Tảo hôn và những câu chuyện buồn, Kỳ 2: Còn đó những nỗi đau

Huệ Dinh 09:38, 24/02/2023

Tảo hôn là vi phạm pháp luật, nhưng hệ lụy của tảo hôn mới là những câu chuyện nhức nhối khiến cho cái nghèo cứ đeo đẳng người dân từ đời này sang đời khác ở các bản, làng nơi rẻo cao. Đáng bận tâm hơn khi những đứa trẻ được sinh ra từ các ông bố, bà mẹ “trẻ con” luôn còi cọc, ốm yếu…

Phần mềm tiêm chủng mở rộng quốc gia giúp cán bộ y tế phường Tích Lương (TP. Thái Nguyên) cập nhật, phát hiện các trường hợp tảo hôn để kịp thời báo cáo với cấp trên và chính quyền địa phương.
Phần mềm tiêm chủng mở rộng quốc gia giúp cán bộ y tế phường Tích Lương (TP. Thái Nguyên) cập nhật, phát hiện các trường hợp tảo hôn để kịp thời báo cáo với cấp trên và chính quyền địa phương.

Tập quán lạc hậu “ăn sâu, bám rễ”

Ở các bản, làng vùng cao còn nhiều khó khăn của tỉnh giờ đã không còn tình trạng trẻ em mù chữ. Dẫu vậy, số người theo học hết bậc THPT, cao đẳng, đại học vẫn còn khá ít ỏi. Nhiều em khi mới học lớp 10, lớp 11 đã nghỉ học “theo chồng bỏ cuộc chơi”. Ít học nên nhận thức, hiểu biết về hôn nhân của các em cũng như các bậc mẹ cha ở những địa bàn vùng khó còn yếu kém. Đây cũng là lý do khiến cho người dân không có nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của vấn đề dân số và hiểu được rõ những hệ lụy có thể gặp phải trong tương lai.

Trao đổi cùng thầy giáo Chu Quang Tuấn, Hiệu trưởng Trường THPT Hoàng Quốc Việt (xã Tràng Xá, Võ Nhai), nơi có nhiều học sinh người dân tộc thiểu số như Mông, Dao, Nùng… theo học, chúng tôi được biết, Nhà trường rất quan tâm tuyên truyền về những lợi ích của việc học tập lên cao và hệ lụy của tảo hôn.

Thầy giáo Tuấn cho biết: Nhà trường luôn xác định học sinh là những mầm xanh tương lai của tỉnh nhà. Khi các em tập trung học tập, rèn luyện, có trình độ sẽ quay lại phục vụ quê hương. Vì thế, chúng tôi luôn tạo điều kiện để các em phấn đấu. Tuy nhiên, nhiều em đã nghỉ học giữa chừng. Không ít trường hợp sau khi nghỉ học một thời gian là xây dựng gia đình dù chưa đủ tuổi kết hôn.

Lý giải về tình trạng này, các thầy cô giáo và chính quyền địa phương đều cho rằng phong tục tập quán lạc hậu vẫn “ăn sâu, bám rễ” trong tiềm thức đồng bào dân tộc thiểu số. Do trình độ dân trí còn nhiều hạn chế nên bà con ở vùng cao coi việc lấy chồng, lấy vợ chỉ cần sự chấp thuận của “bề trên” chứ không bận tâm đến việc kết hôn sớm (tảo hôn) là vi phạm Luật Hôn nhân và Gia đình...

<p><em><span style="font-size:14pt"><span style="line-height:107%"><span style="font-family:&quot;Times New Roman&quot;,serif">"Tảo hôn đồng nghĩa với việc trẻ phải nghỉ học sớm. Tình trạng thất học cản trở các em phát huy tối đa nhân cách và trí tuệ".</span></span></span></em><br></p>

Thầy giáo Phạm Ngọc Thương, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Phú Lương:

"Tảo hôn đồng nghĩa với việc trẻ phải nghỉ học sớm. Tình trạng thất học cản trở các em phát huy tối đa nhân cách và trí tuệ".

Một trong những nguyên nhân khiến tình trạng tảo hôn vẫn “nóng” chính là sự ảnh hưởng của nền kinh tế thị trường. Sống trong thời đại “mở cửa”, được tiếp xúc với các nền tảng mạng xã hội, quan niệm của giới trẻ đã cởi mở hơn, không còn gò bó bởi quan niệm cổ hủ xưa. Đây chính là lý do để trẻ vị thành niên dễ dàng tạo dựng mối quan hệ yêu đương từ sớm, quan hệ tình dục không an toàn dẫn đến việc mang thai ngoài ý muốn và phải “cưới chạy” - chị Nguyễn Thị Giang, cán bộ chuyên trách về công tác dân số, KHHGĐ, Trạm Y tế phường Tích Lương (TP. Thái Nguyên), nói.

Minh chứng là trường hợp của em N.N.B.N, sinh tháng 5-2005, phường Tích Lương (TP. Thái Nguyên). Do yêu sớm, quan hệ tình dục không an toàn, em đã mang thai ngoài ý muốn và sinh con trai vào đầu năm 2022. Hiện, em sinh sống cùng gia đình chồng tại tổ 6, phường Tích Lương.

Tảo hôn là một vấn nạn, mang đến rất nhiều hệ lụy. Đáng báo động hơn khi không ít trẻ 14, 15 tuổi ở các bản, làng người Mông của tỉnh đã bước vào cuộc sống hôn nhân. Dẫu vậy, pháp luật nước ta vẫn còn chưa chặt chẽ trong việc quản lý đăng ký kết hôn; các chế tài chưa thật sự nghiêm khắc và không đủ sức răn đe. Bởi vậy, không ít trường hợp đã từng sẵn sàng nộp phạt để được chung sống bình thường với người khác. Xã vùng cao Dân Tiến (Võ Nhai) nhiều năm trước cũng đã xử lý hành chính đối tượng tảo hôn nhưng rồi “đâu vẫn đóng đấy” và trường hợp tảo hôn ngày càng có cách “né” chính quyền tinh vi hơn.

Bi kịch giữa đời thường

Tảo hôn chính là một trong những căn nguyên “thâm căn cố đế” dẫn đến đói nghèo, lạc hậu. Khi kết hôn ở tuổi còn rất nhỏ, trẻ chưa trưởng thành, chưa thể tự mưu sinh và xây dựng cuộc sống gia đình hạnh phúc. Không việc làm, thu nhập khiến cuộc sống của những cặp vợ chồng “trẻ con” trở nên ngột ngạt. Bi kịch trong hôn nhân đã xảy ra.

Anh Hầu Văn Thành, Bí thư Chi bộ, Trưởng bản người Mông Lân Vai, xã Dân Tiến (Võ Nhai), chia sẻ: Vì chưa biết làm ăn nên cuộc sống của bọn trẻ rất khó khăn. Chuyện đánh, chửi nhau ở những cặp đôi tảo hôn xảy ra như cơm bữa.

Cũng vì dựng xây cuộc sống gia đình khi tuổi đời còn quá trẻ, áp lực cuộc sống quá lớn nên ở Đồng Ươm, Tân Tiến, Dân Tiến (Võ Nhai), đã có trường tự vẫn. Đó là trường hợp của anh H.V.S và chị L.T.D. Do kết hôn quá sớm, bố mẹ lại nghèo túng nên sau khi về chung nhà, đôi vợ chồng này có cuộc sống vô cùng khó khăn. Chưa đầy 15 tuổi (năm 1998), chị D. đã sinh con đầu lòng. Cuộc sống càng thêm khó khăn khi anh chị sinh liên tiếp 5 đứa con nữa (con út sinh năm 2008).

Túng quẫn, hơn 10 năm trước, anh S. đã tự vẫn, để lại người vợ trẻ và đàn con thơ dại. Đáng buồn hơn cho lũ trẻ khi chỉ một thời gian ngắn sau, mẹ chúng có hạnh phúc mới nên đã theo chồng và để lại đàn con thơ tự chăm sóc nhau. Cuộc sống chật vật, ngôi nhà của lũ trẻ cũng do Nhà nước hỗ trợ xây dựng để chúng có nơi tránh mưa, nắng (cách nay 10 năm). Dù vậy, bi kịch chồng bi kịch khi đàn con cũng lần lượt xây dựng gia đình dù chưa đủ tuổi trưởng thành và đang có cuộc sống vô cùng thiếu thốn. Cũng bởi thế, cái nghèo cứ đeo đẳng mãi từ đời ông bà, bố mẹ cho đến các con.

Mỗi lần đến các bản, làng xa xôi còn nhiều khó khăn của tỉnh, chúng tôi không khỏi xót xa khi bắt gặp những sản phụ có khuôn mặt trẻ thơ, thân hình gầy gò, vóc dáng bé nhỏ.

Y sĩ Triệu Thị Lưu, Trạm Y tế xã Thần Sa (Võ Nhai): 

"Là người dân tộc Dao, lại tự học thêm tiếng Tày, Nùng... nên tôi khá thuận lợi khi đi tuyên truyền về Luật Hôn nhân và Gia đình. Tuy nhiên, đối với nhiều cán bộ y tế khác, việc tuyên truyền, vận động còn khó khăn do bất đồng ngôn ngữ vì nhiều người dân tộc thiểu số không biết nói tiếng phổ thông".

Bác sĩ CKII Hà Hải Bằng, Giám đốc Bệnh viện A Thái Nguyên, cho biết: Tảo hôn ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe của trẻ em gái dưới 15 tuổi. Nguy cơ tử vong do mang thai hoặc do quá trình sinh đẻ của lứa tuổi này cao hơn nhiều so với phụ nữ ở độ tuổi trên 20. Những em bé được sinh ra bởi bố mẹ chưa đủ tuổi còn có nguy cơ bị thiếu cân hoặc chết non.

Không những thế, do được sinh ra khi bố mẹ chưa đủ tuổi trưởng thành, kinh tế còn nhiều khó khăn nên đứa trẻ không được chăm sóc đầy đủ, thường bị suy dinh dưỡng, còi cọc, nguy cơ bị hạn chế về thể chất, nhất là chiều cao khi đến tuổi trưởng thành là rất lớn.

Anh Hoàng Văn Nhính, Trưởng bản người dân tộc Mông Na Sàng, Phú Đô (Phú Lương), cho hay: Trước đây do nhận thức còn nhiều hạn chế nên mình lấy vợ, sinh con khi mới 16 tuổi. Tuổi còn ít, chưa có kinh nghiêm chăm sóc trẻ nhỏ, cuộc sống lại thiếu thốn đủ bề nên con gái lớn của mình rất còi cọc. Nhờ được tuyên truyền, mình đã hiểu được những hệ lụy của tảo hôn. Vì thế, mình luôn tạo điều kiện cho các con được đi học và con gái (sinh 1995) đã trở thành bác sĩ đa khoa, còn con trai 24 tuổi mới kết hôn. Nếu được làm lại, mình sẽ không kết hôn sớm như vậy…

Từ thực tế có thể khẳng định, tình trạng tảo hôn xảy ra khiến khả năng kiếm sống hay đóng góp kinh tế cho gia đình của các cặp vợ chồng “trẻ con” thấp hơn. Điều này làm tăng tỷ lệ đói nghèo, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sự phát triển của xã hội. Nhất là khi dân số đang ngày càng gia tăng, tỷ lệ người thiếu hụt về thể chất và trí tuệ trở thành gánh nặng cho toàn xã hội.

(Còn nữa)