Khó khăn trong giải quyết chế độ cho nạn nhân chất độc da cam

06:46, 12/07/2022

Những năm qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách giải quyết chế độ cho người tham gia hoạt động kháng chiến (HĐKC) bị nhiễm chất độc hóa học và con đẻ của họ. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc khiến nhiều nạn nhân chất độc da cam (NNCĐDC) trên địa bàn tỉnh chưa được hưởng chế độ theo quy định.

Năm 1967, ông Trần Mai Tư (sinh năm 1945) hiện ở xóm Dưới, xã Văn Yên, huyện Đại Từ), tình nguyện nhập ngũ, biên chế tại Sư đoàn 3, Quân khu 5, tham gia chiến đấu tại các tỉnh Bình Định, Quảng Ngãi. Cuối năm 1977, ông xuất ngũ, được cử đi học văn hóa rồi về địa phương tham gia công tác xã hội. Sau hơn 9 năm trực tiếp tham gia chiến đấu, ông đã nhiều lần được Bộ Tư lệnh Quân khu 5 tặng Bằng khen, Giấy khen.

Do ảnh hưởng của chiến tranh, sức khỏe của ông ngày càng giảm sút, thường xuyên đau ốm. Cuối năm 2006, ông được Sở Lao động - Thương binh và Xã hội giới thiệu về Hội đồng Giám định y khoa tỉnh Thái Nguyên để giám định bệnh tật. Nhưng vì nhiều lý do, đến tận tháng 6/2009, ông mới được thực hiện giám định.

Theo đó, ông được kết luận bị nhiều loại bệnh, tật với tỷ lệ suy giảm khả năng lao động là 66%. Trong khi đó, từ năm 2006-2009, các văn bản, chế độ chính sách cho NNCĐDC đã thay đổi. Cụ thể, nếu chiếu theo Thông tư số 14/2004/TTLT-BLĐTBXH-BYT-BTC, kèm theo danh mục chất độc hóa học với 13 loại bệnh tật, ứng với 117 bệnh, tật, dị dạng và với tỷ lệ suy giảm khả năng lao động của ông Tư thì ông đủ điều kiện hưởng chế độ của NNCĐDC. Còn chiếu theo Quyết định số 09/2008/QĐ-BYT đang được triển khai như hiện nay với danh mục 17 bệnh, dị dạng thì ông lại không đủ điều kiện hưởng chế độ.

Ông Tư chỉ là một trong số hàng nghìn trường hợp đang bị vướng mắc về giải quyết chế độ chính sách cho NNCĐDC. Theo thống kê của Hội NNCĐDC/đioxin tỉnh, hiện toàn tỉnh còn khoảng 15 nghìn người bị ảnh hưởng chất độc hóa học, trong đó có gần 10.000 người được hưởng các chính sách trợ cấp từ Nhà nước và vẫn còn 4.590 nạn nhân chưa được hưởng chế độ.

Còn theo báo cáo (năm 2020) của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, toàn tỉnh đang quản lý và thực hiện chế độ ưu đãi cho 9.856 đối tượng NNCĐDC (trong đó, 8.445 nạn nhân trực tiếp và 1.411 con đẻ của họ). Riêng từ năm 2015 đến nay, toàn tỉnh đã giải quyết chế độ cho 398 đối tượng.

Theo ông Vũ Văn Mão, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội: Đến thời điểm này, tất cả các hồ sơ của người HĐKC và con đẻ của họ đủ điều kiện theo quy định đều được thẩm định, giám định, giải quyết chế độ kịp thời, không còn hồ sơ tồn đọng. Những trường hợp chưa đủ điều kiện hoặc vướng mắc do văn bản quy định đã được trả lời cụ thể. Tuy nhiên, việc giải quyết hồ sơ hưởng chế độ cho người HĐKC bị phơi nhiễm chất độc hóa học và con đẻ họ còn một số khó khăn, vướng mắc.

Cụ thể: Việc điều chỉnh về điều kiện hưởng chế độ từ 117 bệnh với 13 nhóm bệnh (theo Thông tư số 14/2004/TTLT-BLĐTBXH-BYT-BTC) xuống còn 17 bệnh (theo Thông tư số 20/2016/TT-BYT-BLĐTBXH) như hiện nay là một rào cản lớn với đối tượng trong tiếp cận chính sách ưu đãi của Nhà nước.

Việc bổ sung giấy tờ chứng minh vùng miền tham gia kháng chiến còn khó khăn do người HĐKC đều tuổi cao, sức yếu, trí nhớ giảm sút, giấy tờ bị thất lạc, đơn vị giải thể, không giải mã được phiên hiệu đơn vị quân đội… Chính sách cho các đối tượng này thay đổi liên tục, thiếu sự đồng bộ về điều kiện hưởng trợ cấp được quy định trong các văn bản của Nhà nước.

Để giải quyết chế độ chính sách cho các NNCĐDC, Hội NNCĐDC/đioxin Việt Nam cần có kiến nghị với Bộ Y tế, Bộ LĐTBXH xem xét, sửa đổi, bổ sung danh mục bệnh tật quy định tại Thông tư số 20/2016/TT-BYT-BLĐTBXH cho phù hợp với các quy định đã ban hành trước đây; sớm nghiên cứu ban hành chính sách hỗ trợ đối với thế hệ thứ ba của người HĐKC bị nhiễm chất độc hóa học…

Về nội dung này, ông Hoàng Đức, Chủ tịch Hội NNCĐDC/đioxin tỉnh cho biết: Hiện nay, Hội đang phối hợp với các đơn vị liên quan để tiếp tục điều tra, khảo sát số người tham gia HĐKC trước 30/4/1975 ở vùng quân đội Mỹ rải chất độc hóa học nhưng chưa được hưởng chế độ. Trên cơ sở đó báo cáo, kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung văn bản pháp luật, tháo gỡ khó khăn, bất cập hiện nay. Bản thân, gia đình người bị ảnh hưởng của chất độc da cam đa phần có cuộc sống khó khăn, thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo. Vì vậy, chúng tôi rất mong cơ quan chức năng tháo gỡ những tồn tại, vướng mắc, linh hoạt hơn trong quá trình xác nhận, thẩm định hồ sơ để NNCĐDC sớm được hưởng chế độ của Nhà nước.