Dù chưa có số liệu thống kê về số lượng chó nuôi thả rông trên địa bàn toàn tỉnh, thế nhưng con số này ắt hẳn sẽ không nhỏ. Bởi thực tế hiện nay, đi đến bất cứ khu dân cư nào từ thành phố đến các xóm, bản tại ở các huyện miền núi vùng cao, không khó thể bắt gặp hình ảnh những con chó thả rông, không đeo rọ mõn vô tư chạy nhảy khắp nơi. Ngay cả những nơi công cộng như quảng trường, công viên, tình trạng chó thả rông cũng diễn ra khá phổ biến, trong đó có nhiều loài chó ngoại, chó lai rất to và hung dữ. Điều này đang trở thành nỗi bất an đối với nhiều người dân bởi nguy cơ bị chó tấn công bất cứ lúc nào.
Đã hơn 1 tuần trôi qua, thế nhưng khi nhớ vụ việc bị chó cắn, bà Nguyễn Thị Xoa (ở tổ 11, phường Cam Giá, T.P Thái Nguyên) vẫn nguyên cảm giác lo sợ. Sáng sớm hôm ấy, khi bà đang đi tập thể dục quanh xóm thì bất ngờ bị một con chó của hàng xóm lao ra cắn vào đùi bên phải. Cũng may là chủ nhà đã kịp thời phát hiện và và lôi con chó vào nhà nếu không bà sẽ tiếp tục bị nó tấn công. Dù rất bức xúc, nhưng bà Xoa cũng đành phải ngậm ngùi, chấp nhận giải quyết sự việc bằng tình cảm láng giềng.
Không chỉ người lạ, chó thả rông cũng có thể là mối nguy hiểm đối với chính chủ nhân và người thân của họ. Ông Lê Văn Nam (ở tổ 17, phường Quang Trung, T.P Thái Nguyên) buồn bã khi nói về đứa cháu 3 tuổi của mình vừa bị chính con chó của nhà cắn: Con chó đã được gia đình nuôi hơn mười năm nay, chưa bao giờ cắn ai trong nhà nên tôi cũng chủ quan không mấy khi nhốt hay xích. Thế nhưng chẳng hiểu vì sao hôm đó, cháu của tôi đang chơi ngoài sân thì con chó nhảy chồm lên người thằng bé cắn vào bụng và cào xước tay chân. Tôi phải cho cháu đi tiêm huyết thanh để phòng bệnh.
Được biết đầu năm đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh đã xảy ra 3 trường hợp bị chó cắn dẫn đến tử vong tại huyện Đại Từ, Đồng Hỷ và T.X Phổ Yên. Trong 5 tháng đầu năm, số người bị chó cắn phải điều trị dự phòng là 4.113 người. Phần lớn các trường hợp do chó thả rông cắn. Có những trường hợp bị cắn khá nặng và phải điều trị tiêm vắc-xin phòng dại và huyết thanh khẩn cấp, thậm chí phải nhỏ huyết thanh trực tiếp vào vết thương.
Lo ngại về hậu quả của tình trạng nuôi chó thả rông, ông Lê Đắc Vinh, Chi Cục trưởng Chi cục Chăn nuôi - Thú y (Sở Nông nghiệp và PTNT) cho biết: Hiện nay, tổng đàn chó nuôi trong toàn tỉnh khoảng 270 nghìn con. Tuy nhiên số lượng chó được tiêm phòng dại chỉ khoảng 150 nghìn con. Đây chính là mối nguy hại lớn nhất đối với người dân khi bị chó thả rông cắn. Ngoài nguy cơ bị lây truyền bệnh dại, việc nuôi chó thả rông còn gây ra những tiềm ẩn khác như tai nạn cho người đi trên đường.
Theo ông Vinh, nguyên nhân của tình trạng chó nuôi thả rông, trước hết là do chủ vật nuôi còn thiếu ý thức và chủ quan do chưa lường hết những rủi ro của nuôi chó thả rông đối với chính mình và mọi người. Trong khi đó việc xử phạt hành chính theo Nghị định 90/2017/NĐ-CP, ngày 31/7/2017 của Chính phủ trong lĩnh vực thú y tại các địa phương vẫn chưa được thực hiện nghiêm túc. Thêm vào đó, công tác quản lý đàn chó tại các xã, phường chủ yếu giao cho cán bộ thú y, trong khi lực lượng này còn rất mỏng. Vì thế rất khó để tổ chức bắt giữ chó thả rông và thực hiện công tác xử phạt theo quy định. Minh chứng là trên địa bàn tỉnh vẫn chưa có trường hợp nào bị xử phạt theo quy định nói trên. Bởi vậy, ngoài việc tuyên truyền nâng cao ý thức cho người dân cần một chế tài cụ thể, quyết liệt hơn trong thực hiện...