Quan tâm phòng ngừa đuối nước

09:38, 04/06/2019

Bước vào mùa nắng nóng cũng là dịp nghỉ hè của học sinh, đây là thời điểm thường xảy ra các vụ tai nạn đuối nước (TNĐN) mà nạn nhân chủ yếu là trẻ nhỏ. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến TNĐN, song phần lớn là do sự chủ quan, thiếu giám sát, lơ là giáo dục phòng, chống đuối nước của các bậc phụ huynh đối với con em mình… Ở các vùng nông thôn, đặc biệt là với địa phương có nhiều ao hồ sông suối như Phú Bình thì đây thực sự là vấn đề cần được quan tâm nhiều hơn

Mới đây vào chiều ngày 26-5, tại đập hố Cóc, xóm Cầu Cong (xã Tân Khánh) đã xảy ra vụ đuối nước thương tâm khiến 2 cha con anh N.X.H và cháu N.T.M (trú tại tỉnh Bắc Kạn) tử vong. 2 cha con anh H. cùng một người thân từ thị trấn Trại Cau (huyện Đồng Hỷ) đến đập hố Cóc để câu cá, sau đó anh H., cháu M. đã lấy thuyền tôn của người dân địa phương để chèo thuyền dạo chơi. Khi cách bờ khoảng 20m, thuyền bị lật và cả 2 cha con đều bị đuối nước, tử vong. Cũng trong tháng 5, tại xã Tân Khánh, cháu L.D.N (sinh năm 2015) đã bị tử vong do ngã xuống hố chứa nước thải bể biogas. Cháu N. được người thân đón từ nhà trẻ về, không thấy mẹ ở nhà nên cháu sang nhà bà nội ngay gần kề để chơi. Sau hơn 1 tiếng, mẹ cháu đi tìm quanh vườn nhà bà thì thấy cháu N. đã tử vong ở dưới hố nước thải. Đây là 2 vụ TNĐN xảy ra trên địa bàn huyện Phú Bình từ đầu năm đến nay. Những năm qua, Phú Bình là địa phương có số vụ TNĐN nhiều nhất trong toàn tỉnh, tính từ năm 2012 đến nay, trung bình mỗi năm có khoảng 7 trẻ em trên địa bàn huyện bị thiệt mạng do đuối nước.

Từ 2 vụ việc trên chúng ta có thể thấy, chính sự lơ là, chủ quan, coi thường nguy hiểm của các bậc phụ huynh là một trong những nguyên nhân dẫn đến những tai nạn không đáng có cho con em mình. Ông Nguyễn Đức Giang, Phó Trưởng Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Phú Bình cho biết: Thực trạng trên hầu hết diễn ra ở khu vực nông thôn, nơi những gia đình nông dân thường không có thời gian theo sát con, cha mẹ mải làm đồng, con trẻ ở nhà không người trông nom và tự chơi với nhau, xung quanh nhà lại có nhiều hố nước, ao, hồ… Do vậy, việc nêu cao tinh thần phòng ngừa, tăng cường giám sát của các bậc phụ huynh là rất quan trọng. Các bậc phụ huynh cần phải chủ động bổ sung kiến thức, kỹ năng về phòng chống tai nạn thương tích, TNĐN cho bản thân mình; dạy cho trẻ kỹ năng bơi lội, sơ cứu khi bị thương phản xạ nhanh trong từng tình huống để cứu người, cứu mình… Thực tế cho thấy, đã có nhiều trường hợp trẻ mặc dù biết bơi, nhưng do thiếu kỹ năng xử lý trong cứu nạn cứu hộ nên đã gặp nạn…

Cùng với việc quản lý, giám sát từ phía gia đình thì chính quyền địa phương, nhà trường cần phối hợp chặt chẽ trong việc tạo ra nhiều sân chơi bổ ích, tìm hiểu kiến thức, trau dồi kỹ năng; các địa phương, ngành chức năng cần quản lý tốt các cơ sở, bể bơi tư nhân trên địa bàn để trẻ có môi trường học tập và vui chơi an toàn trong dịp hè; các địa phương cần rà soát lại địa hình, cảnh báo về những khu vực nguy hiểm, thông tin sâu rộng trên loa để người dân nắm rõ, cảnh giác; đặc biệt trong mùa mưa bão, các vị phụ huynh cần nhắc nhở, giám sát con em mình không đến gần nơi ngập nước, khu vực dễ sạt lở… để phòng ngừa các tai nạn, nhất là TNĐN.