Xác định đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng là tiền đề quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, góp phần nâng cao đời sống cho nhân dân, những năm qua, huyện Đồng Hỷ đã tập trung các nguồn lực đầu tư và đạt được những kết quả đáng khích lệ.
Đến xã Minh Lập những ngày này, chúng tôi bắt gặp không khí khẩn trương, tấp nập của công nhân đang lao động tại công trường thi công Dự án đường từ trung tâm xã đi xóm Trại Cài. Đây là tuyến đường để xã đủ điều kiện đạt tiêu chí giao thông về đích nông thôn mới kiểu mẫu trong năm 2020 nên đang được nhà thầu đẩy nhanh tiến độ (dự kiến sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng trong tháng 5 tới). Công trình được UBND huyện Đồng Hỷ đầu tư với chiều dài gần 3km, mặt đường láng nhựa 3 lớp, chiều rộng là 6,5m. Ông Nguyễn Quốc Lập, Bí thư Đảng ủy xã cho biết: Thời gian vừa qua, xã Minh Lập đã nhận được sự quan tâm của tỉnh, huyện, nhờ đó kết cấu hạ tầng trên địa bàn đang dần hoàn thiện. Tính từ năm 2015 đến nay, xã đã huy động được 80 tỷ đồng để xây dựng trên 32km đường giao thông các loại và nhiều công trình, dự án, góp phần không nhỏ trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Không chỉ tập trung đầu tư cho các xã nông thôn mới, công tác đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng còn được huyện Đồng Hỷ quan tâm thực hiện tại các xã ATK, xã 135. Chỉ tính từ năm 2016 đến nay, huyện đã cải tạo, nâng cấp hơn 300km đường giao thông các loại; xây mới và sửa chữa trên 100 phòng học, phòng chức năng cho các nhà trường…, với tổng mức đầu tư trên 800 tỷ đồng. Đặc biệt, được sự quan tâm của tỉnh và ngành điện, 14 xóm, bản đặc biệt khó khăn trên địa bàn đã có điện lưới quốc gia từ đầu năm 2018, qua đó, từng bước đáp ứng nhu cầu sản xuất và sinh hoạt cho nhân dân. Ông Vi Ngọc Thi, Chủ tịch UBND xã Văn Hán cho biết: Vừa là xã ATK, xã 135 nên những năm qua, Văn Hán đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của các cấp, ngành từ huyện đến tỉnh, nhất là về xây dựng kết cấu hạ tầng. Nhờ đó, diện mạo của xã ngày càng đổi thay, đời sống của nhân dân ngày một nâng lên. Hiện nay, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn xã đạt 32 triệu đồng/người/năm, tăng 7 triệu đồng/người/năm so với năm 2015.
Thời gian qua, lĩnh vực giáo dục được quan tâm đầu tư; cơ sở vật chất của các trường học tiếp tục được xây dựng khang trang, từng bước đáp ứng tốt nhu cầu dạy và học cho các trường học trên địa bàn. Riêng về đầu tư xây dựng trường lớp, 4 năm qua (từ năm 2016 đến 2020), huyện đã đầu tư trên 278 tỷ đồng để xây dựng, sửa chữa phòng học, lớp học; mua sắm trang thiết bị máy móc dạy và học… Bà Hoàng Thị Thu Ninh, Hiệu trưởng Trường THCS Trại Cau cho biết: Do mới được tách ra từ năm 2018 nên Nhà trường chưa có cơ sở vật chất để dạy và học, phải nhờ cơ sở của Trường THPT Trại Cau, vì thế mà việc dạy và học gặp nhiều khó khăn. Chính vì vậy, khi sắp xếp được nguồn vốn, huyện Đồng Hỷ đã quan tâm đầu tư xây dựng một ngôi trường mới, với tổng kinh phí trên 23 tỷ đồng. Dự kiến, tháng 7 tới, công trình sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng.
Để xây dựng kết cấu hạ tầng, những năm qua, huyện Đồng Hỷ đã tận dụng tối đa các nguồn vốn từ ngân sách Trung ương, tỉnh và vốn huy động từ nhân dân, doanh nghiệp. Từ năm 2016 đến nay, riêng với Chương trình xây dựng nông thôn mới, huyện đã huy động trên 1.000 tỷ đồng (trong đó, vốn huy động từ nhân dân, doanh nghiệp gần 400 tỷ đồng, còn lại là ngân sách Nhà nước). Ngoài ra, nhân dân còn tự nguyện hiến 43ha đất các loại để đầu tư làm mới, sửa chữa, nâng cấp gần 90km đường trục xã, liên xã; xây mới 226km đường bê tông nông thôn; kiên cố hóa hơn 33km kênh mương; sửa chữa, nâng cấp 32 công trình thủy lợi; xây dựng 29 công trình trường học; cải tạo, nâng cấp 7 nhà văn hóa trung tâm xã và 83 nhà văn hóa xóm... Cùng với đó, huyện đã phối hợp với Công ty Điện lực Thái Nguyên trong công tác giải phóng mặt bằng để xây dựng 71 trạm biến áp, cải tạo, nâng cấp hơn 365km đường dây trung thế và hạ thế... Nhờ đó, đến nay, 100% tuyến đường liên xã trong huyện đã đảm bảo cho các phương tiện di chuyển; 46/54 trường học đạt chuẩn Quốc gia; 13/13 xã đạt chuẩn Quốc gia về y tế; tỷ lệ hộ dân được sử dụng điện thường xuyên đạt 99,8%...
Ông Nguyễn Văn Thủy, Chủ tịch UBND huyện cho biết: Đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng là động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Do đó, thời gian qua, ngoài huy động các nguồn lực từ ngân sách nhà nước, huyện còn chú trọng huy động nguồn vốn từ nhân dân, doanh nghiệp. Tổng mức đầu tư cho các chương trình, dự án trong 5 năm (2015-2020) trên địa bàn là hơn 2.200 tỷ đồng. Thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục huy động, tận dụng các nguồn vốn để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, trong đó, sẽ ưu tiên đặc biệt với các xã về đích nông thôn mới, góp phần để đạt được mục tiêu của huyện là hết năm 2020, toàn huyện có 11/13 xã đạt chuẩn nông thôn mới (vượt 2 xã so với mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXIII, nhiệm kỳ 2015-2020 đề ra); 1 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt gần 40 triệu đồng/ người/năm…