Từ “Hũ gạo kháng chiến” năm xưa

16:35, 02/09/2020

Sau thành công của Cách mạng Tháng Tám, chính quyền non trẻ của ta phải đối phó với muôn vàn khó khăn. Toàn quốc phải đồng thời thực hiện ba nhiệm vụ: Diệt giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm. Hưởng ứng Lời kêu gọi lập “Hũ gạo kháng chiến” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân huyện Định Hóa đã thực hành tiết kiệm, sẻ chia tài sản của mình góp phần cho chính quyền cách mạng giải quyết khó khăn trong những ngày mới thành lập. Tinh thần ấy vẫn vẹn nguyên giá trị, trở thành “kim chỉ nam” cho các hoạt động nhân đạo.

 

 

Trong cuốn Lịch sử kháng chiến chống xâm lược và xây dựng, bảo vệ Tổ quốc huyện Định Hóa (1945-2000) ghi rõ: Hưởng ứng Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh “… cứ 10 ngày nhịn ăn một bữa, mỗi tháng nhịn 3 bữa, đem gạo đó để cứu giúp những người thiếu đói", nhân dân và cán bộ huyện Định Hóa, nhà nhà đều đặt hũ gạo cứu đói. Mỗi bữa ai đong gạo nấu cơm đều bớt lại nắm nhỏ bỏ vào hũ, lấy gạo đó ủng hộ người nghèo. “Ban vận động cứu đói và thu gom gạo ủng hộ người nghèo” được thành lập ở tất cả các bản, làng. Trong đó, Hội Phụ nữ cứu quốc là nòng cốt. Người dân Định Hóa khi đó cũng ủng hộ nhiều kỷ vật có giá trị, góp xây dựng “Quỹ độc lập”, “Tuần lễ vàng”. Toàn huyện đã tiết kiệm chi tiêu bán cho Nhà nước 63 tấn lương thực, ủng hộ 52 mẫu ruộng để cán bộ, bộ đội tăng gia tự túc lúa gạo.

Năm 1946, khi được chọn làm An toàn khu kháng chiến, nhân dân Định Hóa cũng không quản khó nhọc, tận tình giúp đỡ, bảo vệ Bác Hồ và cơ quan Trung ương bằng những việc làm như: ủng hộ vật liệu cây, que, nứa lá để làm lán, đào hầm, làm đường, ủng hộ và vận chuyển lương thực, cho mượn nhà ở làm nơi làm việc… Lật giở từng trang lịch sử địa phương, ông Ma Đình Được (80 tuổi), Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Phú Đình tự hào nói: Trong thời gian ấy, xã có khoảng 20 hộ dân đã ủng hộ gần 500 cân gạo, 250 cân thóc, 15 con trâu, bò, lợn, dê, 17 con vịt cùng với rượu, dầu hỏa, bạc trắng, giấy bạc. Trong số đó, có nhiều gia đình nhường nhà cho các cơ quan ở và làm việc. Bản thân gia đình ông cũng tiết kiệm được 45 cân gạo, 20 ống thóc, ủng hộ dê, gà ngựa và nhường nhà cho cán bộ ở và làm việc…

Hơn 70 năm trôi qua, nhưng phong trào “Hũ gạo kháng chiến” được Bác Hồ phát động ngày nào nay còn nguyên giá trị, được duy trì và phát triển dưới nhiều hình thức.

Mô hình “Hũ gạo tình thương - Tiếp sức em đến trường” của Trường THCS Phúc Chu.

Chị Lương Thị Hằng, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ huyện Định Hóa cho biết: Lấy ý tưởng từ “Hũ gạo kháng chiến” năm xưa, năm 2011, Hội Chữ thập đỏ huyện xây dựng mô hình “Hũ gạo tình thương”. Hũ gạo này được đặt ở các điểm xay xát, nhà văn hóa và trong trường học sau từ 2 đến 6 tháng sẽ được chia cho người dân, học sinh nghèo. Từ một vài hũ gạo ban đầu đến nay đã nhân rộng lên 50 hũ, qua đó nhiều gia đình được giúp đỡ, nhất là trong những ngày giáp hạt.

Ở các trường học trên địa bàn, các mô hình “Hũ gạo tình thương tiếp sức em đến trường”, “Khăn quàng đỏ”, “Nuôi lợn đất tiết kiệm”, “Trồng gừng, nuôi gà giúp bạn nghèo… Điển hình là ở Trường THCS Phúc Chu, ngôi trường có hơn 70% học sinh dân tộc thiểu số, phần lớn các em gia cảnh khó khăn, thế nhưng phong trào làm việc thiện luôn được cô và trò hưởng ứng nhiệt tình. Cô giáo Đinh Thị Hải, Trường THCS Phúc Chu cho biết: Bằng nhiều hình thức khác nhau, chúng tôi luôn coi trọng giáo dục truyền thống cách mạng và khơi dậy, bồi đắp lòng nhân ái cho các em. Năm học 2019-2020, nhà trường thu được 250 kg gạo và 2,5 triệu đồng từ các mô hình “Hũ gạo tình thương - Tiếp sức đến trường”, “Nuôi heo đất”, “Xuân ấm tình thương”… để giúp đỡ 15 học sinh có hoàn cảnh khó khăn;, thăm hỏi 2 gia đình chính sách nhân dịp 22/12 (mỗi suất 1 triệu đồng và hỗ trợ 30 ngày công  lao động.

Với những cách làm ấy, 5 năm qua Hội Chữ thập đỏ huyện Định Hóa đã giúp đỡ được trên 43 nghìn lượt người, xây 334 nhà nhân đạo, gắn hàng nghìn địa chỉ nhân đạo cho người nghèo… Qua đó, góp phần vào công tác an sinh xã hội trên địa bàn.