Trong các sự kiện những năm chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ trên quê hương Thái Nguyên, ngoài khúc tráng ca Đại đội Thanh niên xung phong 915 thì sự kiện máy bay Mỹ ném bom cầu Gia Bẩy ngày 17-10-1965 khiến nhiều người anh dũng hy sinh, trong đó có 2 đồng nghiệp của chúng tôi, có lẽ cũng cần nhắc nhớ với hậu thế. Tôi là người trong cuộc, đem tâm sự này kể với nhà báo Phan Hữu Minh và được anh động viên nên viết…
Ngày 25-8-1962, Đài Truyền thanh Thái Nguyên và Tờ tin Thái Nguyên “về chung một nhà” gọi là cơ quan đài, báo Thái Nguyên. Riêng phần Truyền thanh ra đời từ 2-9-1956, do Liên Xô giúp nên thuộc loại mạnh của các tỉnh miền Bắc lúc đó. Ngày 5-8-1964, Mỹ phát động chiến tranh phá hoại miền Bắc, Thái Nguyên là trọng điểm đánh phá, Đài trở thành phương tiện báo động phòng không số 1, sẵn sàng phát 24/24 giờ.
… Hôm ấy là Chủ nhật (17-10-1965), sau khi phát xong bản tin phục vụ bà con các dân tộc đi chợ, tôi ra khỏi phòng thu thì đã nghe tiếng máy bay gầm rú trên bầu trời. Tôi chạy vội xuống hầm, nơi để máy phát thanh và định gọi điện hỏi Ban phòng không tỉnh đội Bắc Thái xem là máy bay của ta đang tập luyện hay máy bay của địch thì đã nghe tiếng bom rung chuyển từ khu vực cầu Gia Bẩy.
Loạt bom rơi đầu tiên làm mất toàn bộ điện lưới của thành phố. Tôi vội gọi bác Lã Quốc Tự là Trưởng đài chạy máy nổ, ngay lúc đó, trần nhà đặt máy nổ bị sập rơi trúng đầu bác Tự. Mặc dù vậy, bác vẫn một tay ôm đầu, 1 tay quay ma-li-ven cho máy nổ hoạt động.
Có điện, tôi chạy xuống hầm bấm còi báo động và thông báo trên loa truyền thanh: “Máy bay địch đã bất ngờ xâm phạm vùng trời thành phố Thái Nguyên, các lực lượng vũ trang sẵn sàng chiến đấu, bà con nhân dân ai không có nhiệm vụ nhanh chóng xuống hầm trú ẩn”.
Lúc này, đồng chí Xuân Hè của Ban phòng không tỉnh đội Bắc Thái mới liên lạc được với Đài để thông báo tình hình chiến sự đang diễn ra tại khu vực cầu Gia Bẩy. Cụm loa truyền thanh tại khu Gia Bẩy bị bom Mỹ đánh tan. Bác Lã Quốc Tự phân công 2 người trực đường dây là đồng chí Vũ Văn Soái và Nguyễn Thừa Cơ mang loa cùng dây truyền thanh lên ngay khu vực cầu Gia Bẩy, nối lại đường dây và lắp thêm hai loa truyền thanh để kịp thời thông báo tình hình chiến đấu của các lực lượng vũ trang do Tỉnh đội Bắc Thái chuyển tới.
Khi đó, đồng chí Doanh Hằng, Chủ tịch Uỷ ban Hành chính tỉnh Bắc Thái đã sang Đài chỉ thị kêu gọi bà con không ai được xuống Sông Cầu vớt cá để phòng máy bay địch quay trở lại. Nhận chỉ thị tại chỗ của đồng chí Chủ tịch, tôi thông báo lên hệ thống loa thì bất ngờ máy bay địch đánh phá lần thứ 2.
Những người có mặt và sống sót tại trận địa pháo phòng không đồi Két Nước kể lại: Hai đồng chí Cơ và Soái đang treo loa trên cột điện đều bị bom phạt và hy sinh… Đó là mất mát to lớn và đầu tiên của cơ quan báo chí Thái Nguyên…
Ngoài chỉ thị của tỉnh, ngay tối 17-10-1965, nhận lệnh của Trung ương, Đài Thái Nguyên đã tháo dỡ toàn bộ máy móc, thiết bị sơ tán sang Hang Leo (Đồng Hỷ). Với tinh thần: Biến đau thương thành hành động cách mạng, cả đêm chúng tôi đã kéo đường dây qua sông, kết nối với cụm phi đơ trong thành phố để từ đó các tuyến đường dây truyền thanh hoạt động bình thường.
Đến 5 giờ sáng ngày 18-10-1965, toàn thành phố lại vang vang: “Đây là Đài Truyền thanh Bắc Thái… Mời đồng bào và các bạn nghe bản tin sáng nay có những nội dung chính sau đây: Vào lúc 9 giờ 45 phút ngày 17-10, giặc Mỹ đã gây tội ác vô cùng thảm khốc với đồng bào và chiến sĩ tỉnh nhà…”. Bản tin đặc biệt có đoạn: “Từ 9 giờ 45 phút đến 10 giờ 30 phút sáng 17-10-1965”, Mỹ đã huy động 29 lần chiếc máy bay, ném 116 quả bom, phóng nhiều rốc két xuống khu vực cầu Gia Bẩy. 80 người đã bị sát hại, 67 người bị thương, trong đó có 15 chiến sĩ Đại đội tự vệ Tiểu khu Hoàng Văn Thụ hy sinh, 17 chiến sĩ bị thương; 2 cán bộ của Đài truyền thanh Bắc Thái hy sinh…
56 năm rồi, nhưng chúng tôi, những người làm truyền thanh, phát thanh vẫn ghi nhớ ngày 17-10-1965 bi tráng, ngày mà Đài chúng tôi có hai liệt sĩ đã ngã xuống để cho dòng tin thông suốt. Giờ đây, ở phía hữu ngạn sông Cầu, ngay đầu cầu Gia Bẩy có một tượng đài nhỏ hình cờ Tổ quốc, ngoài hương án tưởng nhớ những người đã mất trong trận bom hôm đó, còn có một bia ghi danh các liệt sĩ đã hy sinh, nhưng chúng tôi chưa thấy tên liệt sĩ Nguyễn Thừa Cơ, liệt sĩ Vũ Văn Soái của lực lượng báo chí.
Nhân dịp này, chúng tôi mong rằng Hội Nhà báo tỉnh, Đài PTTH tỉnh tìm hiểu và đề nghị lập một bia ghi danh tại nơi hai đồng chí đã hy sinh. Đó là việc làm thiết thực tri ân các Anh hùng liệt sĩ đã hy sinh xương máu của mình để nghề báo luôn vinh quang, đất nước bình yên, tươi đẹp.