Chính sách về nhà ở xã hội cần có mục tiêu và định hướng rõ ràng hơn

Theo nhandan.vn 16:20, 19/06/2023

Để nhà ở xã hội phục vụ đúng đối tượng, phản ánh đúng ý nghĩa nhân văn, đại biểu Quốc hội cho rằng cần tập trung vào mục tiêu cốt yếu của phát triển nhà ở xã hội là đáp ứng nhu cầu có nơi ở phù hợp cho người dân, không phải là đáp ứng nhu cầu sở hữu nhà ở.

Quang cảnh phiên họp của Quốc hội ngày 19/6.
Quang cảnh phiên họp của Quốc hội ngày 19/6.

Kiến nghị quy định nhà ở xã hội chỉ dành cho thuê

Ngày 19/6, thảo luận ở hội trường Quốc hội về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Văn Hiển (Lâm Đồng) cho rằng, chính sách về nhà ở xã hội là một trong 8 nhóm chính sách quan trọng trong lần sửa đổi luật lần này. Tuy nhiên, qua nghiên cứu, đại biểu nhận thấy chính sách này được thể hiện trong dự thảo chưa thực sự trúng và xử lý đúng vướng mắc từ thực tiễn.

Theo đó, chính sách trong dự thảo đang đi theo hướng cố gắng bảo đảm cho người có thu nhập thấp và đối tượng chính sách được hưởng sở hữu nhà ở xã hội thay vì bảo đảm cho người dân có quyền có chỗ ở hợp pháp.

Theo đại biểu, thực tế người có thu nhập thấp, nhất là tại các đô thị, chủ yếu là công nhân, người mới đi làm có thu nhập thấp hơn mức trung bình, trong khi nhà ở là tài sản quá lớn, quá sức đối với đại bộ phận người có thu nhập thấp nên việc mua, sở hữu một căn hộ dù là nhà ở xã hội trả góp cũng là gánh nặng tài chính quá lớn.

Do vậy, nếu gắn mục tiêu này sẽ dẫn đến hệ quả là người dân sẽ khai man các điều kiện như thu nhập, diện tích để hưởng lợi từ việc mua nhà ở xã hội với giá thấp, hoặc người có tiền mượn tên công nhân để đăng ký mua dẫn đến hiện tượng đầu cơ, làm cho nhà ở xã hội không phục vụ đúng đối tượng, mất đi ý nghĩa.

Ngoài ra, dự thảo cũng không tách bạch giữa chính sách phát triển nhà ở xã hội với chính sách quản lý, vận hành nhà ở xã hội, quá chú trọng đến ưu đãi dành cho bên cung (tức các nhà đầu tư) hơn là những ưu đãi dành cho bên cầu (những người có thu nhập thấp).

Hệ quả của chính sách trên dẫn đến việc chủ đầu tư thường lựa chọn phân khúc dễ làm hơn là đầu tư phát triển nhà ở xã hội để bán và thu hồi vốn nhanh hơn, ít chủ đầu tư quan tâm đến phân khúc quản lý, vận hành nhà ở xã hội, cho thuê nhà ở xã hội, vì phân khúc này thường rất khó làm và thu hồi vốn chậm.

Đại biểu Nguyễn Văn Hiển (Lâm Đồng) phát biểu.
Đại biểu Nguyễn Văn Hiển (Lâm Đồng) phát biểu.

Do vậy, đại biểu Nguyễn Văn Hiển đề nghị chính sách về nhà ở xã hội cần hướng tới các mục tiêu rõ ràng và khả thi hơn, cụ thể cần tập trung vào mục tiêu cốt yếu của phát triển nhà ở xã hội đáp ứng nhu cầu có nơi ở phù hợp cho người dân, không phải là đáp ứng nhu cầu sở hữu nhà ở.

Chính sách về nhà ở xã hội cần hướng tới các mục tiêu rõ ràng và khả thi hơn, cụ thể cần tập trung vào mục tiêu cốt yếu của phát triển nhà ở xã hội đáp ứng nhu cầu có nơi ở phù hợp cho người dân, không phải là đáp ứng nhu cầu sở hữu nhà ở.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Hiển (Lâm Đồng)

Với định hướng đó, nhà ở xã hội phải được điều chỉnh theo hướng tăng nhà ở cho thuê, nguồn hỗ trợ của ngân sách nhà nước được phân chia phù hợp cho cả 3 bên: Chủ đầu tư, cơ quan quản lý vận hành và người dân.

Bên cạnh đó, cần tách bạch giữa chính sách phát triển nhà ở xã hội với chính sách quản lý vận hành xã hội, tách bạch giữa đầu tư nhà giá rẻ để bán, để thuê mua với đầu tư nhà ở xã hội để cho thuê.

Cùng với đó, chính sách của Nhà nước cần đặt mục tiêu, lộ trình rất cụ thể để có một số lượng nhà ở xã hội đủ lớn để đáp ứng nhu cầu của người dân. Đồng thời, nên sửa đổi lại khái niệm về nhà ở xã hội trong dự thảo luật. Theo đó, nhà ở xã hội chỉ áp dụng hình thức cho thuê, không phải quy định là hình thức mua, cho thuê mua.

Đại biểu cho rằng, nếu quy định nhà ở xã hội chỉ dành cho thuê như kinh nghiệm của các nước sẽ không xảy ra tình trạng người có thu nhập cao tranh mua, thuê nhà ở xã hội với người có thu nhập thấp, không tạo ra sự bất bình đẳng xã hội.

“Nên chăng có quy định tách riêng về nhà giá rẻ với nhà ở xã hội sẽ hợp lý, vì nhà giá rẻ có thể mua và cho thuê và bản chất là nhà thương mại, quan hệ xã hội thì chỉ nên để cho thuê. Có như vậy thì người dân, nhất là người có thu nhập thấp ở đô thị mới có hy vọng được tiếp cận, nhà ở xã hội”, đại biểu Nguyễn Văn Hiển nhấn mạnh.

Cần quy định rõ ràng chính sách nhà ở xã hội cho công nhân lao động

Phát biểu ý kiến tại hội trường, đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân (Bình Dương) cho biết, hiện nay số công nhân ngoại tỉnh làm việc tại các khu công nghiệp tập trung trên cả nước chưa có nhà phải ở nhà thuê còn khá lớn. Riêng tại Bình Dương, mặc dù là tỉnh phát triển nhà ở xã hội thuộc diện tốt nhất cả nước nhưng số công nhân lao động chưa có nhà ở, phải thuê nhà ở trọ chiếm trên 60%.

Trong chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đặt mục tiêu phấn đấu giai đoạn 2016-2020 thực hiện đầu tư xây dựng tối thiểu khoảng 12,5 triệu m2 nhà ở xã hội tại khu đô thị.

Tuy nhiên, nội dung này hiện chưa đạt so với mục tiêu đề ra đã quá 3 năm, nhưng theo thông tin từ Bộ trưởng Xây dựng trong phiên trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 4, con số này chỉ đạt 7,9 triệu m2, tương đương khoảng 63,2%.

Khi Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương tiến hành lấy ý kiến các doanh nghiệp trên địa bàn về dự thảo Luật Nhà ở thì đa phần đều cho rằng chính sách thu hút đối với nhà ở xã hội hiện nay chưa đạt và không có gì đặc biệt để thu hút các doanh nghiệp đầu tư xây dựng.

Do vậy, đại biểu cho rằng việc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tham gia đầu tư phát triển nhà ở xã hội cho công nhân lao động là hoàn toàn phù hợp với chức năng, nhiệm vụ theo quy định của Hiến pháp và Luật Công đoàn.

Hiện nay, dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) đã quy định tại Khoản 3, Điều 77 là Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam được tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, đồng thời là chủ thể đầu tư xây dựng nhà lưu trú cho công nhân và các thiết chế công đoàn tại khu công nghiệp theo hướng Tổng Liên đoàn chủ trì, phối hợp với doanh nghiệp kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp hoặc doanh nghiệp có chức năng kinh doanh bất động sản để đầu tư xây dựng nhà lưu trú công nhân và các công trình phục vụ nhu cầu nhà ở công nhân.

Đại biểu cho rằng, nội dung này mới được quy định trong dự thảo Luật nên còn khá nhiều vấn đề cần phải quy định rõ ràng, thống nhất hơn.

Bổ sung chính sách hỗ trợ phát triển nhà ở cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

Đại biểu Trần Thị Hồng Thanh (Ninh Bình) phát biểu.
Đại biểu Trần Thị Hồng Thanh (Ninh Bình) phát biểu.

Góp ý về Chính sách hỗ trợ phát triển nhà ở quy định tại Điều 6 của dự thảo Luật, đại biểu Trần Thị Hồng Thanh (Ninh Bình) đề nghị, ngoài 7 nhóm chính sách phát triển và quản lý sử dụng nhà quy định như dự thảo, cơ quan soạn thảo nghiên cứu quyết định bổ sung thêm chính sách hỗ trợ phát triển nhà ở cho đồng bào dân tộc thiểu số miền núi để phù hợp với mục tiêu, chính sách hỗ trợ phát triển nhà ở cho người dân đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã được xác định trong Nghị quyết số 88 của Quốc hội khóa 14. Cùng với đó, Ban soạn thảo cần nghiên cứu xem xét vấn đề bảo đảm quyền có nơi ở đối với người vô gia cư.

Về phát triển nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp, đại biểu cho rằng vấn đề nhà ở cho công nhân trong khu công nghiệp là nhu cầu bức thiết hiện nay. Tuy nhiên, đại biểu cũng nêu rõ quy định loại hình nhà lưu trú công nhân cho khu công nghiệp như dự thảo Luật trình Quốc hội là không phù hợp, không bảo đảm tính chặt chẽ, khoa học…

Đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát lại nội dung quy định này để thể chế hóa đầy đủ chủ trương của Đảng về chính sách đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân khu công nghiệp, bảo đảm đáp ứng nhu cầu ăn ở, sinh hoạt ổn định của công nhân, thống nhất, đồng bộ với quy định của pháp luật có liên quan.

Đại biểu đề xuất quy định vấn đề này theo hướng Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm xác định nhu cầu xây dựng khu nhà ở, công trình công cộng phục vụ đời sống người lao động làm việc trong khu công nghiệp để tích hợp vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch đô thị nông thôn thống nhất với quy định tại dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).



Hướng dẫn thi công giếng trời