Để mạng xã hội là "vùng an toàn" cho giới trẻ

09:20, 08/08/2021

Ngày nay, việc sử dụng mạng xã hội (MXH) trên internet đã trở nên thông dụng ở nhiều lứa tuổi, nhất là giới trẻ. Không gian MXH mang lại nhiều giá trị tích cực nhưng cũng có không ít tác động tiêu cực với người sử dụng.

Sử dụng MXH thế nào để hữu ích cho bản thân, góp phần lan tỏa những điều tốt đẹp là một thách thức trong bối cảnh hiện nay.

Đối với giới trẻ, nền tảng MXH là nơi kết nối bạn bè, người thân, cập nhật tin tức nhưng cũng là nơi phát sinh nhiều vấn đề. Họ có thể nắm bắt thông tin một cách nhanh chóng và kịp thời nhờ vào sự phát triển ngày càng lớn mạnh của MXH. Tuy nhiên, MXH luôn có 2 mặt. Chẳng hạn, thông tin nhanh nhưng không đảm bảo tính chân thực, lan truyền rộng rãi sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực đến suy nghĩ và định hướng của nhiều người mà quan trọng là lớp trẻ đang trong quá trình phát triển, dần hoàn thiện nhân cách.

Anh Nguyễn Văn Thắng, Bí thư Thành đoàn Thái Nguyên cho rằng: Trước ảnh hưởng của những thông tin tiêu cực đầy rẫy trên MXH, các bạn trẻ cần phải chắt lọc và không nên nhìn từ một phía. Để không trở thành nạn nhân bất đắc dĩ, đoàn viên, thanh niên cần có trải nghiệm, hiểu biết.

Trên thực tế, trong những năm qua, các cấp bộ đoàn đã tận dụng những lợi thế của MXH để tuyên truyền tới đoàn viên, thanh niên các chủ trương, chính sách của Ðảng, Nhà nước, của tổ chức Đoàn - Hội - Đội; lan tỏa những thông điệp, chương trình hành động, tạo sự kết nối, đoàn kết tập hợp đoàn viên, thanh thiếu niên; đấu tranh phản bác quan điểm sai trái của các thế lực thù địch trên không gian mạng.

Đến nay, 100% tổ chức đoàn cơ sở đều có tài khoản facebook để kết nối với trang facebook của Tỉnh đoàn cũng như các tổ chức đoàn cấp trên để hình thành một mạng lưới thông tin rộng khắp và bao quát.

Nhờ đó, việc cung cấp, cập nhật, định hướng thông tin của Đoàn cũng như việc tiếp nhận thông tin của các bạn trẻ trở nên rất nhanh chóng, hiệu quả. Bên cạnh đó, đoàn các cấp cũng đã tổ chức nhiều diễn đàn, hội nghị tuyên truyền, định hướng cho đoàn viên, thanh niên cách thức sử dụng MXH, nhận diện thông tin sai trái, văn hóa ứng xử trên không gian mạng.

Sinh viên Trường Đại học Kinh tế và Quản trị kinh doanh Thái Nguyên tham gia Hội thi “Ánh sáng soi đường” bằng hình thức trực tuyến.

Nhiều cơ sở đoàn đã vận dụng để triển khai tốt các hoạt động, phong trào trong thanh thiếu nhi. Đơn cử như Đoàn xã Tràng Xá (Võ Nhai), nhờ kết nối qua MXH nên đã làm tốt công tác thu hút, tập hợp thanh. Những cách làm hay, ý tưởng sáng tạo trong sản xuất kinh doanh cũng được Đoàn xã thường xuyên, chia sẻ tới thanh niên địa phương qua không gian mạng. Chính cách thức này đã góp phần không nhỏ để toàn xã phát triển được hơn 30 mô hình kinh tế do thanh niên làm chủ có thu nhập khá.

Tuy nhiên, bên cạnh mặt tích cực, MXH có nhiều mặt trái khác cũng đang tác động không nhỏ đến giới trẻ, như lan truyền thông tin sai trái, văn hóa đồi trụy, câu like để bán hàng, làm người nổi tiếng…

Nhiều người dùng MXH thậm chí không cần đọc, không cần hiểu mà vẫn cứ share, bình luận, like theo số đông.

Để tạo điều kiện lành mạnh hóa MXH tại Việt Nam, mới đây, “Bộ quy tắc ứng xử trên MXH” được Bộ Thông tin- Truyền thông ban hành với mục đích đưa ra quy tắc ứng xử chung áp dụng cho tất cả các nhóm; tổ chức, cá nhân; cán bộ công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan Nhà nước; các nhà cung cấp dịch vụ MXH.

Đây là nỗ lực, tín hiệu tích cực từ phía cơ quan quản lý để góp phần làm trong sạch MXH.

Chị Nguyễn Mỹ Linh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh đoàn cho biết: Ngay từ khi Bộ Quy tắc ứng xử trên MXH được ban hành, Tỉnh đoàn đã chỉ đạo các cấp bộ đoàn đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền sâu rộng để cán bộ, đoàn viên, thanh niên nắm vững và triển khai thực hiện.

Đồng thời, dựa trên những nội dung của Bộ Quy tắc cũng như các văn bản hướng dẫn của cấp trên, tổ chức đoàn sẽ xây dựng, bổ sung, ban hành các quy chế, quy định về ứng xử, phát ngôn trên MXH một cách cụ thể, phù hợp. Từ đó giúp cán bộ, đoàn viên, hội viên nắm rõ các quy định, cẩn trọng và trách nhiệm hơn khi ứng xử trên MXH…