiện các bước tiêu hủy và phun khử trùng tiêu độc tại các hộ gia đình có lợn bị bệnh và các khu vực xung quanh nhằm tránh lây lan sang các hộ khác.
Đối với xã Ký Phú, tình hình dịch bệnh xảy ra sau xã Vạn Thọ 1 ngày, nhưng cũng đã được chính quyền xã và nhân dân nỗ lực vào cuộc khẩn trương tiến hành đồng bộ các biện pháp tiêu hủy, phun khử trùng tiêu độc. Đến nay, toàn xã đã tiêu hủy trên 400 con lợn bị nhiễm bệnh dịch tả lợn Châu phi. Trong quá trình tiêu hủy, xã đặc biệt quan tâm đến công tác bảo vệ môi trường, vì vậy các hố tiêu hủy đều được đảm bảo về khoảng cách đối với nơi ở của các hộ dân, dưới đáy hố được phủ bạt nhựa, trong quá trình chôn lấp đều được rắc vôi bột và phun hóa chất khử trùng tiêu độc…
Như vậy, sau gần 2 tháng từ khi xuất hiện ổ dịch tả lợn châu Phi đầu tiên ở Thái Nguyên thì dịch đã chính thức xâm nhập vào địa bàn huyện Đại Từ. Tính đến nay, số lượng lợn chết và tiêu hủy tại 2 xã Vạn Thọ và Ký Phú là 649 con, với tổng trọng lượng khoảng 70 tấn. Với tính chất dễ lây lan, lại trong thời tiết hiện nay thường có mưa phùn, cường độ ánh sáng yếu là điều kiện thuận lợi cho virut dịch tả lợn châu Phi phát triển và gây bệnh trên đàn lợn, đe dọa đàn gia súc của huyện. Trước những nguy cơ, diễn biến phức tạp của dịch bệnh, huyện Đại Từ đã, đang chỉ đạo khẩn cấp các biện pháp phòng, chống dịch, huy động cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân tham gia công tác phòng, chống dịch, kiên quyết dập dịch và bảo vệ đàn gia súc, hạn chế thấp nhất thiệt hại do bệnh dịch tả lợn châu Phi gây ra.
Ngay sau khi bệnh xuất hiện, huyện đã tiến hành kiểm tra tại các hộ có lợn bị dịch và nghi mắc bệnh dịch, hướng dẫn nhân dân các biện pháp phòng, chống. Thực hiện tiêu hủy số lợn ốm chết theo đúng quy định, đồng thời kiểm tra, thống kê số đầu lợn tại hộ chăn nuôi. Khoanh vùng ở những xóm đã phát hiện có bệnh dịch tả lợn châu Phi và các xóm giáp ranh với xóm có bệnh để áp dụng các biện pháp xử lý.
Đối với các xóm có dịch và các xóm giáp ranh: Mỗi xóm thành lập ít nhất 1 tổ kiểm tra lưu động và 1 tổ phun thuốc khử trùng tiêu độc để tổ chức phun tiêu độc tại địa bàn. Không riêng các xóm có dịch, mà đối với các địa phương trong toàn huyện, mỗi xóm cũng thành lập ít nhất 1 tổ kiểm tra lưu động để kiểm tra, phát hiện lợn bị bệnh, đồng thời giám sát, kiểm tra chặt chẽ việc vận chuyển, mua bán, giết mổ lợn, sản phẩm lợn trên địa bàn xóm.
Huy động phương tiện, vật tư, kinh phí để bao vây, khống chế khi có dịch xảy ra. Tổ chức cho 100% gia đình chăn nuôi, các hộ kinh doanh, mua bán lợn thực hiện ký cam kết 5 không: Không giấu dịch; không mua bán, vận chuyển lợn bệnh, lợn chết; không giết mổ, tiêu thụ thịt lợn bệnh, lợn chết; không vứt lợn chết ra môi trường; không sử dụng thức ăn dư thừa chưa qua xử lý nhiệt.
Đối với cấp xã, thị trấn, mỗi địa phương cũng thành lập tổ kiểm tra lưu động thành phần bao gồm: Lãnh đạo UBND xã, công an, xã đội, tổ trưởng mạng lưới thú y xã… kiểm tra, kiểm soát việc vận chuyển lợn và các sản phẩm từ lợn, kiểm tra, phát hiện lợn bị bệnh trên địa bàn. Đồng thời, thành lập tổ tiêu hủy, kiểm tra lợn mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi của xã, thị trấn.
Ngoài việc thành lập các tổ công tác, huyện đã thành lập 3 chốt kiểm dịch động vật tạm thời; thành lập tổ tuần tra lưu động kiểm tra việc kinh doanh, vận chuyển, buôn bán lợn và các sản phẩm từ lợn trên địa bàn; chỉ đạo nhiều biện pháp khẩn cấp khác về phòng, chống dịch đến các ngành, đoàn thể, các địa phương… Trong đó, nghiêm cấm việc giết mổ, mua bán, vận chuyển lợn, các sản phẩm từ lợn ra vào vùng dịch; khoanh vùng những xóm đã phát hiện có bệnh, chủ động mua trên 30 tấn vôi bột, 1.500 lít hóa chất để khử trùng, tiêu độc cấp cho các xã, thị trấn… Đặc biệt, đối với các xã có dịch liên tục tuyên truyền trên cụm loa truyền thanh về tình hình dịch bệnh và các biện pháp phòng, chống...
Hiện, huyện Đại Từ có 55 trang trại và 430 gia trại, với trên 83.500 con lợn. Nhằm bảo vệ đàn lợn của huyện, trước đó, ngay từ khi tỉnh ta chưa phát hiện ổ dịch nào, huyện Đại Từ đã chủ động thực hiện các biện pháp phòng dịch thông qua việc ban hành các văn bản, kế hoạch chỉ đạo về công tác phòng, chống dịch tả lợn châu Phi, kiện toàn lại ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh từ huyện đến cơ sở, giao việc cụ thể cho từng thành viên, mỗi thành viên có trách nhiệm theo dõi, báo cáo tình hình đàn vật nuôi, tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh nói chung, dịch tả lợn châu Phi nói riêng tới người dân ở các địa bàn được giao phụ trách. Đến khi xuất hiện ổ dịch trên địa bàn tỉnh, huyện đã lập các chốt kiểm soát việc vận chuyển động vật ra, vào địa phương. Và hiện nay, khi dịch đã xuất hiện tại địa bàn, huyện lại tăng cường thêm các biện pháp khẩn cấp để phòng chống dịch.
Ông Đỗ Xuân Hòa, Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Từ cho biết: Hiện nay, tình hình dịch bệnh tả lợn châu Phi đang có những diễn biến phức tạp, vì vậy việc phòng bệnh là rất quan trọng. Các biện pháp phòng, chống đã được cơ quan chuyên môn khuyến cáo, triển khai một cách nghiêm túc, đồng bộ và chặt chẽ, nhất là trong bối cảnh chưa có vắc xin điều trị. Các chốt kiểm dịch động vật tạm thời được yêu cầu trực 24/24 giờ, phun hóa chất khử trùng đối với tất cả các phương tiện qua lại vùng có dịch cũng như vùng phụ cận. Đồng thời, huyện đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, kinh doanh giết mổ, mua bán lợn trên địa bàn; tuyên truyền, vận động các gia đình, chủ trang trại và các địa phương chủ động mua vôi bột, hóa chất để khử trùng, tiêu độc tại các đường làng, ngõ xóm tránh bệnh dịch lây lan…