Báo chí ứng dụng trí tuệ nhân tạo và những vấn đề đặt ra

Nguyên Ngọc 15:46, 21/06/2023

“Ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong hoạt động báo chí đang ngày càng phổ biến và trở thành xu thế tất yếu của các tòa soạn trên thế giới cũng như ở Việt Nam. Tuy nhiên, việc sử dụng AI trong báo chí cũng đặt ra nhiều vấn đề pháp lý cần được giải quyết...” - Đây là đoạn sapo của một bài báo do AI tạo ra khi chúng tôi sử dụng ứng dụng ChatGPT để yêu cầu nó viết một bài báo với chủ đề: Báo chí ứng dụng trí tuệ nhân tạo và những vấn đề pháp lý. Chúng tôi xin phép sử dụng chính đoạn sapo này để mở đầu cho bài bài viết của mình.

Hiện nay, trí tuệ nhân tạo đang được ứng dụng rất nhiều trong hoạt động báo chí, trong đó có việc viết tin, bài tự động (báo chí robot).
Hiện nay, trí tuệ nhân tạo đang được ứng dụng rất nhiều trong hoạt động báo chí, trong đó có việc viết tin, bài tự động (báo chí robot).

Khi AI làm “nhà báo”

Hiện nay, AI đã và đang được sử dụng rộng rãi tại nhiều tòa soạn trên thế giới, từ các cơ quan báo chí lớn của Mỹ, các nước châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc cho đến các quốc gia đang phát triển như Brazil, Argentina, Việt Nam... AI được sử dụng rất nhiều trong hoạt động báo chí, từ việc phát hiện tin nóng, thẩm định thông tin đến tương tác với độc giả, kiểm duyệt comment, sản xuất video, thậm chí cả viết tin, bài tự động (báo chí robot).

Từ giữa năm 2016, báo Washington Post (Mỹ) đã tung ra ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo Heliograf để tạo ra các bản tin do robot viết. Công nghệ trí tuệ nhân tạo đã giúp tờ báo này mỗi ngày sản xuất được khoảng 350 bản tin ngắn và các thông báo khẩn về Thế vận hội ở Rio de Janeiro (Brazil) và hàng trăm bản tin về các cuộc chạy đua vào quốc hội và thống đốc bang. Sau khi sử dụng Heliograf, tờ báo này đã tạo ra số tin, bài nhiều hơn gấp gần 7 lần so với trước đó.

Tại Việt Nam, vào giữa tháng 2-2023, Đài Truyền hình TP. Hồ Chí Minh (HTV9) đã sử dụng AI để viết nội dung kịch bản cho một phóng sự phát sóng trên chương trình CafeTek - Cuộc sống tương lai. AI đã đề xuất 5 phần chính trong kịch bản và tự viết hơn 500 chữ ở mỗi phần. Thậm chí nó còn đề xuất các nhân vật cụ thể để biên tập viên thực hiện phỏng vấn…

Không thể phủ nhận, việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo đang hỗ trợ báo chí theo cách thức chưa từng có. Nó không chỉ giúp tăng tốc độ sản xuất nội dung, cải thiện chất lượng mà còn giúp nhà báo giảm thiểu thời gian, chi phí và sức lao động. Tuy nhiên, việc sử dụng AI trong báo chí cũng đặt ra nhiều thách thức pháp lý cần được giải quyết.

Ngày 8/7/2021, Báo Lao Động là cơ quan báo chí đầu tiên ở Việt Nam cho ra mắt một bản tin truyền hình sử dụng biên tập viên ảo được sản xuất tự động bằng công nghệ trí tuệ nhân tạo dựa trên hệ thống LDO-AI.
Ngày 8/7/2021, Báo Lao Động là cơ quan báo chí đầu tiên ở Việt Nam cho ra mắt một bản tin truyền hình sử dụng biên tập viên ảo được sản xuất tự động bằng công nghệ trí tuệ nhân tạo dựa trên hệ thống LDO-AI.

Nỗi lo về nạn tin giả, bản quyền và đạo đức báo chí…

Với sự phát triển của trí tuệ nhân tạo, các phần mềm AI có thể tạo ra một lượng tài nguyên khổng lồ bao gồm chữ, hình ảnh và video một cách cực kỳ nhanh chóng. Các nội dung báo chí do AI tạo ra không có sự tham gia của con người, dẫn đến việc có thể có lỗi trong thông tin hoặc các thông tin sai lệch, giả mạo, xuyên tạc…

Mặt khác, thông qua các ứng dụng AI như ChatGPT, một người bình thường không cần có chuyên môn, nghiệp vụ báo chí cũng có thể tạo ra vô số bản tin giả với tốc độ lan truyền khủng khiếp chỉ với những câu lệnh rất đơn giản.

Tuy nhiên, việc AI có thể tạo ra thông tin sai lệch không phải là mối lo ngại duy nhất. Vấn đề về trách nhiệm pháp lý và đạo đức báo chí khi AI được sử dụng để tạo ra các nội dung báo chí sai sót hay vi phạm pháp luật mới là điều đáng ngại…

Hồi tháng 4/2021, tờ The Guardian (Anh) đã đưa ra một bài báo sử dụng AI để viết tự động, tuy nhiên, nội dung của bài báo này đã bị phát hiện chứa nhiều lỗi và sai sót. Điều này cho thấy việc sử dụng AI để viết báo có thể gây ra những rủi ro pháp lý nếu không được quản lý một cách nghiêm ngặt.

Bên cạnh đó, mặc dù rất siêu việt trong việc thu thập và xử lý dữ liệu, nhưng AI thiếu sắc thái xã hội, thiếu cảm xúc và khả năng tương tác với con người của một nhà báo bằng xương bằng thịt. Vì vậy, nếu không có sự can thiệp của con người, những nội dung do AI tạo ra sẽ không đáp ứng được các tiêu chuẩn về đạo đức báo chí.  

Các nhà báo đến từ nhiều cơ quan báo chí trong cả nước trao đổi về ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong sản xuất báo chí tại lớp tập huấn nghiệp vụ do Hội Nhà báo Việt nam tổ chức vào tháng 5/2023.
Các nhà báo đến từ nhiều cơ quan báo chí trong cả nước trao đổi về ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong sản xuất báo chí tại lớp tập huấn nghiệp vụ do Hội Nhà báo Việt nam tổ chức vào tháng 5/2023.

Ngoài ra, việc sử dụng AI trong báo chí cũng đặt ra vấn đề pháp lý về bản quyền và sở hữu trí tuệ. Khi các tòa soạn sử dụng AI để sản xuất nội dung thì ai sở hữu tài sản trí tuệ và các quyền phát hành nội dung? Cơ quan báo chí ra lệnh cho nền tảng AI hay là chính nền tảng AI đó? Vấn đề này hiện nay vẫn còn đang tranh cãi. Tuy nhiên, dù cho bản quyền sở hữu trí tuệ thuộc về ai thì các tòa soạn cũng phải sẵn sàng chịu trách nhiệm về mọi nội dung do AI khởi tạo mà họ xuất bản, gồm cả khả năng nội dung bị coi là bôi nhọ hoặc sai lệch.

Mặt khác, nguy cơ lớn nhất đối với các tòa soạn khi xuất bản các tác phẩm do AI tạo ra là việc tình cờ xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của bên thứ ba. Các tòa soạn phải chấp nhận một thực tế rằng những nội dung “có vẻ gốc” do AI tạo ra có thể chịu ảnh hưởng rất nhiều, hoặc bị sao chép trực tiếp từ các nguồn của bên thứ ba mà không được phép.

Một vấn đề đáng quan tâm khác khi ứng dụng AI trong báo chí là việc bảo vệ dữ liệu cá nhân. AI có thể thu thập và xử lý rất nhiều thông tin cá nhân, đặc biệt là khi được sử dụng để phân tích và tổng hợp tin tức từ nguồn mạng xã hội…

Có thể nói, trong bối cảnh hành lang pháp lý cho nền báo chí số của Việt Nam còn chưa theo kịp thực tiễn, những rắc rối pháp lý, sự đe dọa an ninh truyền thông, các vụ việc vi phạm bản quyền và các tranh cãi về đạo đức báo chí, trách nhiệm xã hội của báo chí khi ứng dụng trí tuệ nhân tạo… đang là những thách thức lớn ở thời điểm hiện tại cũng như trong tương lai.