Nhằm triển khai Nghị quyết số 06-NQ/TƯ ngày 24/1/2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TƯ, Bộ Xây dựng phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương và các bộ, ngành, địa phương sẽ tổ chức hội nghị đô thị toàn quốc năm 2022, với chủ đề "Quản lý và phát triển đô thị Việt Nam bền vững đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045". Dự kiến, hội nghị diễn ra trong tháng 11/2022.
Đến nay cả nước đã có 883 đô thị. |
Hướng đến hội nghị đô thị toàn quốc năm 2022, ngày 16-11, tại Hà Nội, Bộ Xây dựng phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương tổ chức 3 hội thảo chuyên đề: Nâng cao chất lượng quy hoạch đô thị, hướng tới phát triển bền vững; phát triển hệ thống hạ tầng về chỉnh trang tái thiết đô thị; cơ chế, chính sách quản lý phát triển đô thị Việt Nam.
Các hội thảo chuyên đề diễn ra song song, thu hút sự tham gia của chuyên gia lĩnh vực quy hoạch, quản lý và phát triển đô thị trong nước và quốc tế; đại diện các chính quyền đô thị; tổ chức, đơn vị tư vấn, đầu tư phát triển đô thị...
Theo Bộ Xây dựng, đến nay, cả nước có 883 đô thị, trong đó có 2 đô thị đặc biệt, 22 đô thị loại I, 33 đô thị loại II, 47 đô thị loại III, 93 đô thị loại IV phân bố tương đối đồng đều trong cả nước.
Tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng 41%, tăng hơn 5,3% so với năm 2015. Tỷ lệ hộ nghèo ở khu vực đô thị được giảm mạnh từ 6,9% (năm 2010) xuống 1,1% (năm 2021) theo chuẩn nghèo đa chiều.
Tăng trưởng kinh tế đô thị đạt 12-15%/năm. Kinh tế đô thị chuyển dịch theo hướng dịch vụ, công nghiệp - xây dựng, đóng góp khoảng 70% GDP của cả nước.
Tỷ lệ dân cư khu vực thành thị được cung cấp nước sạch qua hệ thống cấp nước tập trung khoảng 92%. Tỷ lệ thất thoát, thất thu nước sạch giảm còn 17,2%. Tổng lượng nước thải được thu gom khoảng 15%.
Đến tháng 10/2022, tỷ lệ phủ kín quy hoạch phân khu đô thị so với diện tích đất xây dựng tại các đô thị trên cả nước đạt khoảng 60%. Trong đó, 2 đô thị đặc biệt (Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh) và các đô thị loại I đạt khoảng 80%; tại các đô thị loại II, III, IV đạt khoảng 40-50%. Tỷ lệ phủ kín quy hoạch chi tiết đô thị đạt khoảng 39% so với diện tích đất xây dựng...
Đến tháng 10/2022, đã có 49/63 tỉnh, thành phố phê duyệt chương trình phát triển đô thị toàn tỉnh; 96 đô thị lập chương trình phát triển từng đô thị; có 17 tỉnh đã phê duyệt 62 khu vực phát triển đô thị.
Một số địa phương đã thành lập Ban quản lý khu vực phát triển đô thị tạo cơ sở thu hút đầu tư, tập trung nguồn lực phát triển đô thị, hạ tầng kỹ thuật và kiểm soát các dự án phát triển đô thị theo quy hoạch, kế hoạch.
Theo Hà Nội Mới
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin