Ngày 24-5 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 568/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia về phòng, chống tác hại của thuốc lá đến năm 2030. Một trong những mục tiêu quan trọng của Chiến lược là giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá, tỷ lệ tiếp xúc thụ động với khói thuốc; tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm về phòng chống tác hại của thuốc lá...
Cục Quản lý thị trường Vĩnh Long kiểm tra phát hiện 1.520 bao thuốc lá điếu nhập lậu tại hộ kinh doanh tạp hóa ở thị xã Bình Minh. (Ảnh HÀ LINH) |
Việt Nam được đánh giá đang là một trong 15 nước có số nam giới trưởng thành hút thuốc lá nhiều nhất trên thế giới. Tình trạng buôn bán, vận chuyển thuốc lá điếu nhập lậu qua biên giới vẫn hết sức nhức nhối, do đó, cần có những biện pháp hữu hiệu, cụ thể nhằm tăng cường xử lý vi phạm mới có thể giúp đạt được mục tiêu của Chiến lược…
Nhức nhối nạn buôn lậu thuốc lá
Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, có thời điểm tình hình vận chuyển, buôn bán thuốc lá điếu nhập lậu nhìn chung giảm. Tuy nhiên, hiện có lúc, có nơi, hoạt động vận chuyển, tàng trữ, buôn bán thuốc lá điếu nhập lậu đang diễn biến khá phức tạp với nhiều thủ đoạn tinh vi diễn ra tại các tỉnh khu vực biên giới Tây Nam như: An Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang, Tây Ninh,...
Phương thức vận chuyển, buôn bán thuốc lá nhập lậu được cơ quan chức năng đánh giá có chiều hướng ngày càng tinh vi, manh động và liều lĩnh hơn, tuy không tổ chức thành quy mô, đường dây, nhưng thủ đoạn hoạt động khá phức tạp.
Các đối tượng buôn lậu thường lợi dụng địa hình vùng biển, đêm tối để hoạt động, sử dụng các loại ghe đánh bắt hải sản, tàu chở hàng hóa để cất giấu thuốc lá điếu ngoại nhập lậu trong các khoang chứa hàng hóa hoặc để lẫn trong các hàng hóa khác.
Trên tuyến đường bộ Mộc Bài - Tây Ninh (Quốc lộ 22), thuốc lá lậu được vận chuyển trên các phương tiện xe khách, xe tải, xe container với số lượng nhỏ lẻ mỗi lần từ 100 đến 300 bao (để tránh bị xử lý hình sự) gây khó khăn cho công tác kiểm tra, xử lý.
Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, có thời điểm tình hình vận chuyển, buôn bán thuốc lá điếu nhập lậu nhìn chung giảm. Tuy nhiên, hiện có lúc, có nơi, hoạt động vận chuyển, tàng trữ, buôn bán thuốc lá điếu nhập lậu đang diễn biến khá phức tạp với nhiều thủ đoạn tinh vi. |
Trong thị trường nội địa, nhất là tại một số thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, thuốc lá điếu nhập lậu tuy không còn bày bán công khai nhưng vẫn được bán tại các hộ kinh doanh, cửa hàng, nhà hàng, tủ bán lẻ,...
Theo Cục trưởng Nghiệp vụ (Tổng cục Quản lý thị trường - Bộ Công thương) Thân Đức Công, lực lượng quản lý thị trường đã ngăn chặn được một số điểm nóng về thuốc lá điếu ngoại nhập lậu, hạn chế tình trạng bày bán công khai tại các cửa hàng, khu vực công cộng.
Tuy nhiên, do nhu cầu tiêu thụ và lợi nhuận cao cho nên các vi phạm liên quan đến thuốc lá nhập lậu vẫn còn nhiều, đòi hỏi các cơ quan chức năng cần duy trì thường xuyên công tác kiểm tra, xử lý. Bên cạnh đó, tuy Bộ luật Hình sự được sửa đổi, bổ sung một số điều có hiệu lực từ ngày 1/1/2018, quy định buôn lậu từ 1.500 bao thuốc lá trở lên sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự, tăng tính răn đe đối với hành vi sản xuất buôn bán hàng cấm là thuốc lá điếu nhập lậu, nhưng, lợi dụng "khe hở" này, nhiều đối tượng đã xé lẻ hàng, thậm chí nhiều vụ vi phạm khi bắt giữ kiểm tra thì chỉ có 1.499 bao, do đó chỉ bị xử phạt hành chính ở mức 100 triệu đồng.
Chưa kể, có tình trạng cất giấu, tàng trữ thuốc lá nhập lậu tại khu vực nhà ở, khu dân cư phức tạp, nhiều đường ngang ngõ tắt, có người theo dõi và buôn bán với số lượng nhỏ lẻ, chỉ khi bán hết mới chuyển đến bổ sung cũng gây khó khăn trong nắm bắt, theo dõi và xử lý.
Sớm đưa thuốc lá điện tử vào khuôn khổ quản lý
Dù có tên gọi là "thuốc lá" nhưng hiện nay các sản phẩm thuốc lá điện tử lại đang nằm ngoài tầm kiểm soát của pháp luật Việt Nam hiện hành. Hàng hóa bày bán công khai, chủ yếu nhập qua hình thức xách tay hoặc nhập lậu, nên đã gây ra tình trạng buôn lậu, kinh doanh hàng giả hàng kém chất lượng tràn lan trên thị trường, ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng và các doanh nghiệp làm ăn chân chính, thất thu thuế cho Nhà nước.
Thực tế, ghi nhận không ít vụ ngộ độc thuốc lá điện tử mà nạn nhân là các bạn trẻ đang trong độ tuổi ngồi trên ghế nhà trường. Chưa kể, thuốc lá điện tử dùng dung dịch làm nguyên liệu để hóa hơi (tạo hơi cho người sử dụng hít vào) và hiện có tới 20 nghìn loại hóa chất khác nhau được tìm thấy trong dung dịch thuốc lá điện tử như: nicotine, propylene glycol (một chất gây ung thư khi được đun nóng và hóa hơi) và glycerin thực vật.
Những chất này nếu sử dụng thường xuyên, lâu dài sẽ làm suy yếu sự trưởng thành não bộ với những hậu quả ngắn hạn và lâu dài, trong đó gây nghiện, rối loạn nhận thức và cảm xúc, giảm khả năng học tập và rối loạn tâm thần. Nguy hiểm hơn, do là hóa chất dạng lỏng cho nên người sử dụng có thể tự ý tăng tỷ lệ nicotine hoặc phối trộn thêm ma túy và các chất gây nghiện khác vào để sử dụng mà khó bị phát hiện.
PGS, TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), Giám đốc Quỹ phòng chống tác hại thuốc lá, hút thuốc lá cho biết, trên thị trường xuất hiện nhiều loại thuốc lá thế hệ mới nhưng chưa có quy định cụ thể để quản lý, xử phạt vi phạm, dẫn tới việc kinh doanh buôn bán và sử dụng tràn lan. Các sản phẩm này chưa được phép kinh doanh theo quy định hiện hành tại Việt Nam và chủ yếu được bán qua hình thức xách tay, nhập lậu.
Đáng lo ngại hơn khi tỷ lệ hút thuốc lá điện tử đang ngày càng nở rộ ở giới trẻ, đặc biệt có xu hướng "len lỏi" tấn công vào môi trường học đường, hướng đến học sinh mới lớn có tâm lý "thể hiện". Hiện nay chưa có quy định cụ thể được luật hóa, điều chỉnh với khái niệm thuốc lá thế hệ mới và chế tài xử lý các hành vi vi phạm liên quan.
Do đó, các lực lượng chức năng cần duy trì và vận dụng linh hoạt quy định luật pháp hiện tại về cấm nhập khẩu và buôn bán thuốc lá điện tử để ngăn chặn, hạn chế sự tiếp cận của giới trẻ với sản phẩm này để bảo vệ sức khỏe người dân, nhất là thanh thiếu niên, thế hệ trẻ tương lai của đất nước.
Nếu không tiếp tục triển khai hiệu quả các biện pháp phòng chống buôn lậu thuốc lá mạnh mẽ và kịp thời ngăn chặn các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới, hậu quả là rất lớn, trước hết gây ảnh hưởng tới sức khỏe người sử dụng, thất thu thuế cho Nhà nước, tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh với các doanh nghiệp ngành thuốc lá.
Vì vậy, các lực lượng chức năng, nhất là quản lý thị trường cần tăng cường quản lý địa bàn ngay từ cửa khẩu, biên giới; theo dõi sát diễn biến thị trường để chủ động tổ chức kiểm tra, xử lý chống buôn bán, vận chuyển, tàng trữ thuốc lá điếu, thuốc lá điện tử nhập lậu trong nội địa và các giao dịch mua bán bất hợp pháp qua môi trường internet. Đặc biệt, phải thực hiện nghiêm Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá nhằm cấm triệt để người chưa đủ 18 tuổi sử dụng, mua, bán thuốc lá; bán và cung cấp thuốc lá cho người chưa đủ 18 tuổi.
Các đơn vị chức năng cần tăng cường truyền thông nâng cao hiểu biết của người dân, nhất là lứa tuổi học sinh về tác hại của thuốc lá và trách nhiệm của bậc cha mẹ, các nhà trường, giáo viên trong công cuộc phòng chống tác hại của thuốc lá.
Năm 2022 lực lượng quản lý thị trường cả nước đã kiểm tra gần 2.200 vụ, xử lý 1.600 vụ việc về buôn bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép thuốc lá điếu ngoại nhập lậu, xì-gà nhập lậu, thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng, với số lượng bao thuốc và tương đương xử lý hơn 126 nghìn bao; hơn 10 nghìn sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng các loại; tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính là hơn 7,7 tỷ đồng. (Nguồn: Tổng cục Quản lý thị trường - Bộ Công thương) |
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin