Chuyện của một dũng sĩ diệt Mỹ

Phạm Ngọc Chuẩn 06:51, 17/04/2023

Đã sau gần 50 năm ngày đất nước thống nhất, nhưng cựu chiến binh Mùng Viết Hòa, tổ 4, phường Tân Thịnh (TP. Thái Nguyên), chưa bao giờ nguôi quên ký ức của một thời đạn lửa. Vào dịp 30-4 hằng năm, ông cùng các đồng đội thường ngồi bên ấm trà để ôn lại chuyện xưa. Chuyện về một thời “xẻ dọc Trường Sơn đi đánh Mỹ”.

Cựu chiến binh Mùng Viết Hòa (giữa) cùng vợ và cán bộ, hội viên Cựu chiến binh phường Tân Thịnh (TP. Thái Nguyên) ôn lại ký ức về một thời xẻ dọc Trường Sơn đi đánh Mỹ.
Cựu chiến binh Mùng Viết Hòa (giữa) cùng vợ và cán bộ, hội viên Cựu chiến binh phường Tân Thịnh (TP. Thái Nguyên) ôn lại ký ức về một thời xẻ dọc Trường Sơn đi đánh Mỹ.

Gia đình tôi có 4 thế hệ cùng chung sống. Tôi là Đại tá nghỉ hưu; vợ tôi, Thượng tá Nguyễn Thị Hồng, cũng đã nghỉ hưu. 2 con trai tôi: 1 theo binh nghiệp như cha mẹ, 1 làm giáo viên và đã lập gia đình. Hiện, cả nhà tôi có 10 nhân khẩu thì 6 người là đảng viên, 4 cháu nội còn nhỏ đều chăm ngoan…

Ông Hòa mở chuyện với chúng tôi bằng cách giới thiệu về gia đình mình. Một cách gợi chuyện thân thiện, tạo sự gần gũi và dần mở ra cánh cửa ký ức của một người lính từng được tặng danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ. Ông sinh ra ở xã Quyết Thắng (TP. Thái Nguyên), năm 1967 xung phong nhập ngũ, khi đó ông 17 tuổi, được biên chế vào Trung đoàn 246, huấn luyện quân sự tại Phú Xuyên (Đại Từ).

Sau 3 tháng thao trường là hơn 7 tháng ba lô trên lưng hành quân Nam tiến. Ông cùng đồng đội bắt đầu hành quân từ xã Phú Xuyên, qua đèo Nhe sang Vĩnh Phúc… vào Nam, toàn băng rừng, tắt núi trên những con đường mòn, càng vào đến gần mặt trận, ông và đồng đội càng hăm hở khí thế.

Ông kể: Đường hành quân vui như mở hội, cánh thương binh, bệnh binh từ mặt trận trở ra nói khích: Vào nhanh, kẻo chậm chân là… đi nhặt ca tút cho đơn vị bạn. Hăng hái lắm, những tưởng ta giải phóng đến nơi rồi. Tháng 4-1968, chúng tôi tập kết tại một vùng rừng núi của tỉnh Bình Định. Nghe cấp trên phổ biến tình hình mặt trận, chúng tôi mới chính xác chiến tuyến này còn nhiều gian khổ, ác liệt. Bởi dư âm của Chiến dịch Mậu Thân giống nhát dao chí mạng làm địch đau đớn, lồng lộn tổ chức nhiều cuộc đánh càn, đánh lấn hòng phá thế “da báo”, mở rộng vùng chiếm đóng. Gần như ngày nào ta và địch cũng “đì đẹt giao lưu” bằng súng đạn.

Ông có nhớ mình trực tiếp đánh bao nhiêu trận không? - tôi hỏi. Ông trả lời ngay: Nhớ sao được, cứ gặp địch là tổ chức đánh chớp nhoáng, rồi rút sâu vào rừng để bảo toàn lực lượng... Dừng lời giây lát như để lục tìm ký ức, ông à lên thành tiếng: Phải rồi, bấy giờ bọn Mỹ lết (Mỹ lết là tên do bộ đội, du kích địa phương gọi), chúng sử dụng đội quân thiện nghệ nhà nghề đi lùng sục, chúng có hỏa lực mạnh từ máy bay yểm trợ, gây tổn thất lớn cho bộ đội. Đến giữa năm 1970, đơn vị chúng tôi đóng quân trong rừng Phùng Mỹ và Phùng Cát. Do hậu phương không tiếp tế kịp thời nên lực lượng chủ lực rút về hậu cứ. Trung đội do tôi chỉ huy nhận nhiệm vụ chốt chặn địch tại dải núi độc lập.

Hôm ấy, máy bay Mỹ thực hiện nhiều cuộc ném bom “dọn dẹp” trên khu vực đỉnh núi, chúng tôi nhận định: Sau loạt bom hạng nặng là đến lượt máy bay trực thăng rà rà mặt đất và bắn phá tất cả các vị trí nghi vấn, rồi mới đổ quân từ máy bay xuống. Toàn Trung đội kịp rút xuống sườn núi, bố trí trận địa bằng loại mìn chiến lợi phẩm chúng tôi gom được của Mỹ. Quả nhiên chỉ ít phút sau, một chiếc máy bay trực thăng đậu xuống đỉnh núi cho Trung đội lĩnh Mỹ thiện chiến với trang bị vũ khí hạng nặng đổ bộ. Chúng ngông nghênh tiến sâu vào trận địa mìn. Tôi lệnh khai hỏa, cả một khu rừng ầm vang tiếng mìn đạn cùng tiếng kêu thất thanh đau đớn của bọn Mỹ lết.

Ngay lập tức máy bay trực thăng Mỹ trở lại cứu viện, chúng trà sát ngay trên đầu nhưng không phát hiện được trận địa thứ hai của chúng tôi đã giăng sẵn đợi bọn Mỹ lết. Thấy im ắng, máy bay trực thăng địch bắn mấy loạt đạn vu vơ rồi bỏ đi. Bọn Mỹ lết tiếp tục tổ chức càn từ phía đỉnh núi xuống. Lần nữa bị khai hỏa khiến đội hình chúng rối loạn, kéo xác nhau gọi trực thăng “hốt” về cứ. Trận địa được giữ vững. Trung đội được cấp trên khen thưởng, bản thân tôi được tặng danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ…

Kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược, ông trực tiếp cùng đơn vị tham gia nhiều trận đánh ghi vào lịch sử, như trận đánh ở đường 19, cô lập Tây Nguyên; tiến quân vào giải phóng Phan Rang, rồi Bà Rịa - Vũng Tàu. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải  phóng, ông tiếp tục phục vụ trong Quân đội đến tháng 7-2002 thì nghỉ hưu với cấp bậc Đại tá. Nhưng chưa nghỉ việc, nhân dân nơi cư trú tiếp tục bầu ông làm Tổ trưởng tổ dân phố, Chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh, Chi hội trưởng Chi hội Người cao tuổi đến năm 2017 mới nghỉ ở nhà vì lý do sức khỏe.

Ở vị trí công việc nào ông cũng hoàn thành tốt nhiệm vụ, được nhân dân tin, mến. Ông chia sẻ: Hơn 30 năm phục vụ trong quân ngũ; 15 năm làm các chức việc tại tổ dân phố, tôi luôn tự răn mình sống gương mẫu để con, cháu không hổ thẹn vì cha mẹ, ông bà. Khuyên nhủ con, cháu biết vươn lên trong học tập, lao động, phấn đấu làm một công dân tốt và để được cống hiến sức mình cho xã hội.