Hồi còn là sinh viên, hiểu được rằng “mỗi giọt máu cho đi một cuộc đời ở lại”, tôi không ngần ngại theo các anh, chị khóa trên đi hiến máu. Vì thể trạng gầy gò nên khi ấy, mong ước được hiến máu của tôi không trở thành hiện thực. Dù vậy, sau lần ấy, tôi đã hiểu thêm ý nghĩa nhân văn của hoạt động hiến máu. Sau này, tôi càng trân quý những người đã sẻ chia giọt máu đào của mình để cứu chữa cho người bệnh.
Nỗi đau người bệnh
Khi trò chuyện cùng những bệnh nhân đang điều trị tại Khoa Huyết học lâm sàng của Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên, chúng tôi vô cùng cảm động khi nghe những lời sẻ chia của họ. Ông Hoàng Đức Long, 47 tuổi, ở xã Đồng Tâm, huyện Chợ Mới (Bắc Kạn) đang trong đợt điều trị nên vẫn còn khá mệt mỏi nhưng vẫn rất nhiệt tình tiếp chuyện chúng tôi. Ông bảo: Tôi phát hiện mắc bệnh rối loạn đông máu được gần một năm nay rồi. Tôi rất mệt mỏi, ăn không ngon, ngủ không yên. Để duy trì sự sống, mỗi tháng, tôi phải vào đây truyền máu từ một đến hai lần.
Cùng chung nỗi đau bệnh tật như ông Long, bà Nguyễn Thị Hà, 58 tuổi, thị trấn Đình Cả (Võ Nhai) cho hay: Hơn 1 năm trươc, tôi bắt đầu thấy cơ thể mệt mỏi. Là “con nhà nông” ham công tiếc việc nên còn sức thì còn làm. Đến khi mệt quá, không chịu được nữa tôi mới đi khám thì được các bác sĩ thông báo tôi bị bệnh ung thư máu. Sau khi điều trị hóa chất, tôi bị giảm bạch cầu hạt nên từ đầu năm 2020 đến nay tháng nào tôi cũng phải vào bệnh viện truyền máu.
Cũng vì mắc bệnh thiếu máu, mỗi tháng hai lần, hai chị em cháu Trịnh Huyền Trang (16 tuổi) và Trịnh Phương Quỳnh (11 tuổi) ở thị trấn Hùng Sơn (Đại Từ), đã mồ côi cả bố lẫn mẹ lại phải vào viện truyền máu. Cháu lớn tính đến nay đã truyền máu được 11 năm, còn cháu bé năm thứ 6.
Bác sĩ Khoa Huyết học lâm sàng (Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên) khám cho bệnh nhân mắc bệnh rối loạn đông máu.
Ông Long, bà Hà, các cháu Trang và Quỳnh chỉ là số ít bệnh nhân ở Thái Nguyên đang cần được truyền máu để duy trì sự sống. Theo các bác sĩ của Khoa Huyết học lâm sàng, những năm trở lại đây, lượng bệnh nhân vào Khoa điều trị các bệnh lý về máu khá nhiều. Khoảng 3 năm trở lại đây, trung bình mỗi ngày Khoa tiếp nhận, điều trị từ 40 đến 60 bệnh nhân. Có những đợt cao điểm lên tới 70 bệnh nhân. Trong đó các bệnh lý thường gặp là thiếu máu do rối loạn sinh tổng hợp bạch cầu, hồng cầu, tiểu cầu; bệnh bạch cầu mạn tính, cấp tính thể tủy mạn tính, thể lympho mạn tính; bệnh máu khó đông.
Bác sĩ Lê Duy Đạo, Phó Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên nói: Ngoài những bệnh nhân có bệnh lý về máu thì nhiều trường hợp bị chấn thương nặng dẫn tới mất máu hoặc xuất huyết đường tiêu hóa cũng cần được truyền máu.
Từ thực tế này cho thấy, nhu cầu được cung cấp đủ nguồn máu để điều trị cho người bệnh tại các bệnh viện trong tỉnh là rất lớn. Vì lẽ đó, các hoạt động hiến máu tình nguyện do tỉnh tổ chức mang một ý nghĩa nhân văn vô cùng lớn lao.
Cho đi là còn mãi
Tôi nghĩ rằng, trong cuộc sống hôm nay, mỗi người hãy mở lòng mình để trao tặng, cho đi những yêu thương. Hiến máu cũng là một sự cho đi đầy ý nghĩa và nó sẽ còn mãi ở đó sự lan tỏa, sẻ chia. - Đó chính là tâm sự của bác sĩ Trần Thanh Tuấn, Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên. Ngay từ khi còn là sinh viên Trường Đại học Y - Dược Thái Nguyên, chàng trai ấy đã không ngần ngại cho đi những giọt máu đào của mình để cứu những người bệnh đang từng ngày, từng giờ chiến đấu với bệnh tật. Sau 8 năm (từ khi còn là sinh viên năm thứ nhất) đến nay, vị bác sĩ trẻ tuổi này đã có 17 lần hiến máu. Với Tuấn, khi nào còn sức khỏe là khi ấy, anh sẽ vẫn hiến máu bởi anh biết ở các bệnh viện đang rất cần có nguồn máu để cứu người.
Không chỉ những người trẻ mà nhiều người cao tuổi cũng rất tích cực hiến máu cứu người. Bà Phạm Thị Hảo, 61 tuổi, phường Tân Long (T.P Thái Nguyên) là một trong những con người như thế. Từ khi nghỉ hưu đến nay, bà đã tham gia hiến máu nhiều lần. Bà cho biết: Tôi thấy mình thật hạnh phúc khi vẫn còn đủ sức khỏe để hiến máu cứu người.
Ngoài những con người có tấm lòng nhân ái như bác sĩ Tuấn và bà Hảo, trên địa bàn tỉnh còn có rất nhiều người đã tình nguyện cho đi những giọt máu của mình để… cứu người. Hiện, toàn tỉnh đang có 4 Câu lạc bộ vận động hiến máu tình nguyện với 700 người tham gia. Các thành viên câu lạc bộ không chỉ tích cực hiến máu mà còn chủ động tham gia các lớp bồi dưỡng về kiến thức, kỹ năng trong công tác vận động hiến máu và bổ sung phát triển lực lượng. Trong năm 2020, các câu lạc bộ này đã phát triển mới trên 100 tình nguyện viên.
Ông Lê Ngọc Duệ, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh, Phó Trưởng Ban chỉ đạo Vận động hiến máu tình nguyện tỉnh cho hay: Các tình nguyện viên chính là nòng cốt trong công tác vận động hiến máu nhân đạo. Năm 2020, thông qua 4 chiến dịch lớn là: “Chiến dịch máu Tết”, “Lễ hội Xuân hồng 2020”, chương trình “Hành Trình Đỏ” và Chiến dịch những giọt máu hồng Hè 2020, toàn tỉnh đã vận động tổ chức 73 đợt hiến máu và tiếp nhận được 20.587 vị máu (quy đổi sang thể tích 250ml đạt 24.418 đơn vị).
Từ những hoạt động có ý nghĩa như thế đã góp phần quan trọng trong việc chủ động được nguồn máu sạch, kịp thời đáp ứng tình trạng thiếu máu để điều trị, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe cho người dân trên địa bàn tỉnh và các vùng lân cận.
Bác sĩ CKI Mã Thị Ánh, Phó Trưởng khoa Huyết học lâm sàng (Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên): Trong số những bệnh nhân phải điều trị các bệnh lý về máu thì có tới 80% số người cần được truyền máu. Người ít mỗi đợt cũng phải truyền đến 2 đơn vị máu, người nhiều truyền từ 15 đếm 20 đơn vị máu, thậm chí là đến 40 đơn vị máu. Đơn cử như với bệnh nhân suy giảm tiểu cầu miễn dịch, mỗi đợt truyền trên 10 đơn vị tiểu cầu nhưng cũng chỉ đảm bảo duy trì sự sống chứ để đủ số máu cần truyền cho bệnh nhân là rất khó. Chị Hoàng Thị Phương, Phó Bí thư Huyện Đoàn Đại Từ: Hiểu được ý nghĩa của hoạt động hiến máu, chúng tôi thường xuyên vận động đoàn viên thanh niên tham gia hiến máu. Năm qua, tuổi trẻ Đại Từ đã tham gia hiến hàng nghìn đơn vị máu. |