Rộn ràng hội Xuân

Phạm Ngọc Chuẩn 09:23, 05/02/2023

Những ngày đầu năm Quý Mão 2023, tiết trời bừng nắng ấm, hơi Xuân lan tỏa cùng tiếng trống rộn rã như thúc gọi hội Xuân về. Trong hân hoan nắng mới, lòng cảm nhận lễ hội Xuân nay như đầm ấm, rộn ràng hơn. Bởi sau 3 năm tạm dừng tổ chức các hoạt động lễ hội để phòng chống dịch COVID-19, các lễ hội được mở lại giữa mong mỏi, khao khát từ lòng người.

Lễ hội Đình - đền - chùa Cầu Muối (Phú Bình). Ảnh: Mạnh Hùng
Lễ hội Đình - đền - chùa Cầu Muối (Phú Bình). Ảnh: Mạnh Hùng

Tân Xuân, trên quê hương Thái Nguyên có 133 lễ hội truyền thống. Một số Lễ hội tiêu biểu, thu hút đông đảo nhân dân, du khách thập phương và diễn ra sớm nhất phải kể đến Lễ hội Núi Văn, Núi Võ (Đại Từ) và Lễ hội Đình - đền - chùa Cầu Muối (Phú Bình) cùng được tổ chức vào ngày 4 tháng Giêng. Sang ngày 6 tháng Giêng, Lễ hội đền Đuổm (Phú Lương) được khai mở. Ngày 9 tháng Giêng Lễ hội Lồng Tồng (Định Hóa) chính thức khai cuộc.

Dọc các trục đường đầy trống dong, cở mở, nhắc nhớ quê hương Thái Nguyên gắn liền với dòng sử xanh đất nước, từng sinh, dưỡng bao hiền tài dân tộc. Nhiều người con của vùng đất “nửa đồng, nửa núi” Thái Nguyên đỗ đạt, trở thành danh nhân lịch sử, danh nhân văn hóa, như: Lý Nam Đế, Dương Tự Minh, Lưu Trung, Lưu Nhân Chú, Trình Hiển, Nguyễn Cấu, Đỗ Cận, Đàm Sâm, Đàm Chí… Vậy nên các thế hệ hậu sinh, lớp sau theo lệ trước thể hiện sự tôn kính bằng thực hành lễ hội gắn với nghi lễ, tín ngưỡng dân gian. Nghi lễ được cử hành trang nghiêm, thành kính và được nhân dân có di tích lưu truyền gìn giữ như một báu vật văn hóa tinh thần.

Là người Thái Nguyên, ai nấy ắp đầy niềm phấn chấn, tự hào khi dịp đầu Xuân toàn bộ 9 huyện, thành phố của tỉnh đều có lễ hội truyền thống phù hợp với nếp sống văn minh, phong tục, tập quán văn hóa tốt đẹp của dân tộc. Nhiều lễ hội thu hút hàng vạn lượt người đến dâng hương, vãn cảnh, tìm hiểu về nguồn gốc của lễ hội và các nhân vật được nhân dân thờ phụng, tôn vinh.

Bà Trần Thị Nhiện, Trưởng Phòng Quản lý Văn hoá (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch), chia sẻ: Các lễ hội đều phát huy được giá trị văn hoá vật thể, phi vật thể, góp phần bảo tồn có chọn lọc những phong tục tập quán tốt đẹp của dân tộc theo xu hướng lành mạnh, tiến bộ, tiết kiệm, phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của các tầng lớp nhân dân.

Liên quan đến lễ hội đầu Xuân, ông Lê Ngọc Linh, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cho biết: Nhằm bảo đảm cho một mùa lễ hội diễn ra an toàn, Sở có chỉ đạo tới các phòng, đơn vị trực thuộc thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, nắm bắt tình hình và có văn bản hướng dẫn các địa phương có lễ hội nghiêm túc trong công tác quản lý, tổ chức lễ hội; đồng thời chỉ đạo các ngành chức năng, địa phương thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý, tổ chức và thực hiện nếp sống văn minh trong hoạt động lễ hội; quản lý chặt chẽ các hoạt động tổ chức lễ hội, không tổ chức những trò chơi có nội dung kích động bạo lực, trái với truyền thống yêu hòa bình và nhân ái của dân tộc.

Lễ hội Lồng Tồng, Định Hóa. Ảnh: Mạnh Hùng
Lễ hội Lồng Tồng, Định Hóa. Ảnh: Mạnh Hùng

Qua thực tế tại Lễ hội Núi Văn, Núi Võ (Đại Từ); Lễ hội Đình - đền - chùa Cầu Muối; Lễ hội đền Đuổm và Lễ hội Lồng Tồng… đã diễn ra vào dịp đầu xuân Quý Mão 2023, chúng tôi ghi nhận không khí phấn chấn, tươi mới, lòng người hân hoan.

Các địa phương có lễ hội chủ động kiện toàn ban tổ chức; các hoạt động tuyên truyền, quảng bá lễ hội được tăng cường. Tại sân hội đền Đuổm, ông Trần Đình Bẩy, Chủ tịch UBND xã Động Đạt, tự hào nói: Từ Xuân nay, Di tích lịch sử đền Đuổm được số hóa, chính thức khởi động. Việc số hóa Di tích giúp nhân dân, du khách được trải nghiệm Lễ hội và “tham quan” trên không gian mạng, góp phần tuyên truyền, quảng bá về Di tích lịch sử đến bạn bè xa gần.

Do có sự chuẩn bị nghiêm túc, nên các lễ hội được tổ chức trang trọng, nghi lễ tôn nghiêm, thành kính, đúng quy định của pháp luật. Phần hội tạo được không khí vui tươi, khơi dậy và phát huy được nhiều nét đẹp văn hoá dân gian truyền thống của dân tộc.

Trong thời gian diễn ra lễ hội, các tổ đội tình nguyện vệ sinh môi trường, tham gia bảo vệ an ninh trật tự, hướng dẫn nhân dân, du khách tích cực hoạt động, hỗ trợ kịp thời cho những người có nhu cầu.

Hàng nghìn người viết lời cầu mong bình yên gửi lại bên sân chùa Hang, TP. Thái nguyên.
Hàng nghìn người viết lời cầu mong bình yên gửi lại bên sân chùa Hang, TP. Thái nguyên.

Khu vực diễn ra lễ hội được phân luồng, phân tuyến giao thông; bố trí bãi trông giữ ô tô, xe máy nên không xảy ra tình trạng ách tắc cục bộ, cản trở lưu thông của nhân dân, du khách tham gia lễ hội. Một số biểu hiện phản cảm, gây dư luận chưa tốt như cờ bạc trá hình; bốc lá sổ tử vi; xóc thẻ; bói toán; đổi tiền lẻ; khấn vái thuê; đốt nhiều đồ mã, đặt quá nhiều hòm công đức và đặt lễ; chèo kéo, tranh dành khách; ném bỏ rác không đúng nơi quy định; mở loa rao bán hàng với công suất lớn… được chấn chỉnh, khắc phục ngay. Các dịch vụ ẩm thực, bán hàng lưu niệm được niêm yết giá bán và bán theo giá niêm yết.

Hơn 100 lễ hội lớn, nhỏ trên địa bàn tỉnh liên tục được khai mở trong suốt mùa Xuân. Đến ngày 15/3 Âm lịch, Lễ hội đền Lục Giáp (TP. Phổ Yên) được tổ chức. Đây là Lễ hội mùa Xuân được tổ chức muộn nhất, song không kém phần trang trọng, rộn ràng… Mỗi lễ hội là dịp cho bao người gặp gỡ, sẻ chia, động viên nhau phấn chấn thi đua, hoàn thành tốt nhiệm vụ ngay từ những ngày đầu Xuân mới.