“Tuần rừng trong khu vực rừng đặc dụng Thần Sa gặp muôn vàn khó khăn bởi nơi đây có địa hình núi đá, độ dốc cao, nhiều thung sâu, khe hẹp lại dễ đụng phải rắn, rết, bọ cạp… Nhưng nguy hiểm nhất là phải đối mặt với các đối tượng xâm nhập rừng trái phép”. Trạm trưởng Hà Mậu Hiệp, Trạm Bảo vệ rừng (BVR) số 1, Ban Quản lý (BQL) Rừng đặc dụng, phòng hộ tỉnh chia sẻ với chúng tôi về những khó khăn mà các anh phải đối mặt để giữ vẹn toàn màu xanh của những cánh rừng Thần Sa.
Cùng các cán bộ của Trạm BVR số 1 xuyên rừng tuần tra, chúng tôi mới cảm nhận hết được những vất vả, gian nan trong công tác quản lý, bảo vệ rừng. Hành trình leo núi, vượt suối để đến đầu nguồn càng xa hơn khi cơ thể đã thấm mệt, vậy mà các anh vẫn đi bộ băng băng dưới tán rừng đại ngàn. Dù lưng áo ai cũng ướt đẫm mồ hôi, song câu chuyện của những người giữ rừng vẫn rôm rả. Gần 20 năm gắn bó với rừng, cùng anh em hành quân vượt núi cao, suối sâu, tuần tra khắp các cánh rừng, không thể kể hết những nơi anh Hiệp đã tới, những khó khăn, nguy hiểm mà anh đã trải qua.
Trong rừng đặc dụng Thần Sa vẫn giữ được những cây gỗ lớn, quý hiếm.
Vừa đi, anh vừa kể, Khu bảo tồn thiên nhiên Thần Sa – Phượng Hoàng có diện tích gần 20 nghìn ha rừng đặc dụng, trải rộng trên địa bàn 8 xã, thị trấn của huyện Võ Nhai. Nơi đây có hệ sinh thái tự nhiên với nhiều loài động, thực vật quý hiếm, là “miếng mồi béo bở” của các đối tượng xấu. Sinh sống xen kẹp và bao quanh rừng là hàng chục nghìn hộ đồng bào dân tộc thiểu số, trình độ dân trí, hiểu biết pháp luật hạn chế, cuộc sống phụ thuộc rất nhiều vào rừng như: Khai thác lâm sản, tận thu các sản phẩm từ rừng, phá rừng làm nương rẫy, khai thác gỗ làm nhà… nên rất dễ bị các đầu nậu lôi kéo phá rừng trái phép.
Mặt khác, khu vực này nằm giáp ranh với nhiều địa phương: Chợ Mới, Na Rì (Bắc Kạn); Bắc Sơn (Lạng Sơn); bao bọc các khu rừng là hệ thống giao thông ngày càng được nâng cấp, hoàn thiện tạo điều kiện thuận lợi cho thông thương hàng hóa nhưng cũng thuận lợi cho lâm tặc hoạt động.
Anh Nguyễn Văn Tuyên, Phó Giám đốc BQL rừng đặc dụng, phòng hộ tỉnh nói: Muốn giữ rừng thì điều cần thiết nhất chính là ý thức của các hộ dân trong Khu Bảo tồn, phải làm sao để họ có thu nhập từ rừng nhưng không xâm hại tài nguyên. Hàng năm, BQL đã phối hợp với chính quyền các địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục Luật Bảo vệ và Phát triển rừng đến nhân dân; tổ chức cho các hộ sống trong vùng lõi rừng ký cam kết không vi phạm các quy định về quản lý, bảo vệ rừng, phòng, chống cháy rừng; đặc biệt là ký hợp đồng giao khoán BVR cho các hộ gia đình, cộng đồng dân cư, thôn bản… Nhờ đó, cộng đồng dân cư và các hộ dân nhận giao khoán đã cùng lực lượng BVR chuyên trách tuần tra, ngăn chăn kịp thời tình trạng xâm phạm rừng trái phép.
Cán bộ Trạm Bảo vệ rừng số 1 triển khai các phương án bảo vệ rừng.
Anh Ma Văn Đô, Trưởng xóm Nghinh Tác, xã Sảng Mộc (Võ Nhai) chia sẻ: Ở Nghinh Tác, 100% hộ dân tham gia tổ BVR. Hàng tuần bà con phối hợp với lực lượng chuyên trách đi tuần rừng. Dưới tán rừng, chúng tôi được cán bộ hướng dẫn trồng, khai thác cây dược liệu cho thu nhập bền vững nên ai cũng phấn khởi.
Ở Trạm BVR số 1 có 3 chốt: Lân Xá, Lân Nghiền và Cao Biền. Gọi là chốt nhưng đây chỉ là những ngôi nhà gỗ nhỏ nằm sâu giữa rừng già được BQL rừng đặc dụng, phòng hộ tỉnh Thái Nguyên dựng tạm để các cán bộ sinh hoạt, làm nhiệm vụ. Trong đó, chốt Lân Xá nằm ở địa bàn khó khăn nhất. Từ nhà văn hóa xóm Thượng Lương, xã Nghinh Tường phải đi bộ mất gần 2 giờ đồng hồ, vượt qua 10km đường rừng mới tới chốt. Nơi đây được anh em gọi vui là chốt “lắm không”, không đường giao thông, không điện, không nước, không có sóng điện thoại và không có đồng bào sinh sống.
Anh Vũ Thế Phương, Trưởng chốt Lân Nghiền, Trạm BVR số 1 Thần Sa: “Ai cũng chịu cảnh xa nhà, cũng phải trải qua khó khăn, vất vả nên chúng tôi luôn đồng cảm, sẻ chia với nhau. Nhờ đó, anh em tìm thấy được niềm vui trong công việc, quyết tâm bám rừng và giữ rừng”. |
Tại đây được bố trí 3 cán bộ đảm bảo nhiệm vụ trực chốt, bảo vệ rừng 24/24 giờ. Anh Phạm Thế Việt, cán bộ mới luân chuyển được phân công làm nhiệm vụ tại chốt Lân Xá từ đầu tháng 4 kể: Khi ấy chưa quen đường, cũng chưa bao giờ đến ở nơi nào hẻo lánh như vậy, tôi phải đi bộ hơn 3 tiếng đồng mới đến nơi. Đêm đầu tiên ở lại chốt, khung cảnh rừng quạnh hiu, vắng vẻ, chỉ nghe tiếng côn trùng rả rích, nhớ nhà cũng chẳng thể gọi điện thoại, buồn đến nỗi chỉ muốn xách ba lô trở về. Nhưng rồi anh em động viên nhau, gắng gượng để bám nghề, bám rừng.
Còn tại chốt Lân Nghiền thuộc xóm Nà Lẹng, xã Nghinh Tường, Trưởng chốt Vũ Thế Phương mở lời: Chốt chỉ có vỏn vẹn 2 cán bộ làm nhiệm vụ bảo vệ hơn 600ha rừng đặc dụng. Hằng ngày, chúng tôi phối hợp cùng 6 hộ dân trong tổ quản lý, BVR đi tuần tra từ 7 giờ sáng đến 4 giờ chiều, anh em phải vượt cả chục km đường rừng, vai vác theo tư trang và lương thực để sống trong rừng vài ngày phòng trường hợp có mưa rững, lũ quét xảy ra không thể về chốt.
Trong ánh chiều tà, các cán bộ chuyên trách BVR tiếp tục rảo bước trên những con đường xuyên qua tán rừng Thần Sa. Chia tay những người làm nhiệm vụ “gác rừng”, chúng tôi ra về trong lòng đầy cảm phục trước những gian lao, vất vả của các anh. Chúng tôi hiểu rằng những cánh rừng đặc dụng Thần Sa được bảo vệ nghiêm ngặt, cảnh quan môi trường sinh thái được giữ vững, đó chính là những “trái ngọt” đền đáp cho những cố gắng, nỗ lực của các anh trong suốt hành trình đã qua.