Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự điều hành quyết liệt, đồng bộ cùng nhiều cách làm sáng tạo của cấp ủy, chính quyền các cấp; sự chung tay của cộng đồng; sự đồng thuận và quyết tâm của Nhân dân, sau 5 năm thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững, tỉnh Thái Nguyên đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh xuống còn 3,1%, vượt mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đề ra.
Bước vào nhiệm kỳ 2015-2020, thách thức đặt ra cho tỉnh trong thực hiện chương trình MTQG giảm nghèo bền vững là tỷ lệ hộ nghèo còn cao. Đầu năm 2016, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh là 13,4% (cả nước là 9,2%); hộ cận nghèo chiếm 8,94%; số hộ nghèo về thu nhập chiếm tới 80,8%. Hộ nghèo chủ yếu tập trung ở vùng nông thôn, miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, địa hình phức tạp, giao thông còn nhiều hạn chế, thiếu đất sản xuất; sinh kế của đồng bào phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên, chịu rủi ro bởi thiên tai và biến đổi khí hậu.
Quán triệt tinh thần chỉ đạo, các mục tiêu, nhiệm vụ Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững của Trung ương và hiện thực hóa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên lần thứ XIX, phát huy những kết quả đạt được ở giai đoạn 2011-2015, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo xây dựng và ban hành các chương trình, kế hoạch thực hiện: Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2017-2020; chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng an toàn khu, vùng dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn; chính sách hỗ trợ đặc thù khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn và Kế hoạch tổ chức thực hiện phong trào thi đua “Thái Nguyên chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”...; huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sức mạnh toàn dân thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững.
Đồng chí Trịnh Việt Hùng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh kiểm tra tiến độ thực hiện Dự án “Ứng dụng công nghệ xây dựng mô hình nuôi trai nước ngọt lấy ngọc” tại xã Tân Thái (Đại Từ). Ảnh: T.L
Ngoài các chính sách giảm nghèo chung, tỉnh đã xây dựng, ban hành cơ chế, chính sách đặc thù và các giải pháp để thực hiện công tác giảm nghèo trên địa bàn như: Chính sách hỗ trợ người thuộc hộ cận nghèo, người thuộc hộ nghèo thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản khác không thiếu hụt BHYT được hỗ trợ 100% kinh phí mua thẻ BHYT (trong đó ngân sách tỉnh hỗ trợ 30%); hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhà ở cho hộ nghèo có đảng viên được nhận Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng trở lên; dự án cấp điện tại 35 xóm, bản trên địa bàn huyện Võ Nhai và huyện Đồng Hỷ; dự án cấp bách xóa 33 phòng học tạm trên địa bàn toàn tỉnh; tiếp tục hỗ trợ đồng bào dân tộc Mông sinh sống ở các xóm, bản đặc biệt khó khăn phát triển kinh tế, ổn định sản xuất và đời sống.
Với phương châm không đầu tư dàn trải mà chọn “nút thắt” để ưu tiên đầu tư nhằm gỡ khó trong sinh kế của người dân như: Giao thông, thủy lợi, điện, nước sạch… đã tạo hiệu ứng tích cực, huy động được sức dân, tạo kết nối trong phát triển kinh tế - xã hội giữa các vùng nông thôn, miền núi và thành thị. Kịp thời chỉ đạo và triển khai đồng bộ các chính sách tín dụng ưu đãi hộ nghèo, hỗ trợ giáo dục, chính sách khuyến nông, khuyến lâm, khuyến công, chuyển giao khoa học kỹ thuật, xây dựng, nhân rộng các mô hình giảm nghèo bền vững gắn kết với cộng đồng dân cư trên địa bàn; các chương trình, đề án tạo việc làm được quan tâm chỉ đạo thực hiện có hiệu quả; các hoạt động hỗ trợ phát triển thị trường lao động, tạo việc làm từ Quỹ Quốc gia về việc làm, xuất khẩu lao động được triển khai đồng bộ. Các cơ quan chức năng của tỉnh phối hợp với Công ty TNHH Samsung Elecstronics Việt Nam Thái Nguyên và các doanh nghiệp phụ trợ ưu tiên tuyển dụng, giải quyết việc làm cho hơn 1.600 lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo.
Đặc biệt, với sự quyết tâm của cấp ủy, chính quyền; sự chủ động, tích cực của các sở, ngành và chính quyền địa phương; đóng góp của các doanh nghiệp, doanh nhân, đặc biệt là khát vọng vươn lên thoát nghèo của người dân đã tạo thành khối đại đoàn kết, làm nên sức mạnh tổng hợp làm thay đổi diện mạo các vùng đặc biệt khó khăn của tỉnh. Đầu năm 2016, tỷ lệ hộ nghèo ở các xã vùng đặc biệt khó khăn còn 34,23% (tương ứng 19.909 hộ) đến đầu năm 2020 giảm còn 14,41% (8.534 hộ), bình quân mỗi năm giảm 4,96%. Thực hiện Chương trình “Tuần cao điểm Tết vì người nghèo”, “Ngày vì người nghèo” trong 3 năm, từ 2018 đến 2020, toàn tỉnh đã huy động được 81 tỷ đồng ủng hộ, hỗ trợ, giúp đỡ các hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn xây mới, sửa chữa nhà ở và hỗ trợ phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống.
Bên cạnh những kết quả đạt được, còn có những khó khăn, thách thức đặt ra trong công tác giảm nghèo: Nguồn lực đầu tư cho các địa bàn khó khăn vùng đồng bào dân tộc và miền núi chưa thực sự đáp ứng so với nhu cầu thực tế; các hộ nghèo hiện nay thuộc diện bảo trợ xã hội trên địa bàn tỉnh chiếm gần 25%; quá trình đô thị hóa và di dân tự do làm nảy sinh nhiều thách thức đối với việc bảo đảm cơ hội tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản đối với người di cư, người nghèo ở khu vực thành thị...
Để tiếp tục thực hiện hiệu quả, đáp ứng mục tiêu, nhiệm vụ Chương trình giảm nghèo bền vững, cần tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp giảm nghèo đối với đối tượng thuộc nhóm dễ bị tổn thương, người dân tộc thiểu số, người khuyết tật, phụ nữ, trẻ em... Cấp ủy, chính quyền các cấp cần thống nhất về nhận thức và hành động, coi giảm nghèo là nhiệm vụ trọng tâm và là mục tiêu phấn đấu trong phát triển kinh tế - xã hội của cả nhiệm kỳ. Quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, sâu sát, quyết liệt với sự tham gia tích cực và phối hợp chặt chẽ của cả hệ thống chính trị, trong đó nêu cao vai trò người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, đoàn thể. Chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cơ sở, cán bộ trực tiếp triển khai thực hiện Chương trình giảm nghèo. Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền về các gương điển hình vươn lên thoát nghèo, những cách làm hay, mô hình sản xuất hiệu quả, những tập thể, cá nhân có nhiều đóng góp cho mục tiêu giảm nghèo bền vững... Tăng cường huy động các nguồn lực từ xã hội để thực hiện chính sách giảm nghèo.
Đồng chí Trịnh Việt Hùng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh trao học bổng cho các học sinh nghèo vượt khó. Ảnh: T.L
Phát huy vai trò chủ thể của người dân, xác định rõ nâng cao thu nhập cho người dân là tiền đề để thực hiện các chỉ tiêu, mục tiêu khác. Trong thực hiện chính sách giảm nghèo phải gắn chặt với việc động viên và tạo điều kiện cho các hộ nghèo tiếp cận các nguồn lực để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo. Lồng ghép, sử dụng có hiệu quả sự hỗ trợ của Nhà nước và các nguồn lực trong cộng đồng dân cư, xã hội cho phát triển sản xuất, nâng cao đời sống Nhân dân. Tiếp tục rà soát, bổ sung, sửa đổi chính sách đặc thù về giảm nghèo của tỉnh, tích hợp với các chính sách phát triển kinh tế - xã hội đảm bảo đồng bộ, hiệu quả, dễ thực hiện, dễ kiểm tra, giám sát. Tiếp tục huy động nguồn lực tập trung vào 3 nhóm chính sách: Hỗ trợ phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho hộ nghèo; phát triển hạ tầng các vùng khó khăn, vùng có tỷ lệ hộ nghèo cao và hỗ trợ hiệu quả cho người nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản.
Với kết quả đạt được toàn diện trên các lĩnh vực của đời sống xã hội giai đoạn 2015-2020, trong đó công tác giảm nghèo có những bước tiến mới, chúng ta cùng tin tưởng rằng trong những năm tới, công tác giảm nghèo trên địa bàn tỉnh sẽ tiếp tục đạt được những kết quả tích cực, từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020-2025.
Đến năm 2020, có 47 xã thuộc Chương trình 135 và 6 xã vùng đặc biệt khó khăn của tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới; 19/63 xã, 75/94 thôn bản vùng có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống và miền núi thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn. Trong giai đoạn 2016-2020 đã có 31.680 hộ thoát nghèo bằng 10,3%. Bình quân giảm 2,06%/năm (mục tiêu là 2%/năm).
TS. Trịnh Việt Hùng
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh