Phú Đô là xã đầu tiên của huyện Phú Lương được Tổ chức Korea Food for Hungry International (KFHI), tổ chức phi chính phủ của Hàn Quốc tài trợ để thực hiện dự án “Chuyển đổi cộng đồng tập trung và trẻ em (CFCT) giai đoạn 2020-2029. Sau 2 năm triển khai, dự án có những đóng góp tích cực cho xã trong hỗ trợ giáo dục cho trẻ em và thúc đẩy phát triển cộng đồng.
Dự án CFCT có tổng kinh phí 900.000 USD, thực hiện trong vòng 10 năm, chia thành 2 giai đoạn (2020-2024 và 2025-2029), tập trung vào các lĩnh vực: Giáo dục, y tế, hỗ trợ sinh kế, bảo vệ môi trường...
Mục tiêu của dự án là cộng đồng được phát triển toàn diện và bền vững, lấy trẻ làm trung tâm. Cụ thể, người dân được chỉ đạo, hướng dẫn để tự giải quyết các vấn đề của mình dựa trên nguồn lực sẵn có; cha mẹ tham gia vào việc giáo dục con tại nhà từ khi còn nhỏ; trẻ em tự khám phá khả năng, thế mạnh sẵn có cũng như cách đạt được ước mơ của mình.
2 năm qua, Tổ chức KFHI cùng với các nhà trường trên địa bàn huyện Phú Lương đã thực hiện nhiều hoạt động chăm lo học sinh, đặc biệt là học sinh có hoàn cảnh khó khăn, yếu thế, cụ thể như: Tổ chức các chương trình, tặng quà và các đồ dùng học tập cho các em vào dịp đầu năm học và lễ, tết; khám sức khỏe định kỳ; phối hợp với phụ huynh tổ chức cho các em đi tham quan, trải nghiệm tại các điểm văn hóa, lịch sử trên địa bàn; tổ chức các lớp giáo dục kỹ năng sống; hỗ trợ xây, sửa công trình nước sạch, bếp ăn bán trú, khu vui chơi cho các em…
Đặc biệt, nhằm chia sẻ khó khăn với các em và nhà trường trong đại dịch COVID-19, Dự án đã mở các lớp học thêm để hỗ trợ kiến thức cho các em; hỗ trợ khẩu trang, bộ kist test nhanh, nước sát khuẩn cho các trường; hỗ trợ kinh phí cho học sinh là F0…
Trường Tiểu học Phú Đô 2 hiện có 211 học sinh, trong đó có 189 em được hỗ trợ trực tiếp từ Dự án, bao gồm học sinh là người dân tộc thiểu số, khuyết tật, hộ nghèo.
Thầy giáo Trần Văn Thái, Hiệu trưởng Nhà trường chia sẻ: Lần đầu tiên chúng tôi được đón một dự án với sự quan tâm, hỗ trợ học sinh toàn diện, đặc biệt là khơi dậy tính cách, nội lực của trẻ cũng như vai trò, trách nhiệm của phụ huynh như vậy. Các em không chỉ được tặng quà, hỗ trợ kiến thức do nghỉ học để chống dịch, mà còn được tham gia trải nghiệm nhiều hoạt động mới mẻ như: Làm thiệp chúc mừng, cảm ơn, vẽ tranh, chụp ảnh, sinh hoạt nhóm và những kỹ năng sống. Riêng học sinh khối lớp 5 được tham quan trải nghiệm tại Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam và vùng chè Tân Cương ở TP.Thái Nguyên…
Về cơ sở vật chất, Nhà trường được hỗ trợ lắp đặt hệ thống nước sạch, sửa lại bếp ăn bán trú với kinh phí gần 80 triệu đồng. Dự án còn tổ chức nhiều chuyên đề tập huấn cho giáo viên, nhất là phương pháp giáo dục lấy trẻ làm trung tâm; các kiến thức, kỹ năng chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ; ứng dụng công nghệ thông tin…
Sự hỗ trợ đó có ý nghĩa rất lớn, giúp Nhà trường khắc phục được những khó khăn trong dạy và học, tăng cường gắn kết, phối hợp giữa phụ huynh và giáo viên trong chăm sóc, giáo dục con trẻ.
Xóm Phú Nam 3 được hỗ trợ lắp đặt khu tập thể dục, thể thao tại Nhà văn hóa.
Ông Phạm Xuân Hưởng, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Đô cho biết: Xã có 1.500 hộ, 6.000 nhân khẩu, trong đó 60% là đồng bào dân tộc thiểu số. Vài năm trở lại đây, bằng các nguồn lực bên ngoài cũng như nỗ lực của cán bộ, người dân, diện mạo địa phương thay đổi đáng kể. Song, xã vẫn còn 1 xóm đặc biệt khó khăn, nhiều hộ sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, trình độ dân trí, thu nhập không đồng đều, tinh thần cộng đồng trong khu dân cư có nơi chưa cao. Dự án CFCT với mục tiêu chính là chuyển đổi cộng đồng, thông qua nhiều hoạt động hỗ trợ, cách làm khoa học đã mang đến “luồng gió mới” cho xã, nhất là trong thay đổi tư duy, nhận thức về tinh thần làm chủ, nuôi dạy con trẻ, bảo vệ môi trường, gắn kết cộng đồng.
2 năm qua, xã Phú Đô được hỗ trợ xây dựng 5 công trình nước sạch tại trụ sở xã và các nhà trường; xây mới, sửa chữa 2 bếp ăn bán trú, bàn ghế, rèm cửa cho các trường.
Người dân trong xã được Dự án hỗ trợ lắp đặt khu tập thể dục, làm đường bê tông, xây nhà vệ sinh, bể chứa nước; lắp đường điện chiếu sáng; tham gia các buổi tập huấn về kiến thức chăn nuôi, trồng trọt, giữ gìn vệ sinh môi trường, bình đẳng giới…
Trong tất cả hoạt động hỗ trợ dưới sự hướng dẫn sát sao của cán bộ Dự án, đối tượng hưởng lợi là người dân, phụ huynh học sinh, thầy cô giáo đều trực tiếp thảo luận, đề xuất, lập kế hoạch và đóng góp một phần công sức, kinh phí thực hiện. Bởi vậy, ai cũng cảm nhận và trân trọng sự quan tâm từ Dự án cũng như nhận thức rõ quyền làm chủ, trách nhiệm của mình, từ đó không ngừng nỗ lực hoàn thiện bản thân.