Sau gần 4 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXIII, nhiệm kỳ 2015-2020, cấp ủy, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Đại Từ đã phát huy tinh thần đoàn kết, sáng tạo, vượt qua khó khăn, thử thách và đạt kết quả khá toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Đến nay, các mục tiêu, chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện đề ra đều hoàn thành và hoàn thành vượt mức. Thành quả này thể hiện tinh thần dân chủ, đoàn kết, thống nhất trong toàn Đảng bộ, sự chung sức, đồng lòng của nhân dân.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: “Dân vận trước nhất là phải tìm mọi cách giải thích cho mỗi người dân hiểu rõ ràng: Việc đó là lợi ích cho họ và nhiệm vụ của họ, họ phải hăng hái làm cho kỳ được”. Thấm nhuần lời dạy của Người, thời gian qua các cấp ủy đảng, chính quyền ở Đại Từ luôn xác định phương châm “Dân cần - dân biết - dân bàn - dân làm - dân giám sát - dân hưởng thụ”. Điều đó được thể hiện thành công trong phong trào xây dựng nông thôn mới (NTM). Với cách thức vừa học, vừa làm, vừa rút kinh nghiệm, tổng kết thực tiễn, Ban Thường vụ Huyện ủy đã phân công cụ thể từng đồng chí trong cấp ủy chịu trách nhiệm theo dõi địa bàn và trực tiếp chỉ đạo công tác xây dựng NTM ở cơ sở. Đồng thời phân công từng cơ quan, cá nhân trực tiếp phụ trách lĩnh vực, tiêu chí cụ thể để chỉ đạo thực hiện.
Với quan điểm: Xây dựng nông thôn mới trước hết phải bắt nguồn từ việc khai thác nội lực, từ chính cộng đồng dân cư, “người dân là chủ thể xây dựng nông thôn mới, nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ”, trong quá trình thực hiện đã nhận được sự ủng hộ cao của người dân và con em quê hương góp sức cùng xây dựng NTM. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, nhân dân đã đối ứng trên 210 tỷ đồng, gần 35ha đất và hàng nghìn ngày công lao động để thực hiện các công trình hạ tầng. Đến nay, toàn huyện đã có 15/28 xã đạt chuẩn NTM. Điều đặc biệt là tỷ lệ nợ đọng vốn xây dựng cơ bản trong xây dựng NTM ở Đại Từ luôn nằm trong số các địa phương thấp nhất của tỉnh.
Một trong những điểm nhấn đáng chú ý ở Đại Từ trong nhiệm kỳ qua đó là công tác tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với nhân dân, doanh nghiệp. Tại huyện đã có gần 30 hội nghị được tổ chức; ở cấp xã, 100% số xã, thị trấn đã thường xuyên tổ chức các buổi tiếp xúc, đối thoại trực tiếp để trao đổi và giải quyết dứt điểm các nội dung mà người dân, doanh nghiệp phản ánh. Do đó, từ lâu trên địa bàn huyện không có khiếu kiện đông người, kéo dài. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, toàn huyện tiếp nhận trên 1.660 ý kiến, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo chính đáng của công dân, trong đó đã giải quyết gần 1.300 ý kiến và đơn thư thuộc thẩm quyền, đúng thời hạn. Các ý kiến của nhân dân được giải quyết thỏa đáng, nhanh chóng, đảm bảo theo yêu cầu hợp lý, hợp pháp, chính đáng. Cùng với đó, Thường trực Huyện ủy, lãnh đạo HĐND, UBND huyện thường xuyên tiếp nhận phản ánh của công dân thông qua điện thoại, hoặc tiếp xúc trực tiếp tại trụ sở làm việc. Ở Đại Từ, số điện thoại cá nhân của lãnh đạo chủ chốt, đại biểu HĐND cấp huyện và xã được công bố rộng rãi tại các nhà văn hóa khu dân cư.
Công tác dân vận được tăng cường bằng các hình thức phù hợp với đặc thù từng vùng miền, dân tộc và đối tượng; trong đó, coi trọng công tác dân vận ở vùng dân tộc thiểu số, đồng bào tôn giáo, gắn với đẩy mạnh công tác xóa đói, giảm nghèo, nâng cao mức sống của người dân, nhất là đồng bào dân tộc ở các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Đến nay, 100% xóm, tổ dân phố đã thành lập được tổ dân vận. Tổ dân vận được thành lập đã phát huy được sức mạnh tập thể trong công tác vận động quần chúng nhân dân. Có những tổ dân vận đã mạnh dạn lựa chọn những việc mới, việc khó để tham mưu cho cấp ủy tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện, tạo sự thống nhất về chủ trương, khơi dậy tinh thần trách nhiệm và sự đồng thuận trong nhân dân. Đặc biệt, thực hiện “Năm dân vận chính quyền”, các cấp ủy, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội trong huyện đã phát huy vai trò của mình trong việc đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, nâng cao đạo đức công vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức; kịp thời chỉnh đốn, uốn nắn những lệch lạc trong tư tưởng, đạo đức và hành động của cán bộ, công chức; nâng cao vai trò, trách nhiệm và tính gương mẫu của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương… để phục vụ tốt hơn, hướng tới sự hài lòng của người dân.
Để thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện đã đề ra, từ nay đến cuối nhiệm kỳ, cấp ủy, chính quyền các cấp trong huyện tiếp tục hướng về cơ sở, quán triệt sâu sắc 4 nhiệm vụ trọng tâm, đột phá mà Nghị quyết đã đề ra. Trong đó, đặc biệt coi trọng công tác luân chuyển cán bộ, đưa những cán bộ trẻ, có trình độ và năng lực về nắm giữ các vị trí chủ chốt ở địa bàn khó khăn hoặc nơi có phong trào yếu. Đây cũng là môi trường để cán bộ rèn luyện, trưởng thành có thể làm tốt nhiệm vụ khi được bổ nhiệm ở những vị trí cao hơn. Từ đầu nhiệm kỳ tới nay, Đại Từ được đánh giá là điểm sáng trong công tác luân chuyển cán bộ của tỉnh. Tổng cộng đã có 13 đồng chí được luân chuyển từ huyện về xã, thị trấn và 3 đồng chí luân chuyển từ cơ sở lên huyện. Hiện nay, đang triển khai thí điểm việc “Đánh giá, xếp loại cán bộ, công chức, viên chức định kỳ hàng quý”, trong thời gian tới sẽ nhân ra diện rộng.
Hướng về cơ sở, lắng nghe và giải quyết kịp thời những ý kiến, kiến nghị của người dân để tạo sự đồng thuận, từ đó huy động sức dân một cách phù hợp là mục tiêu huyện Đại Từ xác định tiếp tục coi trọng thực hiện trong thời gian tới. Từ năm 2013, Huyện ủy đã thành lập một tổ công tác cấp huyện giao phụ trách đảng bộ cơ sở. Mỗi thành viên của tổ có trách nhiệm luân phiên dự sinh hoạt một chi bộ nông thôn bất kỳ ở địa bàn mình phụ trách. Ban chấp hành đảng bộ cấp xã cũng phân công thành viên phụ trách và cùng dự. Đến tháng 4/2019, Huyện ủy đã ban hành quy định về việc phân công các đồng chí trong cấp ủy định kỳ sinh hoạt với các chi bộ nông thôn.
Thực hiện đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo chủ đề năm 2019 về “Xây dựng ý thức tôn trọng Nhân dân, phát huy dân chủ, chăm lo đời sống Nhân dân”, Huyện ủy Đại Từ đã cụ thể hóa thành 15 tiêu chí thành phần. Trong đó, nhấn mạnh việc cán bộ phải có tác phong, văn hóa giao tiếp, sinh hoạt, làm việc tại nơi ở, nơi làm việc, nơi đông người; luôn có ý thức tôn trọng, lắng nghe, tiếp thu ý kiến phản ảnh, trao đổi, kiến nghị, thắc mắc của nhân dân; chủ động tiếp xúc với nhân dân nơi công tác, nơi sinh sống để nắm bắt tình hình đời sống, tâm tư, nguyện vọng của nhân dân; kịp thời phản ánh với chi bộ hoặc cấp ủy, chính quyền cơ sở những vấn đề bức xúc, nổi cộm và tâm tư nguyện vọng của nhân dân… Những nội dung này đã được triển khai tới cấp xã và từng chi bộ cơ sở. Đảng bộ các xã, thị trấn có trách nhiệm vụ cụ thể hóa các tiêu chí này thành chương trình hành động của địa phương. Đây sẽ là cơ sở để đánh giá việc hoàn thành nhiệm vụ của tổ chức, cá nhân hằng năm. Đồng thời để người dân giám sát, góp ý cho đội ngũ cán bộ, đảng viên trong quá trình thực thi nhiệm vụ.