577 vụ tai nạn lao động (TNLĐ), 575 người bị tai nạn, 232 người chết, thiệt hại cho doanh nghiệp hàng tỷ đồng. Đây là số liệu do Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tổng hợp trong vòng hơn 5 năm gần đây. Sang hết 4 tháng đầu năm 2021, trên địa bàn tỉnh tiếp tục xảy ra 6 vụ TNLĐ, làm 6 người chết.
Những sự cố đau lòng
Nhìn khoảng trời xám màu chì, đầy mưa, chốc chốc lại có vạch sáng cùng tiếng sấm sét rền vang, 3 đứa nhỏ là Châm, Chi và Đức ôm chặt lấy mẹ. Chị Lộc Thị Hạc, 37 tuổi, xóm Cây Hồng, xã Phúc Lương (Đại Từ) dang vội vòng tay, che chở cho những đứa con. Chị thở dài: Mấy hôm nữa là giỗ đầu bố bọn trẻ. Hôm ấy ngày 8/6/2020, chồng chị là anh Đào Huyền Trang, lái xe của Công ty TNHH Xây dựng và Phát triển nông thôn miền núi đi làm như thường ngày. Đến nửa đêm chị nhận được tin báo chồng tử vong. Do khi sửa xe ô tô tải, anh không thao tác đúng quy trình vận hành kỹ thuật, nên bị ca bin tự sập xuống đè chết. Anh Trang chỉ là một trong hàng trăm trường hợp sơ ý, bất cẩn dẫn đến TNLĐ trong những năm gần đây. Do chủ quan, không ít người lao động (NLĐ) bị mất cơ hội được sống.
Vợ chồng ông Nguyễn Đức Giảng, ở tổ dân phố Ngân, phường Lương Sơn (T.P Sông Công) đau khổ kể chuyện con trai bị chết do tai nạn lao động.
)
Trường hợp anh Triệu Sinh Hiếu, Công ty TNHH Jeil Engineering tham gia thi công hạng mục Panel cho Nhà xưởng Nhà máy Alutec Vina (KCN Điềm Thụy - Phú Bình) là một trong những trường hợp như vậy. Ngày 15/5/2017, trong lúc thi công trên mái nhà xưởng, Hiếu trượt chân ngã từ độ cao gần 9m xuống nền bê tông phía dưới và tử vong ngay tại chỗ. Ông Triệu Triều Cai, bố đẻ Hiếu gạt nước mắt, nói: Cháu mất khi chưa đầy 19 tuổi.
Vì mưu sinh, nhiều người không quản gian khổ, chấp nhận làm việc cực nhọc để nuôi sống bản thân, gia đình. Nhưng trong cái khoảnh khắc lơ đãng, thiếu tập trung; hoặc do thiết bị ATLĐ không bảo đảm nên phải tận số. Ông Nguyễn Đức Giảng, 73 tuổi, tổ dân phố Ngân, phường Lương Sơn (T.P Sông Công) kể: Con trai tôi là Nguyễn Đức Cảnh, thợ vận hành cầu trục cấp liệu ở Công ty CP Tập đoàn Vật liệu chịu lửa Thái Nguyên. Cháu tử vong do rơi từ dầm cầu trục xuống nền nhà xưởng ở độ cao 7m. Mấy hôm trước cháu bàn với bố việc sửa nhà cho bớt mưa dột. Nhưng vào tháng 10 năm nay, vợ chồng già chúng tôi phải làm giỗ đầu cho cháu.
Lỗi có từ hai phía
Chỉ sau khi sự việc xảy ra, những người có liên quan mới giật mình “truy tìm” trách nhiệm. Nạn nhân dù đã không còn sống, song vẫn bị quy lỗi do lơ là, chủ quan, thiếu ý thức trách nhiệm, không chấp hành nghiêm chỉnh các quy định về ATLĐ. Người đã mất, thân nhân cũng chỉ biết chấp nhận thiệt thòi, còn doanh nghiệp - người sử dụng lao động chấp nhận khắc phục hậu quả theo quy định của pháp luật. Bởi sau khi sự việc không muốn bất ngờ ập đến, thì nguyên nhân gây tai nạn được gói gọn bằng cụm từ: Do NLĐ và người sử dụng lao động chủ quan, dẫn đến lỗi chết người.
Qua khảo sát thực tế, điều dễ nhận thấy là hiện đang tồn tại tình trạng nhiều các doanh nghiệp chưa thực sự coi trọng công tác ATLĐ. Minh chứng như năm 2020, trên địa bàn của tỉnh có gần 4.000 doanh nghiệp, nhưng chỉ có 184 doanh nghiệp báo cáo với cơ quan chức năng về tình hình ATLĐ của đơn vị. Hiện tượng giấu sự cố mất ATLĐ khá phổ biến trong khối doanh nghiệp. Giữa doanh nghiệp và NLĐ bị tai nạn tự thỏa thuận, giấu nhẹm, gây khó khăn cho cơ quan chức năng. Theo báo cáo của Ban ATLĐ tỉnh: Trong năm 2020 xảy ra 138 vụ TNLĐ, tăng 36 vụ so với năm 2019. Theo đó, TNLĐ làm thiệt hại gần 2 tỷ đồng và gần 3.000 ngày công phải nghỉ do TNLĐ.
Ông Nguyễn Văn Quyền, Phó Phòng Chính sách Lao động (Sở Lao động - TBXH) nói trăn trở: Có những vụ việc TNLĐ dẫn đến chết người hết sức đơn giản, như trường hợp anh Vũ Đức Thiện, công nhân Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại Hiệp Linh (Khu công nghiệp Sông Công). Anh Thiện mới vào làm việc cho Công ty được 9 ngày thì bị điện giật chết. Nguyên nhân do bảng điều khiển máy cầm tay bị vỡ, hở mạch điện. Giá như anh Thiện “mạnh dạn” đề nghị Công ty sửa chữa, thay thế bảng điều khiển thì… đâu nên nỗi.
Không thể đổ hết lỗi lên người đã khuất, bởi thực tế cho thấy các vụ TNLĐ gây chết người đều có nguyên nhân từ phía người sử dụng lao động. Cụ thể là trong thực hiện sản xuất, đội ngũ những người tham gia làm công tác quản lý của doanh nghiệp không giám sát chặt chẽ công tác ATLĐ; không đôn đốc, nhắc nhở, hướng dẫn NLĐ chấp hành đúng quy định về an toàn, vệ sinh lao động; để NLĐ vi phạm về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, quy phạm an toàn. Người đứng đầu doanh nghiệp chủ quan, không thường xuyên đôn đốc các bộ phận chức năng nghiêm túc hướng dẫn, yêu cầu bắt buộc NLĐ phải tuân thủ quy trình lao động an toàn. Hầu hết các doanh nghiệp để xảy ra tai nạn chết người chưa xây dựng được phương án làm việc an toàn. Nhiều doanh nghiệp chưa tổ chức huấn luyện, hoặc huấn luyện chưa đầy đủ về công tác làm việc an toàn cho NLĐ. Trong giờ làm việc, khi phát hiện NLĐ không sử dụng đầy đủ phương tiện bảo hộ lao động, chủ sử dụng lao động không nhắc nhở vì sợ ảnh hưởng tới năng suất lao động. Đặc biệt là việc để NLĐ sử dụng thiết bị không bảo đảm an toàn, không có thiết bị an toàn trong thực hiện thi công, thậm chí quy trình, nội quy ATLĐ của đơn vị cũng không được xây dựng.
Chỉ khi “mất bò”, nhiều các doanh nghiệp “mới lo làm chuồng”. Mới giật mình nhận ra một lý lẽ đơn giản: Giá như trước đó doanh nghiệp quan tâm hơn tới công tác ATLĐ; biết đầu tư các thiết bị an toàn tối thiểu cho NLĐ; yêu cầu NLĐ chấp hành nghiêm ngặt về ATLĐ; xây dựng được tác phong công nghiệp cho NLĐ, thì doanh nghiệp không phải nhãn tiền gánh chịu hậu quả về người và tài sản. Lớn hơn nữa là ảnh hưởng trực tiếp tới uy tín, thương hiệu của doanh nghiệp.