Trong những năm qua, nhờ thu hút được nhiều dự án của các nhà đầu tư trong và ngoài nước nên cơ cấu kinh tế của tỉnh ngày càng chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa, giảm dần tỷ trọng ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản.
Theo đó, tính đến hết năm 2019, trong cơ cấu kinh tế của tỉnh, ngành công nghiệp, xây dựng chiếm tỷ trọng 58%; dịch vụ chiếm 31,7%; còn lại 10,3% là nông, lâm nghiệp, thủy sản. Tương ứng với sự chuyển dịch trong cơ cấu kinh tế, tỷ trọng lao động trong các khu vực cũng có sự chuyển dịch đáng kể. Cụ thể, trong khi tỷ trọng lao động khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản năm 2015 là 50,5% thì đến nay còn gần 40%; lao động khu vực công nghiệp, xây dựng từ gần 27,5% tăng lên khoảng 33%; lao động khu vực dịch vụ từ 22% lên trên 27%.
Nhờ sự chuyển dịch trong cơ cấu kinh tế và lao động nên thu nhập của người dân ngày càng được nâng cao. Nếu như năm 2018, thu nhập bình quân đầu người/năm theo giá hiện hành đạt 48,2 triệu đồng, thì dự kiến năm 2020 đạt khoảng 67 triệu đồng (chiếm khoảng 73% so với chỉ tiêu tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đầu người).