Có một phi lý còn tồn tại trong đời sống xã hội - đó là bạo lực gia đình (BLGĐ). Phi lý vì bởi những người trong gia đình luôn gần gũi nhau lẽ ra phải thương yêu, giúp đỡ nhau thì lại ứng xử thô bạo. Tuy không phổ biến, chỉ ở một số ít trường hợp, nhưng BLGĐ đang được cả xã hội quan tâm, tìm giải pháp hạn chế.
Bà Hà Mai Hiên, Phó Phòng Xây dựng Đời sống Văn hoá và Gia đình (Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch) cho biết: BLGĐ là nguyên nhân làm tổn thương cho người bị hại về sức khỏe thể chất và tinh thần. Trong thời gian 3 năm gần đây (2016-2018), trên địa bàn của tỉnh xảy ra 624 vụ BLGĐ, trong đó 183 vụ về tinh thần; 238 vụ về thân thể, 146 vụ về kinh tế và 57 vụ về tình dục. Đây là những vụ việc được người bị hại báo cáo với chính quyền địa phương. Còn phần lớn vụ việc được giấu diếm, vì người gây bạo lực và nạn nhân đều là người thân trong một nhà. Trong tổng số nạn nhân bị BLGĐ từ 3 năm gần đây có 624 trường hợp. Phụ nữ chiếm số đông, với 606 trường hợp, chiếm 97,4%; nạn nhân là nam giới có 18 trường hợp, chiếm 2,6%. Về độ tuổi bị bạo lực, có 596 trương hợp từ đủ 16 đến 59 tuổi, chiếm 95,5%, còn lại là ở độ tuổi dưới 16 và từ trên 60 tuổi. 100 vụ việc BLGĐ nêu trên đều được cộng đồng dân cư góp ý, phê bình. Nhưng chỉ có 43 trường hợp bị xử phạt hành chính và 48 trường hợp bị xử lý hình sự.
Mặc dù các cấp, ngành, khu dân cư đều có sự quan tâm đến công tác hòa giải, nhưng một số năm gần đây, trên địa bàn của tỉnh còn xảy ra không ít vụ việc BLGĐ thương tâm, làm mọi người trong xã hội day dứt. Đơn cử là trường hợp của Trần Văn Quỳnh, xã Phấn Mễ (Phú Lương). Vì cãi nhau với vợ, ức chế, Quỳnh nổ mìn tự sát. Còn Hoàng Văn Liêng, xã Hà Thượng (Đại Từ) vì ghen tuông với vợ, đã tự ốp mìn vào người, rồi ôm vợ, châm lửa cho mìn nổ làm cả 2 vợ chồng cùng chết. Trường hợp Lê Văn Dần, phường Phố Cò (T.P Sông Công) bóp cổ em vợ rồi ném xuống giếng. Thấy vợ to tiếng, Dần hung hãn dùng dao chém vào đầu vợ và con gái, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và tinh thần của nạn nhân... Còn nhiều nữa những vụ việc BLGĐ có thể nói là nghiêm trọng, nhưng vì “chuyện trong nhà” nên hầu hết các nạn nhân bị ngược đãi vẫn bao che cho người có hành vi bạo lực. Mỗi năm có hàng chục, thậm chí là hàng trăm vụ án có liên quan đến hôn nhân và gia đình. Theo số liệu tổng hợp từ Tòa án Nhân dân tỉnh, từ năm 2016 đến hết năm 2018, Tòa án đã chấp thuận cho ly hôn 7.231 trường hợp, trong đó có 624 trường hợp có nguyên nhân từ BLGĐ, chiếm gần 9%.
Theo ông Trần Cơ Trường, Phó Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch: Để hạn chế BLGĐ, giải pháp hiệu quả lâu dài nhất vẫn là các hoạt động tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, nâng cao nhận thức cho mọi người dân. Trong 10 năm gần đây, với vai trò là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo công tác gia đình của tỉnh, Sở cùng các cơ quan, đơn vị thành viên là Hội Liên hiệp phụ nữ, Công an, Viện Kiểm sát Nhân dân, Tòa án Nhân dân, Sở Tư pháp, Sở Y Tế, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội… đã tổ chức hàng trăm lớp tập huấn về công tác gia đình, trong đó có Luật Phòng, chống BLGĐ cho hàng vạn lượt cán bộ, nhân dân; phát hành hàng trăm nghìn tài liệu các loại liên quan tới công tác gia đình và về văn hoá ứng xử trong gia đình, về Luật Phòng, chống BLGĐ. Đặc biệt là Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đã chủ động thành lập Tổng đài tư vấn 18008080, tiếp nhận hơn 15.000 cuộc gọi/năm, trong đó có từ 700 đến 800 cuộc gọi liên quan đến vấn đề hôn nhân và gia đình. Đã có 97 trường hợp trẻ em, phụ nữ bị bào hành, xâm hại tình dục được Trung tâm can thiệp, hỗ trợ khẩn cấp.
Hiệu quả của các hoạt động tuyên truyền, giáo dục pháp luật đã từng bước nâng cao được nhận thức, ý thức trong cán bộ, nhân dân. Nhờ đó, số vụ việc BLGĐ đã có chiều hướng giảm dần. Nếu như năm 2016, trên toàn tỉnh xảy ra 188 vụ, thì năm 2018 giảm xuống còn 155 vụ, trong đó bạo lực về tinh thần giảm từ 75 vụ/2016 xuống còn 27 vụ; bạo lực về thân thể giảm từ 77 vụ/2016 xuống còn 73 vụ. Đây là tín hiệu vui được bắt đầu từ khu dân cư - báo hiệu một xã hội ổn định, bền vững và phát triển.