Đợt bùng phát thứ tư của dịch COVID-19 từ cuối tháng 4-2021 diễn biến phức tạp hơn các đợt trước đã tác động mạnh tới toàn xã hội, trong đó du lịch là một trong những lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề. Tuy nhiên, không bất lực trước cơn bão COVID-19, các cơ sở lưu trú và doanh nghiệp du lịch đang xoay sở vượt qua khó khăn và chủ động tự làm mới lại mình để sẵn sàng đón khách trong tình hình mới khi dịch bệnh được kiểm soát.
Thời điểm mùa hè là giai đoạn được ngành Du lịch, các doanh nghiệp lữ hành kỳ vọng ít nhiều vực dậy hoạt động sau giai đoạn khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Tuy nhiên, ngay đầu mùa hè năm nay, ngành Du lịch nói chung lại phải đối mặt với khó khăn hơn khi dịch COVID-19 lại lần thứ tư bùng phát trong cộng đồng. Do tính chất nguy hiểm của dịch, nhiều khu, điểm du lịch, các cơ sở lưu trú trong tỉnh đã phải đóng cửa từ ngày đầu tháng 5 vừa qua. Trong thời gian đóng cửa do dịch, các khu, điểm du lịch, cơ sở lưu trú đã tìm nhiều cách để ứng phó với khó khăn lâu dài.
Điểm du lịch sinh thái Phượng Hoàng (Võ Nhai) - một trong những điểm thường đón nhiều du khách trong dịp hè là một ví dụ. Ông Nông Văn Hồng, Phó Giám đốc Công ty TNHH Tiến Hoa - đơn vị đầu tư, quản lý và khai thác điểm du lịch này cho biết: Trong thời gian đóng cửa do dịch, chúng tôi đã tập trung chăm sóc khuôn viên, chăm bón cây xanh, hoàn thiện các hạng mục cơ sở vật chất, đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ cho nhân viên để chuẩn bị đón mùa du lịch mới và phục vụ khách một cách chu đáo nhất. Đến ngày 15-6, điểm du lịch được mở cửa trở lại đón những người khách đầu tiên. Do có thời gian chuẩn bị chu đáo, chúng tôi cũng thực hiện tốt phương án tổ chức phân luồng, đón tiếp khách tham quan, đảm bảo giãn cách an toàn khi tiếp xúc. Chúng tôi cũng chuẩn bị đầy đủ các trang thiết bị phục vụ công tác vệ sinh, khử khuẩn tại điểm du lịch; có biện pháp giám sát và nhắc nhở du khách chưa thực hiện đúng quy định...
Còn tại Khu bảo tồn Làng nhà sàn dân tộc sinh thái Thái Hải - một điểm du lịch tiêu biểu nhất của tỉnh về chất lượng phục vụ và tính độc đáo do ảnh hưởng của dịch bệnh cũng phải đóng cửa từ đầu tháng 5 tới nay. Bà Lý Thị Chiên, Phó Giám đốc Khu bảo tồn cho biết: Hiện tại, cư dân bản làng Thái Hải tập trung sản xuất nông nghiệp, làm thuốc Nam, làm chè, sản xuất nước tinh khiết để bù lại nguồn thu từ du lịch trải nghiệm, lưu trú. Bên cạnh đó, phát huy thế mạnh về ẩm thực, Khu bảo tồn cũng triển khai dịch vụ phục vụ đồ ăn tận nhà. Đối với những món ăn đã có thương hiệu tại Khu bảo tồn như: Lươn om niêu đất, xôi lá cẩm, nước lẩu từ bỗng rượu, khâu nhục... Khu bảo tồn nhận chuyển đến tận các gia đình có nhu cầu và miễn phí vận chuyển vào chiều thứ Hai và thứ Sáu. Bên cạnh đó, Khu cũng tập trung nâng cấp các phòng nghỉ chất lượng cao để phục vụ du khách tốt nhất khi dịch được khống chế an toàn.
Cùng với Điểm Du lịch sinh thái Phượng Hoàng, Khu bảo tồn Làng nhà sàn dân tộc sinh thái Thái Hải, gần 30 công ty kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh cũng đang xoay sở để khắc phục khó khăn, chủ động tự làm mới lại mình để sẵn sàng khi dịch bệnh được kiểm soát đón khách trong tình hình mới.
Ông Hoàng Văn Quý, Trưởng phòng Quản lý Du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: Thời gian qua, nhiều đơn vị du lịch đã có những giải pháp để “sống chung với dịch”, bảo đảm an toàn để đưa hoạt động du lịch trở lại trong tình hình mới mới. Hiện nay, một số khu, điểm du lịch đã được mở cửa đón khách du lịch với yêu cầu tiên quyết là bảo đảm an toàn phòng, chống dịch COVID-19. Theo đó, xác định dịch COVID-19 đang và sẽ tiếp tục diễn biến hết sức phức tạp, các cơ sở du lịch, chính quyền nơi có các khu, điểm du lịch, cơ sở lưu trú trên địa bàn tỉnh đã chấp hành nghiêm các quy định về phòng, chống dịch theo chỉ đạo. Các biện pháp phòng chống dịch hiện nay cũng được nâng lên ở mức cao hơn để bảo vệ sức khỏe cũng như an toàn cho người lao động và du khách. Đây cũng là cơ sở để ngành chức năng, chính quyền các địa phương từng bước triển khai các hoạt động truyền thông du lịch, đặc biệt truyền thông trên mạng xã hội và tăng cường ứng dụng công nghệ hiện đại vào công tác tuyên truyền, quảng bá du lịch an toàn. Đồng thời, huy động tối đa nguồn lực từ các địa phương và doanh nghiệp để duy trì và phát triển sản phẩm du lịch có chất lượng, đa dạng, mang đậm bản sắc văn hóa và có khả năng cạnh tranh; xây dựng các sản phẩm du lịch mới, sản phẩm bổ trợ... nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch. Từ đó, bảo đảm phát triển du lịch an toàn, thích ứng với tình hình mới nhằm thực hiện “mục tiêu kép”, vừa phòng, chống dịch vừa phát triển kinh tế - xã hội.