Các trường mầm non trên địa bàn huyện Định Hóa đã có nhiều cách làm sáng tạo nhằm tăng cường dạy tiếng Việt cho trẻ mầm non là người dân tộc thiểu số (DTTS). Bằng nhiều hoạt động thiết thực, các trường có HS là người DTTS đã tích cực xây dựng môi trường giao tiếp tiếng Việt, các hoạt động trải nghiệm, trò chơi học tập...
Thông qua hoạt động dạy học, giáo viên Trường Mầm non Phú Tiến tăng cường phát triển ngôn ngữ cho trẻ em người dân tộc thiểu số. |
Quan sát một giờ học của lớp mẫu giáo 5 tuổi Trường Mầm non Phú Tiến (Định Hóa), chúng tôi thấy cô giáo vừa hướng dẫn HS tham gia hoạt động vui chơi, vừa khích lệ HS phát biểu để các em có thêm kỹ năng giao tiếp bằng tiếng Việt. Từ những bộ lắp ghép mô hình nhà ở, bộ chữ cái màu sắc, hay những bộ dụng cụ nấu ăn, cô giáo giới thiệu để HS học cách nhận biết, tiếp cận với môi trường xung quanh một cách dễ dàng hơn.
Năm học 2022-2023, Trường Mầm non Phú Tiến có 9 nhóm lớp với tổng số 214 HS. Học sinh là người DTTS chiếm 91,6%. Học sinh ở độ tuổi nhà trẻ mới bắt đầu quá trình học nói và khi vào lớp 1, hầu hết các em đã nói chuyện lưu loát. Tuy nhiên, đối với trẻ em vùng DTTS, việc nói tiếng Việt tương đối hạn chế. Vì thế, việc tăng cường dạy tiếng Việt cho HS được Nhà trường đặc biệt quan tâm, tạo nền tảng giúp trẻ học tốt ở bậc học cao hơn.
Cô giáo Hoàng Thị Hồng Anh, Hiệu trưởng Trường Mầm non Phú Tiến, cho biết: Tỷ lệ huy động trẻ ở độ tuổi nhà trẻ của Trường năm nay được 41/124 cháu, bằng 33,3%. Tỷ lệ huy động này so với các trường trong khu vực không thấp, song Nhà trường vẫn kiên trì các giải pháp tuyên truyền, vận động để phụ huynh cho con em đi học sớm, tạo nền tảng tốt hơn khi các con vào lớp 1. Nhiều phụ huynh cho rằng trẻ ở nhà với ông bà là tốt nhất, thực tế so sánh cùng độ tuổi, cháu nào đến trường học sớm thì khả năng phát triển ngôn ngữ, sự tự tin tốt hơn rất nhiều. Nhà trường còn sử dụng linh hoạt các thiết bị điện tử, phần mềm, tài liệu, tranh ảnh, đồ dùng, đồ chơi để nâng cao hiệu quả dạy học tiếng Việt cho trẻ theo hướng tương tác “chơi mà học, học bằng chơi”.
Trường Mầm non Trung Lương là 1 trong 12 trường được Phòng Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) huyện Định Hóa chọn thực hiện đề án “Tăng cường tiếng Việt cho trẻ em mầm non, học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2021-2025”. Đây là điều kiện thuận lợi để Nhà trường có thể tổ chức nhiều hoạt động nhằm phát triển ngôn ngữ của trẻ.
“Năm học 2022-2023, Trường Mầm non Trung Lương có 213/260 HS, chiếm 81% là người DTTS. Học sinh là người DTTS nhưng nhiều cháu không biết tiếng DTTS. Bám sát vào kế hoạch của Phòng GDĐT, Nhà trường đã xây dựng kế hoạch theo chủ đề của từng tháng, chủ yếu tập trung cho trẻ mẫu giáo làm quen với chữ cái, luyện nói tròn vành, đủ chữ, câu. Nhà trường tổ chức nhiều hoạt động như lễ hội Xuân, ngày hội vui khỏe của bé… để các cháu tự tin tham gia, tăng cường khả năng giao tiếp. Đặc biệt, hằng năm Nhà trường còn tổ chức cho các cháu mẫu giáo 4-5 tuổi tham quan, làm quen với trường tiểu học - nơi các cháu sẽ học tập trong thời gian tới”- cô giáo Đặng Thị Chuyên, Hiệu trưởng Trường Mầm non Trung Lương, thông tin.
Đến trường mầm non, trẻ em được tham gia nhiều hoạt động bổ ích với lứa tuổi. |
Theo kế hoạch số 81 ngày 29/4/2022 của UBND tỉnh về thực hiện đề án “Tăng cường tiếng Việt cho trẻ em mầm non, học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2022-2025 trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên”, cấp học mầm non sẽ tập trung tăng cường dạy Tiếng Việt trên cơ sở tiếng mẹ đẻ của trẻ tại 41 trường thuộc 5 huyện: Võ Nhai, Phú Lương, Đồng Hỷ, Định Hóa và Phú Bình. Những trường mầm non nằm trong kế hoạch này sẽ được trang bị các bộ đồ dùng, đồ chơi, thiết bị dạy học, tài liệu hướng dẫn.
Trên cơ sở Đề án, Phòng GDĐT huyện Định Hóa đã chỉ đạo các trường đề ra giải pháp phù hợp để nâng cao chất lượng dạy học tiếng Việt. Đồng thời tích cực huy động sự hỗ trợ của cộng đồng, đảm bảo yêu cầu đủ ăn, đủ mặc, đủ sách vở cho các em HS DTTS khi đến trường. Trong giai đoạn 2022-2025, huyện Định Hóa có 12 trường mầm non với trên 2.500 trẻ được hỗ trợ thực hiện Đề án.
Bà Tô Thị Ninh, Phó Trưởng Phòng GDĐT huyện Định Hóa, thông tin: Toàn huyện có 23 trường mầm non, trên 80% HS là người DTTS. Vì vậy, trong quá trình chăm sóc, giáo dục trẻ, các trường mầm non luôn chú ý đến việc tăng cường tiếng Việt cho trẻ trong mọi hoạt động, đặc biệt là trong hoạt động phát triển ngôn ngữ. Không chỉ tăng cường dạy tiếng Việt cho trẻ DTTS mà còn duy trì, khôi phục, giữ gìn tiếng mẹ đẻ của trẻ…
Việc phát triển ngôn ngữ của trẻ mầm non người DTTS nhằm sẵn sàng cho trẻ trước khi vào lớp 1, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông vùng DTTS, thu hẹp khoảng cách về chất lượng giáo dục giữa các vùng miền trên địa bàn tỉnh.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin